Quảng Nam được biết đến là nơi “một điểm đến, hai di sản” với Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và nhiều làng nghề, kiến trúc Việt cổ như đình, chùa, đền, miếu, nhà ở,… có niên đại cách đây 300-500 năm…
Phố cổ Hội An luôn hấp dẫn du khách bởi chiều sâu văn hóa và lịch sử,
sự cổ điển và duyên dáng của mình
Tết Nguyên đán là một dịp đặc biệt và thiêng liêng với mỗi người Việt Nam để chúng ta tưởng nhớ đến Tổ tiên ông bà và trở về đoàn tụ bên gia đình thân thương. Cùng với sự phát triển của đời sống cả về vật chất và tinh thần, những năm gần đây, Tết Nguyên đán còn là dịp để mọi người đi du lịch, nghỉ ngơi sau một năm lao động, học tập miệt mài, “refresh” lại bản thân để bước vào một năm mới đầy hứng khởi, với những kế hoạch mới và hy vọng vào những điều tốt đẹp. Nếu có kế hoạch đi miền Trung, thì Quảng Nam chính là một điểm đáng để bạn đến thăm mùa Xuân này.
Hai di sản thế giới – niềm tự hào xứ Quảng
Tháng 12/1999, Quảng Nam đón nhận vinh dự và niềm vui lớn khi Đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Đô thị cổ Hội An nằm cách thành phố Đà Nẵng 30 km về phía Đông Nam, cách thành phố Tam Kỳ 60 km về phía Đông Bắc.
Từ cuối thế kỷ 16, Hội An từng là trung tâm mậu dịch quốc tế trên hành trình thương mại Đông - Tây, là một thương cảng phồn thịnh nhất của xứ Đàng Trong - Việt Nam trong triều đại các chúa Nguyễn bởi thương thuyền từ Nhật Bản, Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan... thường đến đây để trao đổi, mua bán hàng hoá. Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 68 km và cách thành cổ Trà Kiệu khoảng 20 km. Nằm lọt giữa bốn bề núi thiêng, Mỹ Sơn ngày nay đã trở thành điểm tham quan chính trong trục du lịch Đà Nẵng – Hội An – Thánh địa Mỹ Sơn. Nếu ai đó nói rằng, thung lũng có đường kính chừng hơn 2km hôm nay chỉ còn lại hoang tàn phế tích, bao gồm những ngôi đền đã đổ nát thì có lẽ họ chưa hiểu hết hồn cốt của một vùng đất từng là kinh đô của một đế chế.
Đêm Hội An lung linh
|
Khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ
|
Khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ ... những con đường phố hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Cảnh quan phố phường Hội An bao quát một màu rêu phong cổ kính như một bức tranh sống động. Sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới. Đây được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.
Ngoài những giá trị văn hoá qua kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ một nền tảng văn hoá phi vật thể khá đồ sộ. Cuộc sống thường nhật của cư dân với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hoá đang được bảo tồn và phát huy cùng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, các làng nghề truyền thống, các món ăn đặc sản... làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.
Bắt đầu từ những thế kỷ đầu công nguyên, trên dải đất miền Trung - Việt Nam đã nảy sinh và phát sáng rực rỡ một nền văn hoá Chămpa độc đáo. Trong đó, vùng đất Quảng Nam với tên gọi xưa là Amaravati, được các văn bia cổ nhắc đến như là trái tim của vương quốc Chămpa trong một giai đoạn khá dài.
Thánh địa Mỹ Sơn
|
Được khởi công từ thế kỷ 4 bởi vị vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ 13, đầu thế kỷ 14 dưới triều vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân), Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa. Ngoài chức năng hành lễ, giúp các vương triều tiếp cận với các Thánh thần, Mỹ Sơn còn là trung tâm văn hóa và tín ngưỡng của các triều đại Chămpa và là nơi chôn cất các vị vua, thầy tu nhiều quyền lực. Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Ngoại trừ một vài tháp quay về hướng Tây hoặc cả hai hướng Đông - Tây, các đền tháp phần lớn quay về hướng Đông - hướng mặt trời mọc, chỗ trú ngụ của thần linh, thể hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của các vị vua sau khi chết được phong thần và để tỏ lòng hoài niệm tổ tiên.
