Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Đất Nước Việt Nam >
  Chùa Khmer Nam Bộ Chùa Khmer Nam Bộ , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

 
Hiện tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 600 ngôi chùa Khmer, trong đó có rất nhiều ngôi cổ có vài trăm tuổi được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia, là điểm thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
 

 

Trong kho tàng di sản kiến trúc ở Đồng bằng sông Cửu Long, ngôi chùa Khmer có một vị trí hết sức quan trọng bởi ý nghĩa lịch sử, nghệ thuật và xã hội của nó trong đời sống người dân. Ngôi chùa không những là nơi chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là một trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư trong khu vực. Nơi đây thường diễn ra các hoạt động văn hóa lễ hội trong năm. Ngôi chùa như một biểu tượng văn hóa tinh thần và vật chất của dân cư trong khu vực với những đặc điểm kiến trúc hết sức độc đáo và có nhiều nét riêng biệt, đặc sắc.

 

 Chùa Dơi (Sóc Trăng)

 

Kiến trúc Chùa Khmer Nam Bộ

Trong cộng đồng người Khmer, chùa là bộ mặt, là niềm tự hào, là công trình kiến trúc duy nhất cất giữ, trưng bày các tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật của các nghệ nhân dân gian Khmer, là nơi duy nhất lưu giữ và truyền bá những tinh túy trong đời sống văn hóa - xã hội của cộng đồng.

Chính vì vậy mà mỗi ngôi chùa Khmer thường được xây dựng trên một khu đất rộng, rợp bóng mát của các loại cây cổ thụ như cây thốt nốt, cây sao hay cây dầu... Nếu như ngôi chùa Việt thường được xây dựng ở những nơi có phong cảnh sơn thủy hữu tình hoặc tuân theo những nguyên tắc của phong thủy thì vị trí xây dựng của ngôi chùa Khmer Nam Bộ thường là nơi được cho là có tụ linh khí của đất trời, và còn tuân thủ một số nguyên tắc trong triết lý Phật giáo Tiểu thừa, cũng như phong tục tập quán của người Khmer.

Chùa Khmer Nam Bộ nói chung đều mang kiến trúc Angkor của người Campuchia. Từ cổng nhìn vào Chùa Khmer Nam Bộ qua cầu thang, có hai cấp sân rộng bao quanh ngôi chính điện được tráng xi măng, mái chùa có ba cấp, mỗi cấp được chia thành ba nếp, nếp giữa lớn hơn hai nếp phụ hai bên bằng nhau, không có tháp nóc.

Trang trí mặt tường ngoài của chùa là các hình đắp nổi, tượng tròn hoặc chạm khắc, thể hiện các hình tượng Reahu (Hổ phù), Tiên nữ, chim thần Kâyno, Chằn Yeak... Nhìn vào lớp hình tượng trang trí này, người ta dễ nhận ra những đặc trưng tín ngưỡng dân gian và Bàlamôn - vốn là những tín ngưỡng và tôn giáo có trước đạo Phật trong đời sống tâm linh của người Khmer.

Mỗi ngôi chùa bao gồm nhiều khu vực kiến trúc như: chính điện, Sala, các dãy nhà tăng, nhà thiêu, những tháp để cốt... Toàn bộ giá trị của nghệ thuật kiến trúc tập trung chủ yếu nhất ở ngôi chính điện, được xây dựng ở vị trí trung tâm và nền cao hơn so với các công trình khác.

Khác với Phật Giáo Đại Thừa thờ nhiều Phật và các vị Bồ Tát khác nhau, Phật giáo Tiểu Thừa chỉ thờ duy nhất một Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì vậy, trong gian chính điện của chùa Khmer bài trí khá đơn giản với một bệ thờ Phật Thích Ca. Bệ tượng là một tòa sen chia thành nhiều cấp, trang trí rất tỉ mỉ. Trên tòa sen là tượng Phật đặt ở chính giữa.

Chính điện bao giờ cũng quay mặt về hướng Đông, vì người Khmer quan niệm Đức Phật ở hướng Tây quay mặt về hướng Đông để cứu độ chúng sinh. Chính điện còn là nơi tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc trang trí của người Khmer. Tượng Phật Thích ca Mâu Ni còn được đúc, chạm, khắc rất đẹp ở nhiều tư thế đứng, nằm, ngồi. Đó là thể hiện sự đa dạng, phong phú của ý nghĩa đạo đức và vẻ đẹp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ở ngôi chính điện còn là nơi tàng giữ của cải quý báu của nhà chùa và dân chúng dâng cúng.

Một điểm vô cùng đặc biệt trong các ngôi chùa Khmer là những bức bích họa được vẽ kín các mặt tường gian chính điện. Nội dung chủ yếu của những bức tranh tường này là kể lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ lúc sinh ra cho đến khi tu thành đạo hạnh.

Những bức bích họa mang tư tưởng đạo Phật sâu sắc được tạo tác bằng những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân dân gian Khmer mà hầu hết họ được truyền nghề trong thời gian tu học tại chùa. Thế nhưng trong quá trình tạo tác ra những bức tranh này, người nghệ nhân không chỉ rập khuôn, tuân thủ theo các mẫu cổ điển. Những tác phẩm của họ được thổi vào hơi thở của một nguồn cảm hứng, phản ánh nhân sinh quan của từng lớp tư duy, nhận thức của người nghệ sĩ.

Mỗi bức bích họa tuy đơn giản như vậy nhưng bao hàm trong nó là một câu chuyện về đức Phật, về những khó khăn, gian khổ và sự hy sinh trong cuộc đời tu hành, đắc đạo của đức Phật. Chính những bức bích họa này đã âm thầm góp phần giáo dục nên một lối sống thanh sạch, hướng thiện đẫm tư tưởng Phật giáo sâu sắc.

