Mùa Xuân, đất trời như đã ban cho vùng núi Xuân Sơn (Phú Thọ) sắc của muôn vàn hoa lá. Ấy là khi những cành mận nở bung trắng xóa từng chùm hoa, phủ kín con đường xuyên rừng và những mái nhà lá cọ đơn sơ.
ảnh minh họa
Chưa ở đâu, hoa mận lại khoe sắc hết mình như ở Xuân Sơn này. Và cũng chưa ở đâu, một loài hoa có tên trạng nguyên lại đỏ chói, tạo thành vệt thắm đan xen sắc trắng núi rừng như ở Xuân Sơn.
Nếu sắc trắng khiến con đường mang trên mình một sự hoài niệm man mác tinh khôi thì sắc đỏ của hoa trạng nguyên, lại khiến ta giật mình bởi chút tình nhen lửa bất chợt giữa tháng ngày đông giá rét.
Giữa trưa mà Xuân Sơn vẫn mờ ảo sương khói, vạn vật tờ mờ trong làn sương mù dày đặc. Núi rừng tĩnh lặng như tuyệt đối nếu như thỉnh thoảng không có tiếng còi xe xuyên rừng để đến với bản làng. Ngay cả chum lau phơ phất bên đường, cũng phải căng mắt, chăm chú mới có thể nhìn rõ sắc màu của nó.
Con đường, rừng cây, trong làn sương dày đặc tạo ra chất liêu trai cần thiết để tạo cho du khách một sự ám ảnh không dễ nguôi quên. Xuyên làn sương mù, xuống dốc, ta sẽ như người quay phim, cận cảnh để ngắm nhìn rõ hơn bức tranhh của thiên nhiên ban tặng.
Nói đúng hơn, thiên nhiên, trong sắc đỏ và trắng của hoa, trong sắc xanh của lá, chập chờn và điểm xuyến cho cánh rừng thêm lung linh trong tâm trí. Tôi đi trên con đường ẩm ướt bởi sương, xuyên qua cánh rừng và nhận ra mình được sắc hoa chỉ đường.
Vệt hoa trạng nguyên đỏ chói phô sắc nồng nhiệt chỉ lỗi tới ngôi trường kiên cố ở giữa thung xanh. Xa xa, trong làn mây trắng buông là là mặt đất, thì vẫn có sắc hoa đỏ chói của trạng nguyên niềm nở báo tin vui cho những người đến rừng để bớt đi nỗi niềm trống vắng.
Không biết trẻ em ở nơi này đỗ đạt ra sao, có bao người trưởng thành từ vùng núi mà sương mù giăng mắc này, nhưng không hề gì, hoa trạng nguyên vẫn đỏ chói sắc màu hy vọng cho một sự đỗ đạt thành công…
Sắc đỏ len vào thung khe, đứng chắn cửa rừng. Sắc đỏ ấy báo hiệu sự gần gũi thân thiện mà bức tranh ảm đạm của mùa Đông đã không thể đem đến niềm vui cho con người… Nó cố gắng trong sự phô sắc, với sức sống mãnh liệt. Chợt nhớ, với sức sống mãnh liệt. Chợt nhớ, khi tới rừng vào mùa Đông, quá trưa, sương mù tan dần, nhưng cái giá lạnh như cắt da cắt thịt khiến bao trẻ em Xuân Sơn run rẩy khi tới trường và khi trở về nhà.
Nhiều trẻ em Xuân Sơn không đủ ấm khi thời tiết khắc nghiệt. Tôi hỏi các em học sinh Trường Trung học và Tiểu học Xuân Sơn về cái giá rét đến ghê người và sức chịu đựng của các em trong mùa đông tê tái. Các em nói, chịu đựng quen rồi, lạnh cũng quen, đói cũng quen…
Không ai quen với cái khổ, cái đói, trừ khi không vượt được nó. Bao người mưu sinh từ nghề nông, thoát khổ từ nơi heo hút xa xôi này? Hoa trạng nguyên có báo hiệu sự đỗ đạt của con em dân tộc nơi này đến bao giờ?
Bản Cói hoang vắng, lô nhô với những mái cọ yên bình nằm lọt thỏm giữa rừng Xuân Sơn, bên con suối, hàng ngày soi bóng cho những khát vọng con người về một ngày mai ấm no. Những bắp ngô, bỏ thóc được cất giấu trên chòi cao, ven suối, im lìm bao năm mỗi khi xuân về lại giật mình, bởi bước chân của con người rộn ràng bên núi.
