(Dân trí)- Trước những tranh cãi quanh việc trùng tu hay xây mới cầu Long Biên, hãy cùng chúng tôi nhìn lại những hình ảnh về cầu Long Biên- "một thời đạn bom, một thời hòa bình" qua ống kính của những nhiếp ảnh gia, những khách du lịch nước ngoài.
Cầu Long Biên - Chốn mưu sinh của những người nghèo
Hà Nội có cầu Long Biên,
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng.
Tàu xe đi lại thong dong,
Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi...
(Ảnh: Alex Stoen)
Câu vè dân gian từ lâu đã phản ánh một nét đặc trưng của đời sống thường nhật nơi cầu Long Biên. Từng sát cánh bên quân dân Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giờ đây, cầu Long Biên lại cùng người dân lao động bươn bả mưu sinh với những “gánh gồng ngược xuôi”.
Cầu Long Biên là nhân chứng anh hùng của lịch sử, cũng là người bạn bình dị của mọi tầng lớp nhân dân lao động Hà Nội.
Người bán mít (Ảnh: Michael Stone)
Người lao động tham gia giao thông trên cầu Long Biên (Ảnh: Michael Stone)
Những cuộc đời vất vả mưu sinh dưới gầm cầu (Ảnh: James Durston)
(Ảnh: Getty Image)
(Ảnh: Dai Tran)
Cây cầu hơn trăm năm tuổi này đã từng bị đánh phá nhiều lần trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của Không lực Hoa Kỳ. Để bảo vệ cầu, bộ đội Công binh và Phòng không Việt Nam đã xây dựng trận địa pháo trên bãi cát nổi giữa sông Hồng (hay còn gọi là bãi giữa) để có thể bắn máy bay Mỹ ngay cả khi lũ về.
Lịch sử cầu Long Biên còn chứng kiến các điểm cao trên thành cầu trở thành ụ pháo cao xạ chống máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc. Vì vậy, cầu Long Biên là một trong những biểu tượng vĩ đại của cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Cây cầu đã truyền cảm hứng cho biết bao bài thơ, bài hát
Phía sông Hồng
Những cánh buồm, những cánh buồm nâu
Những con thuyền dắt nhau về đâu
Bãi dâu chiều khuất xa
Mãi vẫn là tuổi thơ tôi - Hà Nội…
Bài hát “Nhớ tuổi thơ Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Cường tuy không nhắc đích danh tên cầu Long Biên nhưng những ai từng sống ở nơi đây - Hà Nội - đều sẽ hiểu câu hát này viết về cây cầu đã gắn bó với tuổi thơ biết bao thế hệ.
(Ảnh: Dai Tran tham gia cuộc thi ảnh “Your Shot” của tạp chí National Geographic)
Cầu Long Biên (Ảnh: Dai Tran)
Trong những sách cẩm nang du lịch, những bài viết giới thiệu các địa điểm thăm quan không thể bỏ qua khi đến thăm Hà Nội, không bao giờ thiếu cầu Long Biên.
Cầu Long Biên - Một tương lai đầy “khắc khoải”
Những dấu tích lịch sử của Hà Nội - thủ đô ngàn năm văn hiến - có thể tìm thấy ở mọi phố lớn, ngõ nhỏ, nhưng không nơi đâu ghi lại dấu ấn thời gian một cách oai hùng và nên thơ như cầu Long Biên.
Được xây dựng vắt qua hai thế kỷ (1899-1902), dài gần 2,4 km, cầu Long Biên từng là một trong những cây cầu ấn tượng nhất thế giới khi nó mới được hoàn thành hồi đầu thế kỷ 20.
(Ảnh: AFP)
Cầu Long Biên trong ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp Léon Busy, chụp vào khoảng năm 1915-1920.
Đi trên cầu, ta sẽ được nghe tiếng sông Hồng “thở than”, ngắm những bãi dâu, bãi ngô, bãi giữa…, những con thuyền nhỏ trôi lững lờ trên dòng nước màu nâu đỏ.
Trước những tranh cãi còn đang rất bề bộn hiện nay về việc sẽ sửa cầu Long Biên như thế nào, cây cầu giống như một người lính già hiền từ, nhẫn nại, vẫn lặng yên chờ đợi những đổi thay. Trong lúc chờ đợi, cầu Long Biên vẫn ngày đêm trò chuyện với sông Hồng và kể cho sông nghe những chuyện của mình về “một thời đạn bom, một thời hòa bình”…
Hình ảnh cầu Long Biên trong ngày giải phóng thủ đô Hà Nội năm 1954.
Bích Ngọc
Tổng hợp
|