Có thể nói, ngôi chùa Khmer Nam Bộ là một tổng hòa các sắc thái riêng của người Khmer. Mặc dù không thể sánh được về mặt quy mô, tính chất hoành tráng với các kiến trúc Phật giáo Ấn Độ hay các đền tháp của người Khmer Campuchia, nhưng những giá trị nghệ thuật được gửi gắm trong hình khối kiến trúc, sự hòa hợp giữa kiến trúc và điêu khắc cùng với những đường nét trang trí tinh xảo đầy ấn tượng, tất cả tạo nên những nét riêng biệt đặc sắc góp phần xứng đáng vào kho tàng kiến trúc của các dân tộc Việt Nam.

Chùa trong đời sống của người Khmer Nam Bộ

Toàn vùng cư trú của người Khmer Nam Bộ có khoảng 600 ngôi chùa, với khoảng 10.620 sư sãi, trong khi đó dân tộc Khmer chỉ có hơn 1 triệu người. Người Khmer, từ khi chào đời, đến khi trưởng thành rồi về già mọi sự vui, buồn, sướng, khổ đều gắn chặt với ngôi chùa. Vì thế, ngôi chùa trở thành trung tâm sinh hoạt tôn giáo, trung tâm tu luyện và trụ trì của sư sãi, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, trung tâm lưu giữ giá trị văn hoá lịch sử của người Khmer, tạo nên một không gian "thiêng" đặc sắc về văn hoá Nam Bộ Việt Nam.

Hầu hết người Khmer đều theo Phật giáo Tiểu Thừa (Phật giáo Nam Tông). Vậy nên lên chùa tu hay ở nhà thì người Khmer đều là con Phật. Người Khmer quan niệm đi tu không phải để trở thành Phật, mà tu để làm người có nhân cách, có phẩm chất đạo đức tốt.

Mỗi người con trai Khmer, bất kể thuộc tầng lớp xã hội nào đều phải đi tu để là người có nhân cách, có phẩm chất và đạo đức tốt theo quan niệm của họ. Về nguyên tắc, đi tu từ 12 đến 20 tuổi gọi là để trả ơn mẹ và từ 21 tuổi trở lên là trả hiếu cha. Họ xem việc đi tu vừa là nghĩa vụ, vừa là vinh dự của cuộc đời. Tu dài hay ngắn, tu vĩnh viễn hay hoàn tục, tuỳ ý của người con trai. Vì thế, ngôi chùa là trung tâm "tu luyện" các thế hệ thanh niên về đạo đức và nhân cách.

Các vị chức sắc, sư sãi được nhân dân sùng kính, bởi vì họ là những người trí thức dạy dân học chữ, học nghề, tổ chức cuộc sống cho nhân dân.

Từ những ngày lễ hội thuần tuý Phật giáo như: lễ Phật Đản, lễ nhập Hạ, lễ xuất Hạ, lễ Ban hành giáo lý, lễ cầu siêu, lễ hội dân tộc đến việc biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt vui chơi và cả sinh hoạt cộng đồng phum, sóc cũng diễn ra ở chùa. Chùa không chỉ đơn thuần là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hoá, xã hội. Thông qua các hoạt động này giúp con người sống gần gũi và thân thiện, đoàn kết, có trách nhiệm và luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

Lễ hội thường kéo dài suốt đêm và trong nhiều ngày. Trong những ngày lễ, nhất là ban đêm, chùa đông nghịt tín đồ, khách khứa. Hàng quán mọc lên đầy sân chùa. Sinh hoạt vui chơi như đá cầu, ném tạ ăn tiền, chơi cù, nhảy lưới, giấu khăn, bịt mặt bắt dê, đánh đáo, kéo co… và các lễ đọc kinh, cầu nguyện kéo dài tới 2, 3 giờ sáng mới chấm dứt, rồi lại tiếp tục đến ngày hôm sau.

Lễ hội thường gắn với các hình thức văn nghệ truyền thống của dân tộc. Nghệ thuật cổ truyền của người Khmer như sân khấu truyền thống Dù Kê, Rô Băm, múa dân gian như Sarikakeo, Saravan, Romvông được các nghệ nhân chuyên nghiệp, hoặc nghiệp dư đua tài biểu diễn. Các buổi trình diễn văn nghệ này mang đầy bản sắc văn hoá dân tộc và khẳng định ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt cộng đồng.

Có thể nói, gần như cả cuộc đời của người Khmer Nam Bộ từ lúc sinh ra đến lúc chết đi, mọi vui, buồn, sướng, khổ, thành, bại đều gắn chặt với ngôi chùa. Ngôi chùa đối với người Khmer mang một tình cảm sâu sắc vì chùa là nơi thờ Phật, nơi lưu giữ hài cốt của tổ tiên, và điều ước mong của con người đang sống là khi nhắm mắt xuôi tay được nhập tịch vào chùa để sống cuộc đời Tiên Phật trên cõi Niết bàn xa xăm.

 

Một số hình ảnh về chùa Khmer Nam Bộ:

Chùa Vàm Ray (Trà Vinh) 

 

 

Chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu) 

 

 

 Chính điện chùa Angkorajaborey (Trà Vinh)

Chùa Monivongsa Bopharam (Cà Mau) 

 

 

 Bích họa tại Chùa Monivongsa Bopharam

Kim Ngân

Nguồn Quehuongonline.vn


  Các Tin khác
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65152402

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July