VOV.VN -Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Chiều 20/3, tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội thảo khoa học cấp Nhà nước với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh” tiếp tục làm việc.
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội thảo. Tham dự hội thảo có 300 đại biểu đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, các đồng chí lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử, tướng lĩnh, sỹ quan, các nhà khoa học; cùng đại diện các cơ quan của Bộ Quốc phòng, tỉnh Điện Biên.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung khẳng định: “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là dấu mốc bằng vàng. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, và cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định bị thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”.
|
Nhân chứng lịch sử phát biểu tại hội thảo |
60 năm đã trôi qua, những những ký ức hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ luôn sống mãi với mỗi Cựu chiến binh. Với Bác Nguyễn Bồi Giong, nguyên Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hình ảnh những ngày làm thư ký cho Đại tướng sẽ không phai mờ.
Bác Giong chia sẻ: “Trong những ngày giúp trực tiếp đồng chí Tổng Tư lệnh, điều mà ấn tượng với tôi đến tận bây giờ là những ngày làm việc rất căng thẳng nhưng rất vui. Đại tướng luôn gần gũi anh em, nên mệt mỏi bao nhiều vẫn vui và cười. Đi đôi với niềm vui đó là niềm tin, vì là người chỉ đạo mình có một trí tuệ siêu việt, đồng thời rất sắc bén về bản năng của người chỉ đạo cao”.
Gần 20 tham luận, ý kiến tại hội thảo, các nhà khoa học và nhân chứng lịch sử đã làm rõ những chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn, tầm nhìn và tài thao lược của Đảng; nghệ thuật chỉ đạo, điều hành và phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân, sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh để giành thắng lợi trong chiến dịch.
Hội thảo cũng đi sâu phân tích quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy chiến dịch, trong đó có vai trò của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận; vai trò của Đảng bộ các địa phương trong công tác chuẩn bị và thực hành kế hoạch tác chiến; sự phối hợp tác chiến giữa các lực lượng vũ trang và nhân dân Tây Bắc với các chiến trường khác trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Một số bài tham luận được đánh giá cao tại cuộc hội thảo như “Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Quyết định lịch sử của Đảng ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược" của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hà. Đại tá Nguyễn Sĩ Động, cựu chiến binh tham gia trận mở màn Him Lam đã làm rõ tinh thần quyết chiến quyết thắng của bộ đội ta trong trận mở màn Him Lam, tạo khí thế cho cả Chiến dịch…
Khẳng định những thành công trong cuộc hội thảo ngày hôm nay, Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện lịch sử Quân sự Viện Nam nhấn mạnh: “Qua cuộc hội thảo, kể cả các tham luận được chuẩn bị trước và các nhân chứng phát biểu tại hội trường hôm nay, tất cả đều đồng thuận cao trong việc đánh giá chính xác về vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đánh giá đúng đắn về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đánh giá đúng về vai trò của lực lượng vũ trang, của Quân đội nhân dân Việt Nam, đặc biệt là vấn đè về quân sự và nghệ thuật quân sự. Đồng thời hội thảo ngày hôm nay tiếp tục khẳng định sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, khong có nghĩa là chúng ta không só sự giúp đỡ của quốc tế, khẳng định vai trò giúp đỡ quốc tế”.
Kết quả hội thảo lần này, cùng với những kết quả nghiên cứu khoa học đã đạt được trong thời gian qua sẽ góp phần nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc và có sức thuyết phục hơn về tầm vóc, nguyên nhân, ý nghĩa thắng lợi và bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Điện Biên Phủ./.
Tuyết Lan/VOV -Tây Bắc
|