Câu chuyện thú vị về ánh điện lấp lánh ở Trường Sa.
Thì ngày hôm nay đây, cũng cái nắng, cái gió đó nhưng nó đã được chuyển hóa thành năng lượng điện sạch, mang lại cho Trường Sa một diện mạo mới đẹp hơn, lung linh hơn, rút ngắn khoảng cách Trường Sa với đất liền đúng như câu hát: Trường Sa không xa! Để có được những ánh điện lấp lánh về đêm cho Trường Sa, đó là cả một câu chuyện thú vị với những hồi hộp nhiều khi đến “ngộp thở”.
Cái nắng, cái gió thành... điện sạch
Đi trên con đường nhỏ dẫn vào cụm Chiến đấu 3, con đường được thắp sáng trưng nhờ hệ thống đèn đường, khiến chúng tôi cứ ngỡ như mình đang đi trên một con phố nhỏ nào đó ở thành phố trong đất liền. Và, với tôi, Trường Sa hôm nay thật khác. Tôi và chắc chắn nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng với ánh sáng lung linh của đảo khi nhìn về đêm. Trường Sa giờ đây như một thành phố nổi giữa biển khơi, kể từ khi được triển khai hệ thống điện sạch, điện đã sáng đến từng hộ dân, từng con đường nhỏ trên đảo.
Dạo bước cùng chúng tôi trên con đường đó, thiếu tá Đinh Trọng Thắm, Phó chỉ huy quân sự, phụ trách mảng hậu cần đảo Trường Sa Lớn không giấu được niềm vui. Anh nói rằng: “Đến thời điểm này, trong cuộc đời tôi, có hai lần công tác tại đảo Trường Sa thì đều có sự khác biệt vô cùng lớn. Nếu chuyến công tác đầu tiên là dùng điện từ máy nổ thì chuyến công tác thứ hai là “chuyến công tác điện sạch”. Là chiến sỹ đã có thâm niên gần chục năm công tác ngoài đảo, trực tiếp chứng kiến và sống ở những thời kỳ Trường Sa còn nhiều thiếu thốn, thiếu tá Thắm cho rằng, điện sáng từ năng lượng sạch lần này thực sự đã thay da, đổi thịt Trường Sa Lớn.
Năm 2005, lần đầu tiên thiếu tá Thắm ra công tác tại đảo Trường Sa. Anh cho biết, lúc đó toàn bộ đảo chỉ có nguồn điện duy nhất là máy phát. Bởi vậy, việc sử dụng điện trên đảo phải vô cùng hạn chế với quy định 1 ngày chỉ có thời gian 3 tiếng rưỡi được dùng điện (từ 18h - 21h30). Còn lại, mọi người dân, cán bộ dùng “điện” là ánh sáng mặt trời tự nhiên. Thời gian được sử dụng điện/ngày đó là nhằm đảm bảo sinh hoạt tối thiểu cho chiến sỹ và người dân trên đảo. “Thế nhưng, chuyến công tác lần hai này, tôi ra đảo (năm 2011) thì mọi thứ ở Trường Sa dường như khác biệt, đẹp đến lung linh và không khác gì so với đất liền. Điện bừng sáng ở cả những con đường vào xóm, ngõ đảo”, thiếu tá Thắm nhấn mạnh.
Kể về chuyện có điện sạch như hiện nay, anh cười mà rằng: “Thời gian đầu tiên, khi cán bộ kỹ thuật lắp đặt hệ thống máy móc để lấy năng lượng điện mặt trời về dùng, người dân tò mò lắm, đi xem vì thấy lạ, chẳng hiểu đó là cái gì. Những thiết bị cứ đứng trơ ở ngoài trời, như những vật thể lạ với người dân. Họ xem, họ bàn tán, cười nói như thể đó là cái gì lạ lùng lắm được đem về đây. Có người còn đến hỏi trực tiếp cán bộ rằng, các anh chôn gì mà lắm cột ở ngoài bờ biển thế? Chôn thế, bọn trẻ chạy nhảy, chơi đùa va vào thì sao?...”.
Theo thiếu tá Đinh Trọng Thắm, nếu điện là dấu hiệu của sự phát triển, của văn minh, trong đất liền ở đâu có điện, ở đó cuộc sống thay da đổi thịt thì với Trường Sa, điện đóng vai trò quan trọng hơn rất nhiều. Ngày trước, nguồn điện máy nổ chỉ đảm bảo được những sinh hoạt tối thiểu cho chiến sỹ, người dân. Bởi vậy, sự hoàn thiện của hệ thống điện sạch (năm 2010) là một bước tiến có thể nói đã đưa Trường Sa, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc lên một bước phát triển bền vững.
