Mạng Kinh tế Trung Quốc travel.ce.cn ngày 20/2 đăng bài viết: “Cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới của Việt Nam” của tác giả Hoàng Thăng Hữu miêu tả cuộc trải nghiệm tại Việt Nam
Sau khi rời bảo tàng di tích chiến tranh Việt Nam, chúng tôi vội ra sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục cuộc hành trình. Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là tỉnh Thừa Thiên Huế, một tỉnh nằm ở miền Trung Việt Nam.
Tổ chức UNESCO đã công nhận Việt Nam có 4 địa điểm di sản văn hóa thế giới, đó là: Cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An và Hoàng thành Thăng Long. Hành trình đến Việt Nam lần này của đoàn đại biểu đại diện ý kiến cư dân sử dụng mạng internet TQ về du lịch sẽ đi thăm hai trong số bốn địa điểm này. Cố đô Huế là điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi. Trong quá trình đi thăm di tích Hoàng cung Cố đô Huế, chúng tôi còn có dịp thưởng thức một trong năm di sản văn hóa phi vật thể thế giới của Việt Nam, đó là Nhã nhạc cung đình Huế.
Cố đô Huế
Những tửu quán mà chúng tôi ghé thăm ở Huế cũng khá thú vị, ví như tửu quán màu xanh mở ngay cạnh bờ sông Hương của thành phố Huế mà người bạn Việt Nam giới thiệu cho chúng tôi. Còn nhớ, khi chúng tôi đến Huế thì cũng đã là 10 rưỡi tối nhưng tửu quán nọ vẫn còn mở để chờ tiếp đón chúng tôi. Tửu quán đó đã nhiệt tình khoản đãi chúng tôi bằng rất nhiều món ăn đặc sản của Việt Nam. Trong bữa tiệc tiếp đón đó, điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho tôi đó là một loại rượu đặc sản của Việt Nam tên là rượu Minh Mạng, được đựng trong một bình sứ Thanh Hoa hình hồ lô. Được biết, cho đến nay, trong dân gian Việt Nam vẫn truyền miệng nhau câu chuyện truyền kỳ của Hoàng đế Minh Mạng “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử”. Chuyện kể rằng, sau khi uống rượu Minh Mạng, Hoàng đế Minh Mạng bèn đi vui vầy cùng các cung phi của mình, trong một đêm, ngài ngủ cùng với 6 vị cung phi, sau đó sinh được 5 vị hoàng tử.
Cố đô Huế là trung tâm văn hóa chính trị của tầng lớp thống trị ở Việt Nam trong khoảng 400 năm, từ năm 1558 đến năm 1945. Huế được vua Quang Trung triều đại Tây Sơn chọn làm nơi định đô. Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lật đổ vương triều Tây Sơn, đoạt lấy ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long cũng chọn Huế làm kinh đô. Gia Long cũng là vị vua khởi đầu cho nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, kéo dài trong 143 năm. Các vua nhà Nguyễn đã trưng thu nhiều vùng đất ở bờ Bắc sông Hương để xây dựng hoàng thành, bao gồm một phần lưu vực hai con sông phụ cận là Bạch Yến và Kim Long.
Hoàng thành Huế là công trình quy mô lớn nhất trong lịch sử cận đại của Việt Nam. Năm 1803, vua Gia Long đã đích thân khảo sát địa giới xây dựng. Năm 1805, công trình bắt đầu được thi công, đến năm 1832, thời vua Minh Mạng thì hoàn thành. Số nhân công tham gia xây dựng công trình này lên đến hàng trăm nghìn người, đào hào, lấp sông, di chuyển hàng vạn mét khối đất đá, trải qua thời gian xây dựng gần 30 năm, qua hai đời vua cuối cùng mới xây dựng lên một tòa hoàng thành trải rộng trên diện tích 520 hecta.
