Cứ tầm hơn bốn giờ chiều là cả nhóm lại xuống đồi. Từ khu nhà ở sau lưng Ủy ban huyện xuống hết con dốc dã quỳ là nắng đã nhẹ tênh. Nắng của xóm núi hiền như sơn nữ. Cứ hanh hao như muốn tan trong gió ngàn từ lúc mặt trời còn cao tít trên rặng cây bên đồi xa.
Những đứa con gái, những thằng con trai cứ tíu tít khua vang cây lá ban chiều. Chúng cầm tay nhau, chúng khoác vai nhau lội dốc, chưa vội gì cơm chiều đã bày trên nhà khách, hôi hổi gạo nương, xanh mướt rau rừng.
Cả bọn bước vào chuyến làm thuê đầu đời mà hân hoan như trẩy hội. Lý thuyết còn thơm mùi mực, còn ăm ắp trong trí nhớ mọi người sau đợt thi tốt nghiệp. Hỏi sao mà không rạo rực, hân hoan?
Khi hay tin thầy cô ở khoa ký được hợp đồng làm việc ngắn hạn cho vùng Lâm Đồng là cả bọn cẩng lên, bắt tay vào chia nhóm ngay. Và lên đường chóng vánh, gần khắp các huyện miền núi từ Bảo Lộc đến thành phố ngàn thông.
Khối lượng công việc cho mỗi nhóm khá lớn. Nhưng nhiệt huyết đôi mươi xóa tan tất cả. Bắt tay vào thực hiện dự án cho một huyện mà cứ xem như là chuyện phiếm. Được cùng nhau làm việc, được bên nhau thêm khoảng ngắn nữa trước khi bôn ba tứ xứ là vui hết sức rồi, toại nguyện lắm rồi.
Đập tràn cách con dốc Ủy ban huyện non hai cây số. Những hôm đầu, đám con gái “xổ giò” cứ kéo lê chân, tay bám vai lũ con trai gầy trơ xương leo dốc. Nhưng lòng thì hăng hái lắm. Mọi thứ bắt đầu từ câu chuyện thì thào của ông bảo vệ già người dân tộc. Mà thật ra, ông không thì thào thì câu chuyện cũng trở nên bí hiểm với chất giọng đặc trưng của mình.
Bữa nọ, ông kể với N rằng phía đồi bên ấy có kho báu từ thời trước giải phóng miền Nam. Sau đó vài năm, dân trong vùng thấy có toán người từ phương xa giả khách du lịch đến “khảo sát” vùng đồi và chở đi…hàng tấn vàng ròng. Thế là máu do thám của cả bọn nổi lên. Chiều nào cũng “đi thể dục” băng suối, trèo đồi. Cả bọn giải thích với ông bảo vệ già rồi nháy mắt nhau khúc khích.
Để qua vùng đồi ấy cả bọn phải băng qua đập tràn rộng chừng non cây số. Nước từ trong suối chảy qua đập tràn mát lạnh cứ như chúng vừa mới đi ra từ vùng Đông giá rét nào đó trong rừng cây phía xa.
Ngoài mục tiêu “thể dục” thì hình như mỗi đứa có một mục tiêu khác cho riêng mình. Nhưng tựu chung là khoái khám phá và bày trò trên ngọn đồi có nhiều thêu dệt hư ảo của dân địa phương.
Thiệt ra, nó cũng như những ngọn đồi khác trong vùng mà tôi có dịp ghé qua. Hoang vắng và cằn khô sỏi đá. Trên đỉnh đồi có trạm ra-đa của quân đội. Đây là dấu vết “con người” nhất của cả khu đồi dạo đó. Không ai canh tác gì trên những sườn đá lô nhô mọc toàn cây bụi không thể biết tên.
Chúng tôi thích nhất phía sườn Đông. Một cánh rừng săng lẻ thân to vút lên trong ráng chiều. Lần nào chúng tôi leo đến đó cũng là lúc những táng cây thẫm dần trong sương chiều bãng lãng. Gió cũng xao xác lời của núi rừng lạ lẫm, mênh mang.
N kể chúng tôi nghe câu chuyện của một nhà văn nữ về rừng cây săng lẻ mà N rất thích. Giọng Huế tan theo chiều cùng sự ngẩn ngơ của cả bọn. Mãi đến khi H bảo “về thôi” thì bóng đêm từ mạn Tây đồi đã ken đặc. Lần ấy, chúng tôi dắt díu nhau qua đập tràn trong cơn mưa rừng tăm tối lạnh cắt da…
Thật lâu rồi mới trở lại những cung đường uốn quanh, lượn dốc, lô xô nhà cửa, chênh chao nương đồi. Người đồng bằng như choàng tỉnh trong dòng trôi yên ả phù sa, lao xao cảm xúc tinh khôi với gió ngàn hoang dã. Những vạt rừng cao su, giá tỵ, săng lẻ, bằng lăng… đang thay mùa lá nõn. Suốt những triền đồi, đất ngọt màu nâu hồng. Không có phù sa, tạo hóa ban cho thứ khác.
Những vạt dã quỳ khoe sắc tự hôm nào, giờ chỉ còn sót lại vài cánh mặt trời nhỏ như nét cười con trẻ, lẫn trong thẫm xanh màu lá. Mùa sắn cũng đã thu hoạch từ lâu lắm rồi thì phải. Những luống đất tươi xốp, màu quê mùa chân chất miệt nào cũng vậy. Thân sắn sau vụ vây thành từng bó, chúng nép mình yên ả dưới những táng cao su rợp mát. Chúng đợi mưa già và những bàn tay nông dân chai sần gọi thức.
Những ngôi nhà gỗ thông hay nhà xây suốt những quãng đồi có chung vẻ u buồn, tịch vắng. Thi thoảng mới bắt gặp bóng dáng trẻ con và người già lấp ló bên hiên, ánh nhìn rực lên nét hiền lành, thánh thiện.
Trên những ngõ dốc trải sỏi ngoằn nghèo huệ đất và lan huyết dụ vào mùa mãn khai rực rỡ. Những bụi hoa trông giống loa kèn cũng bừng sắc trắng. Tất cả những cánh hoa đều hướng về đất, một chiều đồng nhất. Cơ hồ cây cũng biết tri ân đất đai, làng bản. Nét u buồn tan biến trong nắng mênh mang.
Cây trái cũng chớm vào mùa, mặc cho mưa còn rong chơi đâu đó. Những vườn sầu riêng lủng lẳng quả xù xì. Hình như hương vườn lẫn trong cơn gió thật gần. Chôm chôm đã kết xanh đầy đặn trên cành. Những cây bơ to ken đầy quả đầu mùa, gợi nhớ một ngày đã xa có kẻ ngã trên triền đồi bất tỉnh. Đám con gái thút thít vây quanh, bỏ lại cuộc vui bên vạt dã quỳ…
Lớp trưởng H đã về với đất không lâu sau khi cả bọn chia tay núi đồi, vào cuộc mưu sinh muôn nẻo. Khách qua đường lặng lẽ dõi nhìn ngọn đồi phía xa mờ. Một cánh rừng ký ức trong sương, ngọt ngào, trong veo tình bạn. Rừng cây săng lẻ mạn Đông không biết giờ có còn thẫm xanh cùng mưa nắng ?
Nguyễn Phạm Đình Thảo