Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 22/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Đất Nước Việt Nam >
  Tô Lịch Tô Lịch , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Sông Tô Lịch đoạn chảy qua Cầu Giấy. Ảnh: Minh An

Tên Tô Lịch được sử sách chép ghi, lần đầu tiên, là vào thế kỷ thứ VI. Khi ấy, chỉ bằng một đoạn văn ngắn - thậm chí: chỉ có một câu - các sách Lương Thư, Trần Thư (của Trung Quốc) đã vắn tắt nói về sự kiện: Nam Việt đế Lý Bí - năm 545 - cho đắp dựng một toà thành bên một dòng sông xưa trên đất đai Hà Nội cổ, mà các sách ấy gọi bằng tên: “Tô Lịch giang thành” (Thành sông Tô Lịch).

Như thế hai chữ Tô Lịch lần đầu tiên vào trong sử sách - từ 15 thế kỷ trước - là với tư cách một địa danh (tên sông), chứ không phải là nhân danh (tên người).

Nhưng, truy nguyên, thì hoá ra cái địa danh - tên sông - ấy, lại là do từ nhân danh - tên người vậy, con người đã cho dòng sông mượn tên ấy, là như thế nào?

Sách Việt điện u linh ở cuối thời Trần (thế kỷ XIV) dẫn lại một số thông tin trong một số thư tịch cổ hơn, các sách: Báo cực truyện, Giao Châu ký... đã có nói về một người họ Tô tên Lịch, sống trên đất gốc Hà Nội cổ, ở thời gian vào khoảng đầu công nguyên. Trong văn cảnh của chữ nghĩa và lối viết thời trung cổ, lại thuộc về nội dung của một sưu tập những truyện tích truyền kỳ, linh dị, Tô Lịch đã hiện ra, giữa những trang dòng cổ thư ấy, như là một lão phu cao tuổi: “… Đời đời ở đất Long Đỗ, dựng làng trên bờ sông, ba đời biết nhường nhịn mà ở chung cùng nhau. Năm mất mùa, thóc thiếu, lại còn biết đem thóc cho cả làng vay…”

Đó là phẩm chất của hình ảnh một vị “già làng”. Và ngôi làng cổ của vị già làng Tô Lịch ấy, có hai điểm quy chiếu để định vị: đất Long Đỗ, và: có sông chảy qua! Một cái nhìn địa lý - phong thủy, đời nào cũng có, sẽ (đã) nhận thêm ra: ngôi làng cổ trên đất đai Hà Nội từ thời tiền Thăng Long ấy, tất tựa lưng vào chỗ có tên là Long Đỗ mà ngoảnh mặt nhìn ra sông, đồng thời bám lấy sông mà sống.

Long Đỗ - Rốn Rồng là tên gọi cổ truyền, thông dụng cho đến tận thời gian cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, để chỉ chung miền đất Long Thành - Hà Thành: nội đô - nội thành Thăng Long - Hà Nội. Tên gọi chung này bắt nguồn (tức: có hạt nhân) từ một địa điểm cụ thể: quả núi đất, cao và thiêng, ở chính tâm nội đô - nội thành (nay thì ở chính tâm “Thành cổ Hà Nội”) vì thế mà có tên gọi là Rốn Rồng - Long Đỗ (tức: núi Nùng (Nùng Sơn). Còn dòng sông chảy qua (chảy trước, chảy quanh) chỗ núi Rốn Rồng (Long Đỗ, Nùng Sơn) ấy, có một cửa chính là “Hồ Khẩu” (Cửa Hồ) bên bờ Hồ Tây, dẫn nước ngược xuôi qua Láng, Cầu Giấy, Thanh Liệt… mà thông với sông Nhuệ ở Thanh Trì - Thanh Oai; và một cửa nữa là “Hà Khẩu” (Giang Khẩu - Cửa sông, chỗ bây giờ là Hàng Buồm, Nguyễn Siêu, Chợ Gạo) dẫn dòng nước xưa thì vừa trong vừa mát, để cho “em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh”, còn bây giờ thì được “ngầm hoá” (cống hóa) dưới lòng các con đường Phan Đình Phùng, cống chéo Hàng Lược, Hàng Đường, Ngõ Gạch, Nguyễn Siêu… mà thông ra sông Hồng.

Với hai tiêu điểm - tọa độ là Núi và Sông như thế, có thể hình dung ra vị trí của ngôi làng - Hà Nội - gốc, do bậc “già làng” Tô Lịch đứng đầu là xa gần trên mạn: từ “Thành cổ Hà Nội” ngày nay, ra tới quãng bờ tây và nam Hồ Tây bây giờ. Sách cổ Tây Hồ chí đã có những gợi ý về mấy điểm tụ cư của ngôi làng - Tô Lịch ấy: Cầu Giát, Rừng Tre, Xóm Rừng và bến Xóm Rừng, động Già La, động Rừng Ngà, động Bình Sa… ở quanh vùng Cửa Bắc, Quán La, Yên Ninh - Yên Quang… ngày nay. Đấy là những điểm tụ cư dựa chắc vào hai “vật thể chuẩn”: núi Rốn Rồng (Long Đỗ) và dòng sông mà có thể - ngày ấy - chưa có tên, hoặc về sau bị chìm mất tên nguyên thủy. Một điều chắc chắn như sau này sẽ được khẳng định trong câu nói vần vè: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá” - những “vật thể chuẩn” là núi ấy, sông ấy, của ngôi làng Hà Nội gốc ấy, cần và tất nhiên phải có thần linh của mình. Và không phải tìm đâu xa, vị thần linh ấy đã sẵn là sự hóa thân của người “già làng” Tô Lịch ở ngay đấy rồi: “Sinh vì tướng tử vi thần” người đứng đầu ngôi làng Hà Nội gốc khi mất đi (tức: chuyển sang sống ở cõi vĩnh hằng) sẽ dễ dàng hóa thân làm thần cho làng và thuận nhất là chốt lại ở những “vật thể chuẩn”, rồi cũng sẽ thành những “vật thể thiêng” của làng. Như thế, Tô Lịch trở thành “Thần núi Long Đỗ”, cũng như trở thành thần của dòng sông mang tên ông: Thần sông Tô Lịch”!