Kiến trúc của Việt Nam chịu ảnh hưởng từ văn hóa phong thủy truyền thống của Trung Quốc cổ đại. Hoàng thành của Việt Nam cũng tuân thủ nguyên tắc xây dựng kiến trúc học của Trung Quốc cổ đại. Hoàng thành Huế chia thành 3 khu vực: lấy sườn phía Nam của núi Ngự làm bức chắn phía trước, có tác dụng như một tấm bình phong thiên nhiên che chắn cho hoàng thành, Hiển Cang là tả Thanh Long, Dã Viên Cang là hữu Bạch Hổ, tạo thành thế “rồng chầu hổ phục” thể hiện vương quyền, uy võ của triều đình. Dòng sông Hương chảy qua hai gò trên tạo thành “thủy tụ tuyến”, đem lại sinh khí bừng bừng cho hoàng thành. Hoàng thành tuy xây dựng rất phù hợp với phong thủy học của Trung Quốc nhưng do nhiều nhân tố về điều kiện và thực lực xây dựng nên nhiều công trình kiến trúc trong hoàng thành còn chưa đạt đủ độ quy mô và khí thế, chưa đạt đến yêu cầu cao nhất của phong thủy. Vì vậy, dẫn đến hậu quả là thời Nguyễn mạt đã bất lực để thực dân Pháp xâm chiếm đô hộ Việt Nam, rồi tiếp đó là người Mỹ thay thế xâm lược, phá hoại Việt Nam. Trên những di tích còn lưu lại tại hoàng thành hiện nay như tường thành, cổng thành, những bức tường che kiểu bình phong phong thủy vẫn còn có thể trông thấy vết tích đạn bắn phá hoàng thành.
Trong lần tham quan này, chúng tôi nhận thấy một điều, ở các điểm tham quan không có nhiều hướng dẫn viên nói được tiếng Hán. Tuy nhiên, nam hướng dẫn viên du lịch ở Hoàng thành Huế lại nói tiếng Hán khá tốt. Nam hướng dẫn viên này giới thiệu rất tỉ mỉ, chi tiết, thái độ đối với chúng tôi cũng rất tốt. Được biết, thu nhập của anh ta khoảng 1000 tệ (tương đương 3,5 triệu VND), ở Việt Nam như vậy cũng là khá cao rồi.
Bên ngoài thành là lớp thứ nhất, gọi là Kinh Thành hoặc Phòng Thành. Lớp bên ngoài có hình vuông không theo quy tắc, sau này được thiết kế lại theo kiểu kiến trúc phòng ngự Vauban của Pháp. Chu vi khoảng 9950m; cao 6,6 m; chiều rộng đỉnh khoảng 6m, chiều rộng đáy khoảng 21m, tường ngoài xây kiểu dốc đứng, tường bên trong xây kiểu hơi dốc tà. Tường thành là đất đá được đầm rất chặt, hai mặt tường trong và tường ngoài được lát bằng gạch tường thành vững chắc. Để đáp ứng nhu cầu phòng ngự, tường thành được xây theo kiểu chữ chi. Tường thành bố trí 24 chỗ đặt pháo, hơn 400 lỗ châu mai và đường đi cho binh sĩ. Bên ngoài tường thành có hào nước sâu, gọi là Hộ Thành Hà dài 7 cây số, nối với sông Hương, vừa có tác dụng phòng ngự, lại vừa có tác dụng làm giao thông đường thủy. Bốn mặt thành có tổng cộng 11 cổng. Ngày nay, các loại xe du lịch, du khách và cư dân đều có thể tự do ra vào Phòng Thành, bên trong Phòng Thành cũng có cư dân sinh sống.
Bên trong Phòng Thành là Hoàng Thành, cũng tức là lớp thứ hai trong bố cục của Hoàng thành Huế. Tường thành được xây bằng gạch, cao 4m, dầy 1m, bên ngoài Hoàng thành cũng có hào nước và 10 chiếc cầu nối Hoàng Thành với Phòng Thành. Hoàng Thành cũng có kiến trúc kiểu hình vuông không theo quy tắc, mỗi cạnh dài khoảng 600m. Bốn mặt Hoàng Thành có 4 cổng ra vào, mặt phía Nam có cổng Ngọ Môn, phía Bắc là cổng Bình Môn, phía Đông là cổng Hiển Nhân Môn, phía Tây là cổng Chương Đức Môn. Trước cổng Ngọ Môn, nằm ở hướng chính diện của Hoàng Thành là Đại Kỳ Đài. Đứng từ khách sạn chúng tôi đang trọ cũng có thể trông thấy kỳ đài, biểu tượng của kiến trúc hoàng thành. Sừng sững trên ngọn kỳ đài là lá quốc kỳ cỡ lớn của Việt Nam.
