Nước mưa đổ xuống là lúc những thửa ruộng ở Ngải Thầu loang loáng nước, chồng lấn lên nhau như những bậc thang bắc lên trời xanh, phối kết với mây ngũ sắc vờn ngang đỉnh núi.
Khi ruộng bậc thang xã Ngải Thầu (huyện Bát Xát, Lào Cai) vào mùa nước đổ, những người yêu phong cảnh, các nhiếp ảnh gia lại háo hức chuẩn bị lên đường.
Tháng 5 bắt đầu mùa cày cấy, nước mưa đổ xuống là lúc những thửa ruộng ở Ngải Thầu loang loáng nước, chồng lấn lên nhau như những bậc thang bắc lên trời xanh, phối kết với mây ngũ sắc vờn ngang đỉnh núi, tạo nên bức tranh phong cảnh đẹp không kém phần hấp dẫn so với những thửa ruộng bậc thang nổi tiếng tại Sa Pa (Lào Cai), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái).
Ruộng bậc thang là phương thức canh tác xây dựng đồng ruộng trồng lúa nước vùng đồi núi. Ruộng thường được làm để trồng lúa vì khả năng giữ nước của ruộng khá tốt. Ở các vùng đồi núi cao, người Mông làm ruộng bậc thang trồng lúa trên cả sườn núi cao hơn 1.000m. |
Hầu hết các dân tộc ở Ngải Thầu đều biết khai phá và làm ruộng bậc thang. Đặc thù của Ngải Thầu là địa hình đồi núi dốc, vì vậy sản phẩm du lịch nơi đây là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn ngút tầm mắt và gạo đặc sản Séng Cù cũng nổi tiếng khắp cả nước.
Từ xưa đến nay, khu ruộng bậc thang vẫn luôn là hình ảnh đẹp ở các vùng cao khiến du khách và nhiều nhà nhiếp ảnh say mê khám phá.
(Theo Tuổi Trẻ)