Do thiên tai, địch họa và sự tàn phá của bom đạn chiến tranh, đến nay Mỹ Sơn chỉ giữ lại được khoảng gần 20 tháp. Tuy nhiên, tất cả tài liệu bia ký, kết quả khảo cổ, dấu tích vật chất còn lưu lại tại Mỹ Sơn và một số bảo tàng trong nước như Bảo tàng Chămpa Đà Nẵng, Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh ... cũng đủ làm cho chúng ta vô cùng thán phục về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và trang trí của người Chămpa cổ xưa. Đặc biệt, cho đến nay kỹ thuật kết dính vật liệu không có mạch hồ trong việc xây dựng đền tháp ở Mỹ Sơn vẫn là một bí ẩn luôn kích thích sự tìm tòi, nghiên cứu và đam mê khám phá của các nhà khoa học cũng như đối với mỗi chúng ta.
Không đồ sộ, kỳ vĩ như Ăngkor (Campuchia), Pagan (Myanma), Borobudua (Indonesia)... nhưng Mỹ Sơn vẫn có một vị trí rất quan trọng trong nền văn hóa nghệ thuật của vùng Đông Nam Á.
Lồng ghép văn hóa và du lịch, hướng tới phát triển bền vững
Kết hợp hài hòa giữa du lịch và di sản luôn là bài toán đặt ra tại nhiều địa phương, nhất là khi du lịch ngày càng phát triển. Quảng Nam đã giải quyết bài toán này theo hướng lồng ghép văn hóa và du lịch nhằm phát triển bền vững, góp phần tạo nên điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách.
Kết hợp hài hòa giữa du lịch và di sản luôn là bài toán đặt ra tại nhiều địa phương
|
Từ năm 2009, UNESCO đã hỗ trợ chính quyền tỉnh Quảng Nam xây dựng chiến lược “Lồng ghép văn hóa và du lịch”, hướng tới phát triển bền vững. Mục tiêu cụ thể của chiến lược là kết nối các điểm du lịch di sản (Hội An - Khu Di tích Mỹ Sơn - Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm); phát triển du lịch thông qua các hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản; xây dựng sản phẩm, tổ chức sự kiện và công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của Quảng Nam.
Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cho biết trong những năm qua, tỉnh đã lọc ra chương trình để trùng tu các di sản đang xuống cấp, đánh giá chất lượng du lịch từ du khách, đào tạo hệ thống hướng dẫn viên du lịch. Vấn đề ưu tiên ở cả ba khu vực này là ưu tiên về bảo tồn và trùng tu di tích, ưu tiên về bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Đối với Hội An, Mỹ Sơn, tỉnh đã tiến hành việc phục hồi các di sản vật thể và phi vật thể, tăng cường quản lý di sản. Đồng thời, tiến hành các hoạt động bảo vệ môi trường, nạo vét sông ngòi. Với Cù Lao Chàm, ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, như xem san hô, cắm trại, nghỉ dưỡng... Trong chiến lược này, cộng đồng địa phương sinh sống xung quanh khu vực các điểm di sản Hội An, Mỹ Sơn và khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm đóng vai trò trung tâm. Việc phát triển bền vững đối với ngành Du lịch của Quảng Nam còn được đảm bảo khi tự người dân tại địa phương có ý thức giữ gìn văn hóa, di sản và chỉ được thực hiện khi cộng đồng được hưởng lợi từ du lịch.
Từ năm 2009, UNESCO đã hỗ trợ chính quyền tỉnh Quảng Nam xây dựng chiến lược “Lồng ghép văn hóa và du lịch”, hướng tới phát triển bền vững
|
Quảng Nam cũng triển khai nhiều loại hình du lịch khác như du lịch sông nước Cẩm Thanh, du lịch sông nước Trà Nhiêu, du lịch sông Thu Bồn, khai thác các điểm du lịch khu vực miền Tây của Quảng Nam, đầu tư vào các làng nghề truyền thống, lễ hội trong tỉnh… nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch và giảm áp lực với di sản.
Năm 2013, Quảng Nam đã phối hợp với các địa phương bạn tổ chức Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng do Quảng Nam làm trưởng nhóm, thu được những kết quả đáng khích lệ. Các tour, tuyến du lịch ở cả 3 địa phương được kết nối đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch. Đặc biệt, khi các sự kiện diễn ra tại một địa phương đã tạo hiệu ứng lan tỏa đến các địa phương liên kết.
Nhờ vậy, trong những năm qua, du lịch Quảng Nam đã đạt mục tiêu tăng trưởng chất lượng, thay vì số lượng, và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Quế Hương (tổng hợp)
|