(HNHN) Chùa Một Cột là thắng cảnh của Hà Nội cũng như cả nước, Chùa Một Cột còn có tên gọi khác là Diên Hựu tự, Nhất Trụ tháp, Liên Hoa đài, hay chùa Mật. Chùa Một Cột nằm trong quần thể di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một ngôi chùa có lối kiến trúc cổ độc đáo trên một trụ đá trong hồ nước. Nơi đó nguyên có một cái hồ hình vuông, giữa hồ có một cột đá, cao chừng hai trượng, chu vi chín thước, đầu trụ đặt một tòa chùa ngói nhỏ, hình như một đóa hoa sen dưới nước mọc lên.
Chùa xây từ năm 1049, tức là năm đầu tiên Sùng Hưng Đại Bảo vua Thái Tông nhà Lý. Tục truyền vua Lý Thái Tông tuổi đã cao mà chưa có con trai thường đến đó cầu nguyện. Một đêm nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm hiện trên đài hoa sen trong một cái hồ vuông ở phía tây thành, mời lên trên lầu, ôm một đứa bé đặt vào lòng vua. Sau đó nhà vua quả sinh được con trai. Nhà vua liền sai lập chùa Một Cột theo gợi ý thiết kế của Nhà sư Thiền Tuệ để thờ Quan Âm. Khi chùa làm xong, nhà vua triệu tập các tăng ni đứng chầu chung quanh, tụng kinh suốt bảy ngày bảy đêm và lập thêm một ngôi chùa lớn ở ngay bên cạnh để thờ chư phật, gọi là chùa Diên Hựu. Chùa Một Cột có ý nghĩa văn hóa, tôn giáo to lớn nhưng lại phải thu nhỏ về mặt quy mô để đảm bảo kiến trúc có hình tượng một bông sen như vua mộng thấy Phật Quan Âm dắt lên tòa sen.
Trải qua năm tháng, chùa Một Cột đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Đời Lý Nhân Tông (1072 – 1128), năm Anh Vũ Chiêu Thắng 5 (1080), vua cho đúc chuông treo ở chùa gọi là ” Giác Thế Chung” (chuông thức tỉnh mọi người) và một tòa phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng để treo chuông. Nhưng vì chuông quá nặng nên phải để dưới đất, do vậy đánh không kêu. Chỗ ruộng để chuông thấp, có nhiều rùa đến ở gọi là Quy Điền. Vì vậy Chuông còn có tên là Chuông Quy Điền, thuộc loại tứ đại khí của Việt Nam, sử sách còn gọi là “An Nam Tứ Khí”. Khi giặc Minh (một loại giặc Trung Quốc xâm lược) bị nghĩa quân Lam Sơn bao vây ở Đông Quan (tên gọi khác của Hà Nội ngày nay), Vương Thông, bại tướng giặc Minh đã cho phá hủy quả chuông này để đúc vũ khí (1426).
Năm 1954, trước khi rút quân, thực dân Pháp cho tay chân đặt thuốc nổ phá chùa Một Cột. Sau ngày tiếp quản thủ đô (10/10/1954), Bộ Văn hóa đã có một đợt trùng tu lớn lại chùa Một Cột và chùa Diên Hựu như hiện nay. Tháng 4/1955 thì công trình hoàn tất nhưng phần nào đã mất đi những đường nét kiến trúc cổ của chùa Một Cột.
Vào đầu năm 1958, cây bồ đề của đất phật Ấn Độ được tổng thống Ấn Độ Prasat kính tặng Hồ Chủ Tịch nhân dịp Người đi thăm Ấn Độ, được đem trồng trong chùa. Cây bồ đề ở chùa là nhân chứng cho mối quan hệ hữu nghị thắm thiết giữa hai dân tộc Việt Nam – Ấn Độ.
Có thể nói rằng chùa Một Cột là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Việt Nam tuy quy mô không lớn nhưng chúng ta có thể tự hào về lối kiến trúc cổ độc đáo và mang đậm những dấu ấn lịch sử dân tộc. Hiện nay, chùa Diên Hựu cùng chùa Một Cột được khách thập phương trong và ngoài nước tới cầu nguyện, tham quan đông đảo.
Link Media
|