Từ thị trấn Tam Đường vào đến bản cỡ chục cây số. Mất một lúc loay hoay với đoạn bùn lầy trên đường, chúng tôi dường như choáng ngợp trước cảnh vật trước mắt. Đường tới Nà Luồng hơi khó đi nhưng đã vượt qua trở ngại nhỏ đó bạn thực sự được mãn nhãn bởi thiên nhiên nơi đây.
Con đường dốc quanh co bám ven những đồi chè, những rừng cây tái sinh đang độ lớn. Phía dưới là dòng Nậm Mu trong suốt và như một dải lụa được đánh bóng bằng ánh nắng lấp lánh của trời chiều. Nhìn từ trên cao, Bản Nà Luồng hiện ra thật ấm áp bởi khói bếp từ những nếp nhà sàn chen chúc với với những cây xanh chắc đã nhiều năm tuổi.
Chúng tôi dừng xe bên này suối và cẩn thận đi qua cây cầu treo vào bản. Thật lạ, chiếc cầu đã cũ, chênh vênh, thỉnh thoảng bị mất một miếng ván khiến tôi thấy sợ, nhưng không biết có điều gì đã thôi thúc tôi vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình để sang được bờ bên kia. Mọi người trong đoàn rất hào hứng, vui vẻ vừa đi trên cầu vừa nô đùa, có người mải mê với những khuôn hình đẹp lạ vào máy ảnh, máy quay họ mang theo.
Đường bờ ruộng nhỏ xíu, chúng tôi đi thành hàng dài và dần nhìn rõ những ánh mắt có chút lạ lẫm, tò mò của đám trẻ chơi trên đường. Toàn những người “du lịch”, đi nhiều và biết nhiều, tất cả chúng tôi đều nhanh chóng tìm cho mình được những người bạn mới để hỏi han, khám phá. Tôi lên nhà một bà cụ có hàm răng đen bóng, chắc khoẻ. Hỏi thăm sức khoẻ của cụ tôi thực sự bất ngờ, cụ đã gần 90 mà vẫn đi lại nhanh nhẹn, vẫn phụ giúp con cái trông nom nhà cửa và “nấu được nồi cơm”.
Tìm hiểu mới biết, bản Nà Luồng với 100% là người Lào, cả bản có 90 hộ dân với 453 nhân khẩu. Hầu hết bà con trong bản đều trồng lúa và sống nhờ dòng suối Nạm Mu. Bản vẫn còn nghèo lắm, có đến 26 hộ thuộc diện nghèo, còn thiếu ăn 4 tháng trong năm. Nhưng ai cũng rất vui vẻ và thân thiện khi chúng tôi đến bắt chuyện.
Mấy anh con trai trong đoàn rất hào hứng, đi hết nhà này, nhà khác và họ đã gặp may khi được chủ một gia đình mời ăn cơm vì hôm nay nhà có chuyện vui. Nhìn mâm cơm khá thịnh soạn với những món ăn lạ, đĩa xôi ngũ sắc bắt mắt, đĩa cá suối nướng thơm phức, đĩa thịt gà “đi bộ” hấp dẫn khiến không ai giữ được “nước miếng” mà bốc ăn ngon lành.
Mải mê vui vẻ nhưng chúng tôi không quên làm nhiệm vụ khảo sát, chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến văn hoá độc đáo của người Lào, bộ trang phục lạ mà rất đẹp, hàm răng đen bóng được chăm sóc cẩn thận từ khi mới trường thành của các cô gái, đến lễ hội Bun Vốc Nặm (hội té nước) được tổ chức hàng năm, đến những làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống của người Lào… Những cuốn sổ tay cứ lật trang liên tục, những nụ cười tươi rói vì những câu hỏi thú vị của người dân khiến cho không khí buổi chiều đó thêm vui tươi và ấm áp hơn nhiều.
Khi đã “hòm hòm” được những sự tò mò, khi mặt trời đã đi qua dòng suối chúng tôi chia tay bà con trong bản. Những cái bắt tay, hỏi han ân cần, họ nói với chúng tôi rằng bất cứ lúc nào có thời gian hãy đến bản chơi và đến ngày đó là phải “say” mới được về. Tạm biệt những nóc nhà sàn và những con người thân thiện chúng tôi tiếp tục “hành quân”.
Đang say sưa kể lại cho nhau nghe về những điều mình vừa gặp, vừa khám phá thì chúng tôi bắt gặp một điều bất ngờ, thú vị khi được chứng kiến cảnh… “tắm suối”. Đã hết một ngày lao động vất vả, người Lào ở Nà Luồng tìm đến dòng Nậm Mu như một tiệm “massage” trời ban, họ vô tư ngâm mình dưới dòng nước xanh và trong vắt và không để ý đến ánh mắt lạ lẫm của chúng tôi. Thú vị nhất là mấy đứa trẻ, trần chuồng như những viên sỏi mà tôi nhìn thật lâu mới phát hiện ra chúng. Lại chụp, lại quay, thật là những thước phim quý giá.
Trở về thị xã Lai Châu cũng đã muộn. Đói, mệt nhưng ai cũng vui. Đoàn dành khoảng 10 phút để bàn bạc, đánh giá. Có lẽ tôi là người vui hơn cả vì sau chuyến khảo sát thú vị đó, Nà Luồng đã được Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) lựa chọn để tư vấn, đầu tư phát triển thành một điểm đến du lịch cộng đồng.