Bên vách đá sừng sững, thác nước reo vang, làm lan tỏa một vùng không gian rộng lớn âm thành dào dạt, trầm hùng.
Nhìn từ xa, thác Dray Nur như một bức tường nước khổng lồ, muôn ngàn sợi nước trắng xóa quấn quít, đan xen, lung linh, huyền ảo. Giữa đại ngàn kỳ vĩ, trùng điệp núi non, thác Dray Nur quyến rũ con người bởi vẻ đẹp tươi tắn, trong lành và những huyền thoại, truyền thuyết về sự ra đời của thác.
Chuyện kể rằng, xa xưa, tại nơi này, dòng sông Sêrêpốk chỉ một dòng chảy quanh co giữa đại ngàn xanh biếc. Hồi ấy, có một chàng trai buôn Kuốp đem lòng yêu tha thiết một cô gái bên kia sông. Nhưng vì họ là con của hai dòng tộc có mối hiềm khích lâu đời nên tình yêu của họ không được chấp nhận.
Đau khổ vì tình yêu vô vọng, trong một đêm trăng, đôi trai gái cùng nhau gieo mình xuống dòng sông để mong được bên nhau mãi mãi. Đêm đó, trời đất bỗng tối sầm, dông bão nổi lên, nước sông sục sôi, cuồn cuộn, rừng núi thét gào.
Sáng hôm sau, người ta thấy sông Sêrêpốk tách thành hai dòng, chia hai ngả, chia cắt đường qua lại giữa hai dòng họ, hai buôn làng. Hai nhánh sông ấy mang hai cái tên là sông Krông Ana (sông Cái) sinh ra ngọn thác Dray Nur (còn được gọi là thác Vợ), và sông Krông Nô (sông Đực) sinh ra thác Dray Sáp (còn được gọi là thác Chồng).
Một truyền thuyết khác lại kể rằng, thác Dray Nur và Dray Sáp là hai người anh em song sinh. Khi Mẹ Đất chuyển dạ, tại phía thượng nguồn, người anh Dray Nur ra đời trước, được nhận những đức tính hiền hòa của người mẹ nên quanh năm reo chảy êm đềm. Còn ở phía hạ nguồn, người em Dray Sáp ra đời sau thừa hưởng sự hùng dũng của người cha nên đổ dòng ầm ào, cuồn cuộn quanh năm suốt tháng.
Về tên thác, người già ở buôn Kuốp, buôn sống cạnh dòng thác từ ngàn đời nay, thường truyền nhau câu chuyện rằng, ngày xửa, ngày xưa, vua Thủy Tề có người con trai là hoàng tử Nur khôi ngô, tuấn tú, rất thích chu du ngắm cảnh.
Trong một lần lên trần gian, hoàng tử gặp hai nàng công chúa xinh đẹp. Do cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc, khi vua cha qua đời, hai công chúa bị bỏ rơi, nghèo khổ, ngày ngày, họ phải đào củ mài ăn để sống. Hoàng tử Nur đã giúp đỡ họ nên được hai công chúa đem lòng yêu thương và họ chung sống cùng nhau. Dù vậy, khi nhớ vua cha, hoàng tử Nur lại quay về.
Khi chia tay, chàng hóa thành một con dúi vàng trở về hang đá bên trong thác. Sau đó, vì nhớ da diết hai công chúa, hoàng tử lại rời vua cha lên trần gian với vợ. Theo tiếng Êđê, Dray có nghĩa là thác, Nur là con dúi, nên từ đó, ngọn thác nơi hoàng tử hóa thân mang tên là Dray Nur.
Những du khách thích mạo hiểm thường tìm cách lách người qua vách đá cạnh dòng thác đổ để vào khoảng không gian mờ ảo bên trong rộng hàng ngàn m2, nơi xưa kia hoàng tử Nur hóa thân để cảm nhận làn hơi nước mát lạnh lan tỏa, hay giang tay nhảy từ chiếc cầu nhỏ vào vùng nước trong xanh dưới chân ngọn thác.
Từ thác Dray Nur, du khách yêu thiên nhiên có thể lang thang theo những con đường mòn trong rừng nguyên sinh ngắm những gốc cây đại thụ hàng ngàn năm tuổi, rễ của chúng ôm chặt những tảng đá lớn, hoặc khám phá những hang động kì thú, hay đợi hoàng hôn buông xuống để ngắm đàn dơi hàng ngàn con bay vào hang trú ẩn.
Dray Nur cũng níu giữ, lôi kéo bước chân du khách đến với cuộc sống thuần phác tại các buôn Kuốp, buôn Nui, buôn Tua của đồng bào Êđê sinh sống gần thác.
Đến đây, du khách sẽ được xem giã gạo chày đôi, ngắm những chiếc váy thổ cẩm được dệt tinh xảo và những dụng cụ săn bắt độc đáo của người Êđê, cùng uống chút rượu cần, thưởng thức những món ngon của người địa phương.
Cũng từ thác Dray Nur, du khách có thể dễ dàng vượt sông để đến chiêm ngưỡng thác Dray Sáp và thác Gia Long, những ngọn thác kỳ vĩ và đẹp bậc nhất Tây Nguyên.
Theo BAVN/Vietnam+