Điện sạch hiện hữu trên đảo Trường Sa Lớn mà chúng tôi cảm nhận được rõ nhất đó là những thay đổi trong cuộc sống, niềm vui và sự phấn chấn trong tinh thần của người dân nơi đây. Những ngày trên đảo, mỗi khi có dịp chơi với các công dân nhỏ tuổi nhất của Trường Sa, các bé Trinh Si, Hồng Hương, Phương Anh... lại kéo tay tôi về nhà để cùng xem đĩa phim hoạt hình mà người nhà trong đất liền gửi ra.
Thiếu tá Thắm xúc động: “Tôi ngỡ ngàng đến bất ngờ vì tại lần công tác này, tôi thấy gia đình nào cũng có tủ lạnh đựng đồ ăn tươi, rồi ti vi, đài, máy tính để xem thông tin và đọc báo qua mạng. Ngồi trong nhà của các hộ gia đình nơi đây, dường như chúng tôi không cảm nhận thấy có bất kỳ sự khác biệt nào với những ngôi nhà trong đất liền”.
Anh Lê Minh Phong, Trạm trưởng trạm Y tế Trường Sa Lớn cũng chia sẻ với chúng tôi về niềm vui khi trên đảo có hệ thống điện sạch. Nguồn điện ổn định đã tạo điều kiện cho các anh rất nhiều trong chăm sóc sức khỏe người dân và chiến sỹ trên đảo. Theo đó, bác sỹ Phong cũng cho biết, năm nay bệnh xá của Trường Sa Lớn được cấp thêm các trang thiết bị y tế như: Máy Xquang, máy xét nghiệm máu... Vì có điện nên việc trang bị thêm trang thiết bị y tế đã đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên đảo được tốt hơn.
Nguồn ánh sáng Trường Sa là vô tận!
Thiếu tá Thắm cho biết, hiện nay điện trên đảo đã đảm bảo được 24/24h ở những khu vực quan trọng như: Chỉ huy đảo, cụm thông tin Rada,...Và nếu những mùa gió ổn định như thời gian 6 tháng đầu năm thì điện cũng được cung cấp đến các hộ dân, các cụm chiến đấu công suất tối đa 24/24h.
Theo thiết kế thì hệ thống năng lượng điện mặt trời cung cấp 40% còn hệ thống điện gió cung cấp 60% lượng điện cho đảo. 21 chiếc quạt trắng cùng hơn 500 tấm pin khổng lồ được lắp đặt xung quanh đảo, nó như một phép màu kỳ diệu đã biến cái nắng cháy da, cái gió rát mặt của Trường Sa thành năng lượng điện sạch, mang lại cho cuộc sống của người dân và các chiến sỹ trên đảo ngày càng tiện nghi và tốt hơn. 500 tấm pin khổng lồ và 21 chiếc quạt trắng ấy đã từng là “vật thể lạ” của người dân trên đảo. Thế nhưng, bây giờ, nó thân thương và như một món quà không thể thiếu mà đất liền tặng cho đảo.
Việc tận dụng nguồn gió và nguồn sáng mặt trời tại Huyện đảo Trường Sa được tích hợp trong hệ thống điện lai ghép dùng năng lượng gió và mặt trời (HPSS). Qua khảo sát bức xạ mặt trời tại đảo Trường Sa cho thấy, tiềm năng năng lượng mặt trời và tốc độ gió trung bình hàng năm rất lớn. Với việc triển khai HPSS, lượng điện có thể cung cấp cho đảo nhu cầu sử dụng lên đến 6,2 MWh/ngày. Mà hiện nay, tổng nhu cầu sử dụng điện trên quần đảo Trường Sa ước tính khoảng 3MWh/ngày. Thêm vào đó, HPSS giúp tiết kiệm hơn 2.100 lít dầu diesel/ngày (gần 774.000 lít/năm). Lượng khí thải CO2 cũng giảm gần 2.300 tấn/năm. Có nghĩa là việc triển khai hệ thống điện sạch này không chỉ đảm bảo tối đa nguồn điện cho Trường Sa mà còn góp phần vào việc bảo vệ và làm sạch môi trường. Đây thực sự là nguồn năng lượng sạch vô tận của Trường Sa.