Vị thần núi Long Đỗ và thần sông Tô Lịch ấy, vậy, chính là một nhân thần. Và ngay trong thời tiền Thăng Long của người Hà Nội cổ chống Bắc thuộc, nhân thần Tô Lịch đã tích cực tham gia vào sự nghiệp đấu tranh ấy, khiến nhiều kẻ thù ngoại bang, xâm lược và thống trị, phải nhiều phen khiếp hãi. Khi thì hóa thân trở lại nguyên hình là một lão trượng, ung dung tắm gội giữa dòng sông mang chính tên của mình, giữa mùa nước lớn, nước dồn từ đồng ra sông, khiến sông “chảy ngược”, làm cho lũ quan quân nhà Đường từ trong tòa phủ thành của “Phủ đô hộ” mà Việt điện u linh tập chép rõ là: Xây dựng trên nền nhà cũ của Vương (Tô Lịch) nhìn ra, hốt hoảng kêu là có “nghịch thuỷ”! Để cầu yên, hồi đầu thế kỷ IX, quan chức ngoại bang đô hộ là Lý Nguyên Hỷ, đã phải tổ chức một lễ tế lớn ở núi Nùng (Long Đỗ - Rốn Rồng), và tấn phong Tô Lịch làm “Đô phủ Thành hoàng Thần quân”. Ngay đêm hôm đó, trong giấc mộng của Lý Nguyên Hỷ, thần nhân Tô Lịch đã hiện ra, và giáo dục cho kẻ đô hộ biết phải nghiêm cẩn giữ phận của mình.

Đến giữa thế kỷ IX nhân thần Tô Lịch lại làm khiếp vía kẻ thù ngoại bang một lần nữa, ở Cửa Đông trông ra sông Tô Lịch của thành Đại La. Kẻ thù đối thủ của Tô Lịch lúc này chính là viên quan đô hộ cáo già và thầy phù thủy cao tay: Cao Biền. Trong trận chiến tâm lý và tâm linh năm 866 ấy, ở trên bờ Tô Lịch, mé sông thông nước với sông Hồng, kẻ đại bại là Cao Biền. Y đã phải xây cho người chiến thắng một ngôi đền thờ ở ngay trên chiến trường - chính là ngôi đền Bạch Mã - “Thăng Long đông trấn” ở phố Hàng Buồm này nay - và thốt lên lời than thở: - Đất này còn nhiều thần linh, (bọn) ta đến phải cuốn gói về nước mất thôi!

Quả nhiên, kỷ nguyên độc lập tự chủ và thời đại văn hóa Thăng Long mở ra ngay sau đấy. Và một lần nữa, từ ngôi đền thiêng “Thăng Long đông trấn”, điều linh diệu lại hiện ra, mang hình tượng thần Ngựa Trắng để giúp vua Lý Thái Tổ xây dựng được tường thành Thăng Long, ở buổi mới định đô, năm 1010! Và chính thần nhân Tô Lịch, trong hình tượng một lão trượng râu tóc bạc phơ, cũng thân đến bên bệ rồng, trong giấc mộng của vua, mà nói lời chúc tụng, đảm bảo cho vua sự nghiệp lâu bền.

Vì thế, nhân thần Tô Lịch đã được chính vị vua khai sáng cơ nghiệp Lý triều và khai sinh kinh thành Thăng Long, phong vượt cấp, làm thần linh bảo trợ cho toàn bộ đô thành: “Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương”, những mỹ tự quý hiển cũng theo các đời vua tiếp sau mà tăng thêm cho vị nhân thần đứng đầu việc bảo trợ kinh đô, qua các thời. Ngay trong năm chiến thắng giặc Nguyên Mông lần thứ hai, thu phục kinh thành (1285), vua Trần Nhân Tông đã gia phong cho Tô Lịch hai chữ “Bảo quốc”. Sau trận đại thắng sông Bạch Đằng, trở lại kinh đô giải phóng (1288), vua Trần lại gia phong cho Tô Lịch hai chữ “hiển linh” nữa. Hai chữ mỹ tự cuối cùng mà vị Thành hoàng kinh đô Tô Lịch nhận được (vào năm Hưng Long thứ hai - 1313) là: “Định bang” (giữ yên đất nước). Cuộc hành trình từ vị trí người già làng ở ngôi làng Hà Nội gốc, đến nơi ngai thờ vị thần quân cả đất kinh kỳ - thủ đô của Tô Lịch như thế, cũng chính là nét thăng hoa vận động trong tâm thức - tâm linh đặc trưng của các thế hệ cư dân nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.

Lê Văn Lan

Theo Hoinguoihanoi


  Các Tin khác
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 5
Total: 65976991

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July