Xuân Sơn cũng đang là nơi lý tưởng để cất giữ huyền thoại sản vật có một không hai trong câu chuyện "kén rể của vua Hùng". Hãy về với Xuân Sơn để biết rằng phép nhiệm màu vẫn mãi còn trong câu chuyện cổ. Bởi những chú gà 9 cựa, hay 8 cựa… vẫn tồn tại ở rừng, sẵn sàng cho một cuộc kén rể mới của một chàng "Sơn Tinh" thời nay.
Khu rừng, vì vậy, đã trở thành điểm đến tham qua của nhiều du khách, với quần thể hang động, với bản làng thấp thoáng trong sương. Nhiều người đi tìm cái hoang vắng xa xưa của những trầm tích văn hóa còn lưu lại đến ngày nay mà quên đi sự trầm tích của những phận đời mưu sinh đằng sau con đường quanh co, những túp nhà xiêu vẹo ở giữa thung xanh được hoa trạng nguyên điểm tô bằng nhan sắc đỏ chói của mình.
Sự kết cấu của địa chất trong những vỉa đá, hang động, theo ngấn nước thời gian có thể giúp ta hiểu thêm về nguồn gốc và cội nguồn văn hóa, lịch sử. Nhưng cứ thử đi và tìm trong làn sương mù dày đặc kia, dấu vết của sự nhọc nhằn từ bao đời nay vẫn còn như một di chứng bền vững mà đôi khi lịch sử văn hóa cùng thời gian chưa làm chuyển biến.
Ấy là tôi nói đến những chuyến xa vận tải cỡ lớn của một doanh nghiệp. Trẻ em không lạ lẫm với những tiếng xe máy vút qua, xé tan bầu không khí tĩnh lặng của rừng. Nhưng chuyến xe công - ten - nơ đồ sộ chở nguyên vật liệu từ ngoài vào bán lại là một sự kiện lớn, nên tất cả chúng cùng bố mẹ đổ ra đường xem. Chúng xem như xem hội làng khi xuân về.
Rồi đây, khi những ngôi nhà kiên cố mọc lên, thay thế cho những mái nhà sàn của đồng bào Mường, Dao,… kia. Tôi hình dung, ánh nhìn của đám trẻ cũng bớt lạ dần. Rồi bìa rừng hẳng sẽ bớt đi lau lách, bản làng bớt đi sắc trắng hoa mận, sắc đỏ hoa trạng nguyên… Nếu không kịp ghi lại những thuộc tính và sự hoang vắng cũng như thân thiết của rừng bằng hình ảnh hoặc bằng những trang viết, chỉ e một lúc nào đó, ngay cả rừng cũng bị lãng quên.
Bất chợt, tôi nhận ra ở cổng vườn quốc gia – đúng hơn là cổng rừng Xuân Sơn, ngôi nhà ba tầng kiên cố trắng xóa sừng sững với 2 thân cây được đắp giá bằng vi măng làm cổng chào. Nó làm mất đi sự bí ẩn cần thiết của rừng bởi sự lạnh lung vô cảm. Tuyệt nhiên, không có tấm biển báo hiệu khu rừng thiêng cần phải bảo về và những chỉ dẫn cần thiết được đặt ở cổng rừng.
Nếu chỉ biết rừng sơ khai thì để hiểu, yêu rừng hơn, cần có sự tương hỗ đa chiều giữa con người với rừng và ngược lại. Ta cần phải biết khi rừng đang gặp hiểm nguy và khi nào rừng thiêng vẫy gọi, cần đến sự chở che của con người. Và khi ấy, đặt chân trên con đường mờ mịt sương khói liêu trai, ta mới cảm nhận rừng thiêng đang che chở và ưu ái con người một cách đặc biệt.
Có thể các nhà địa chất, khảo cổ… mải mê đi tìm những luận cứ, luận chứng hay một đề tài khoa học về sự hóa thạch, hay khởi đầu sự sống manh nha trên những cánh rừng nguyên sinh, nhưng để đi tìm và bảo vệ một ngôi nhà sàn cổ, vệt hoa trạng nguyên hay rừng mận phủ trắng hoa trong lễ hội xuân… là một việc cần thiết với những ai yêu rừng.
Rừng chỉ xuất hiện và trở nên thương nhớ khi nó còn bí ẩn, thiêng liêng trong mỗi con người. Bất chợt, tôi nhận ra mình gắn bó biết bao với cánh rừng và bản vắng Xuân Sơn.