(Dân Việt) - Từ trung tâm huyện lỵ Tây Giang, đi khoảng 17 cây số là đến được với địa đạo Anông ở xã ANông (huyện Tây Giang, Quảng Nam).
Địa đạo này được xây dựng từ những năm 1965 – 1970. Khi đó huyện Hiên cũ (nay là Đông Giang và Tây Giang) là nơi quân Mỹ rải bom rất ác liệt, vì nằm trên trục đường Đông Trường Sơn từ Hà Tĩnh vào. Đồng bào Cơ Tu ở đây dù thiếu thốn cái ăn hàng ngày nhưng quyết không bỏ núi rừng, vẫn cùng bộ đội công binh ngày đêm đào địa đạo để trú ngụ và chứa lương thực, vũ khí.
Vào năm 1967 - 1968, cứ đêm về, dân làng Anông đã cùng bộ đội đào địa đạo, còn ban ngày thì tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực từ miền Bắc vào Nam.
|
Lối vào địa đạo Anông.
|
Xã Anông có 5 khu địa đạo được xây dựng gồm: Địa đạo đồi Abuôl ở thôn Acấp; địa đạo Tâm Abóc thuộc thôn Arớt; địa đạo Bhnơm, địa đạo đồi Lbơơi thuộc thôn Axòo và địa đạo Chrun của thôn Anoonh.
Có những địa đạo như Bhnơm được đào theo hình chữ Z, chiều dài hơn 70km ngoằn ngoèo nằm sâu trong lòng núi. Bên trong được chia làm 7 ô với các chức năng khác nhau: Phòng trú ẩn, phòng chứa lương thực, vũ khí…
Muốn đi vào địa đạo này phải đi bộ khoảng 30 phút xuyên qua cánh rừng nguyên sinh mới vào được. Hay địa đạo Chrun có thể trú ẩn khoảng 50 người. Từ trên nhìn xuống, từ ngoài đi vào kẻ địch không tài nào phát hiện ra các địa đạo này, bởi nó nằm sâu trong rừng rậm. Khoảng cách giữa các địa đạo nằm không cách xa nhau và toàn bộ được xây dựng sâu trong rừng rậm, nên việc liên lạc trao đổi rất thuận lợi, địch khó có thể phát hiện.
Hệ thống địa đạo Anông không chỉ thể hiện sự dũng cảm, một lòng theo Đảng của người dân Cơ Tu mà còn là sự đoàn kết toàn dân, toàn quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đây còn là nơi giúp thế hệ trẻ người Cơ Tu hiểu được truyền thống hào hùng của ông cha trong quá khứ. Hệ thống địa đạo hiện đã được công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh (2009).
Hiện nay, UBND huyện Tây Giang đang phối hợp với Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam làm hồ sơ đề nghị công nhận hệ thống địa đạo Anông là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
Hoàng Phương Thảo