Hoàng Thành được bắt đầu xây dựng vào năm 1804, nhưng phải trải qua gần 30 năm, đến năm 1833 (đời vua Minh Mạng) thì hơn 100 công trình bên trong Hoàng Thành mới xây dựng xong. Hoàng Thành là nơi ở và xử lý công việc triều chính của hoàng gia nhà Nguyễn, đồng thời cũng là nơi các vua chúa nhà Nguyễn tiến hành các nghi lễ cúng bái tổ tiên. Hoàng Thành và Tử Cấm Thành thường được gọi chung là Đại Nội. Cố Cung ở Bắc Kinh cũng được gọi là Tử Cấm Thành, tuy nhiên phần nằm sâu bên trong của Hoàng Thành Huế mới được gọi là Tử Cấm Thành. Trong Hoàng Thành Huế, Tử Cấm Thành là khu vực nằm bên trong nhất, trung tâm của Kinh Đô, là nơi thâm nghiêm nhất với rất nhiều cung điện nguy nga tráng lệ như: Điện Cần Chánh, Điện Càn Thành, Cung Khôn Thái, Điện Kiến Trung… là nơi sinh hoạt và xử lý công việc triều chính của hoàng đế và hoàng gia. Khu vực này chỉ có Đế hậu, phi tần, cung nữ và thái giám được phép qua lại, người ngoài bị cấm ngặt.
Hai công trình kiến trúc lớn nhất bên trong Tử Cấm Thành là Điện Thái Hòa - nơi thiết triều và Thế Miếu – nơi thờ cúng các vị vua nhà Nguyễn. Những công trình này đều phải hứng chịu hậu quả phá hoại nặng nề trong thời kỳ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam. Điện Thái Hòa là công trình mới được duy tu lại. Khách du lịch có thể đến gần và chụp ảnh ngai vàng của vương triều nhà Nguyễn đặt trong Điện Thái Hòa. Trên ngai vàng của các vua triều Nguyễn còn khắc bài thơ:
“Văn hiến thiên niên tạo
Giang sơn vạn lí dao
Hồng bằng lập quốc thời
Nghiêu Thuấn ổn sơn hà”
Tử Cấm Thành nằm bên trong Hoàng Thành bắt đầu được xây dựng vào năm Gia Long thứ hai, tức năm 1803, tên gọi trước kia là Cung Thành. Đến năm Minh Mạng thứ hai, tức năm 1821 thì được đổi tên thành Tử Cấm Thành. Thành có hình chữ nhật, chiều Nam Bắc dài 341m, chiều Đông Tây dài 308m, chu vi 1300m với 8 cổng ra vào. Cổng ở hướng chính Nam là Đại Cung Môn. Tử Cấm Thành có khoảng gần chục công trình kiến trúc lớn nhỏ chia thành nhiều khu. Khách đi sâu vào trong tham quan có thể thấy rất nhiều công trình kiến trúc bị chiến tranh tàn phá hết sức nghiêm trọng. Mặt khác, do kinh phí duy tu của Việt Nam còn thiếu nên cũng chưa có nhiều công trình kiến trúc được phục dựng. Trong Hoàng thành Huế, chúng tôi cũng bắt gặp nhiều du khách Trung Quốc tới đây tham quan.
Cố đô Huế với kiến trúc lịch sử đặc thù mang nhiều giá trị văn hiến và di tích nên đã được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.
Nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Nhã nhạc cung đình Huế là âm nhạc cung đình chuyên phục vụ trong các vương triều Việt Nam trong các dịp lễ kỷ niệm, lễ băng hà, nghi lễ tôn giáo, lễ đăng quang. Chúng tôi có dịp ngồi cùng với các du khách khác trong một điện đường được phục dựng thưởng thức chương trình biểu diễn loại hình âm nhạc này. Các nghệ sỹ diễn tấu mặc trang phục biểu diễn truyền thống, sử dụng những nhạc cụ bộ gõ và bộ dây độc đáo của Việt Nam, cũng có những nghệ sỹ biểu diễn với những đóa hoa sen trên tay./
Mai Lan. (Thông tin Đối ngoại).