“T a đi giữa ban ngày / Trên đường cái, ung dung ta bước / Đường ta rộng thênh thang tám thước / Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên...”. Con đường QL1B trong bài thơ “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu từng đi vào lịch sử nay vẫn còn nguyên dấu tích.
Thung lũng Bắc Sơn
Đường “Ta đi tới” ngày nay không chỉ rộng “thênh thang tám thước” nữa mà rộng rãi với phong cảnh đẹp và những khúc uốn lượn chạy giữa thung lũng, bốn mặt bao quanh là núi, những nếp nhà sàn thấp thoáng. Đường qua thị trấn Bắc Sơn thơ mộng với những cánh đồng thuốc lá hai bên đường trổ hoa vàng dịu. Những người phụ nữ Dao, Nùng với những gùi đầy lá thuốc mỗi buổi chiều về. Trên đường “Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên”, ngoại trừ địa danh Thái Nguyên đã quen thuộc bởi đây là thành phố lớn, thủ phủ của tỉnh Thái Nguyên, một vùng căn cứ địa cách mạng xưa thì thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai và thị trấn Bắc Sơn đều là những thị trấn nhỏ và khá hẻo lánh nằm nép vào những thung lũng vắng giữa bốn bề đồi núi trập trùng.
Thị trấn Đình Cả có hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà hấp dẫn bởi vừa là di tích cách mạng, vừa là một trong những danh thắng nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà với lòng hang rộng có suối nước mát lạnh, trong xanh đẹp mê hồn. Trong khi đó, ở địa danh còn lại trên tuyến đường “Ta đi tới”, thị trấn Bắc Sơn dường như chưa từng được nhắc tới trong bản đồ của những người yêu du lịch. Bắc Sơn chỉ còn là một thị trấn nhỏ ẩn mình trong thung lũng, bốn mặt bao la núi đá. Nhưng có lẽ cũng chính bởi sự “ẩn mình” ngẫu nhiên này mà Bắc Sơn vẫn giữ nguyên được những vẻ đẹp thuần khiết mà thiên nhiên ban tặng.
Đứng từ đỉnh núi Na Lày, đỉnh núi duy nhất của khắp vùng quanh thị trấn Bắc Sơn có đường leo lên đỉnh, nơi đã được xây dựng một trạm phát sóng vi ba từ vài năm trước, toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn hiện ra như một tấm thảm xanh với những bờ ruộng cong như những nét vẽ mềm mại trên bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Thị trấn nhỏ nằm lọt thỏm trong không gian xanh bát ngát của đồng lúa mênh mông được bao bọc bởi những dãy núi nhấp nhô kỳ diệu. “Ta đi tới” thực sự là một “cung đường thơ” với đầy đủ những cung bậc cảm xúc dành cho tất cả mọi người.