Thời Hậu Lê, Văn Miếu chiếm một khu vực rất rộng giữa địa phận hai làng Cổ Giám và Văn Chương. Bên tả là khu học xá ở thôn Minh Giám, là nơi trú ngụ của các cống sĩ về học tại Quốc Tử Giám. Phía trước có một cái hồ nhỏ gọi là Hồ Văn được tu sửa thành khung cảnh khá đẹp.
“Thoi đưa tay mỏi canh chày/Tiếng ai xin lửa là thầy cống Sen/Thầy rằng đang học tắt đèn/Cậy tình lân lý dám phiền đêm hôm”.
Đó là bài dân ca tình tứ vẫn được truyền tụng nói lên khung cảnh xung quanh Hồ Văn, ngày đêm luôn luôn rộn lên tiếng đọc sách của “quan nghè” dự bị xen lẫn tiếng thoi đưa lách cách, nhịp nhàng của các cô gái đảm đang.
Phía trước Hồ Văn có một cái miếu lớn nằm trên hòn đảo tên là Kim Châu. Vào khoảng thế kỷ 18, có vị quan Tham tán họ Phan vịnh 10 bài thơ để ghi lại cảnh đẹp nơi này. Năm tháng qua đi, bùn cát ứ đọng làm cho lòng hồ ngày càng nông. Đến đời vua Tự Đức (1848 – 1883), triều đình đã cho người lập đình che bia đề danh tiến sĩ sau đó tiến hành cải tạo lại Hồ Văn, xây dựng một ngôi đình trên đảo Kim Châu, khi đình xây xong thì đặt tên là “Văn Hồ đình”, cho truy khắc 10 bài vịnh về Hồ Văn tại đây.
Tương truyền, một người ở thôn Minh Giám là Phủ Hào, có lập một ngôi nhà ở phía đông Hồ Văn, gọi là Nho sinh quán để đón mời các sĩ tử ở tỉnh xa về Kẻ Chợ trọ học. Những ai không có người quen biết hoặc nghèo khó không có tiền thuê trọ, vào đó đều được đối xử tử tế. Vì thế người ta cũng gọi quán đó là “Quán anh đồ”, Phủ Hào còn dựng một ngôi đình con trên một cái gò nhỏ ở giữa hồ, làm theo hình chiếc hồ rượu gọi là “Nhất hồ đình”. Đôi khi Phủ Hào vẫn mời các danh sĩ chèo thuyền ra đó uống rượu, làm thơ. Có lần Phủ Hào treo giải ra một câu đối để thách các bạn làng văn đối chơi cho vui. Câu đối ấy như sau: “Nước Văn Hồ tha hồ tắm mát, rượu Hồ đình thơm ngát đón làng văn”.
Câu đối ra yêu cầu nho sĩ phải đối với một cảnh đẹp cũng ở đất Thăng Long. Nhưng thật khó, câu đối có những 3 chữ “hồ”, 2 chữ “văn” mà mỗi chữ “hồ”, chữ “văn” lại có nghĩa riêng không giống nhau. Vì vậy mà mấy năm liền, năm nào cũng treo giải mà vẫn chưa ai đối được.
Ngày nay, Hồ Văn là một di tích không thể thiếu nằm trong quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Nơi đây sau quá trình được cải tạo đã mang một dáng vẻ mới, yên bình, thoáng mát, trở thành một địa điểm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh nét đẹp hiếu học của các sĩ tử nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
(Theo NHN)
Theo Quehuongonline