Đó là kết quả bình chọn của các nhà báo theo dõi lĩnh vực du lịch trong năm vừa qua. Theo đó, 10 sự kiện, hoạt động du lịch tiêu biểu năm qua gồm: Đứng đầu là việc Du lịch Việt Nam đón 6,847 triệu lượt khách quốc tế, 32,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 160.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước suy thoái, việc ngành Du lịch hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu cơ bản của năm 2012 là một thành công lớn, được coi là điểm sáng trong nền kinh tế – xã hội nước ta.
Tiếp đó, năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 mang chủ đề Du lịch Di sản với gần 30 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu diễn ra xuyên suốt trong cả năm mang đậm dấu ấn các tỉnh Bắc Trung bộ, đặc biệt là văn hóa Huế trong sự giao hòa với văn hóa Việt Nam.
Sự kiện Vịnh Hạ Long chính thức được công nhận là Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới đã đóng góp thêm một danh hiệu mang tầm quốc tế về giá trị ngoại hạng của vịnh Hạ Long, góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng danh thắng có một không hai này.
Trong mắt các nhà báo, quan trọng không kém là Hội chợ Du lịch quốc tế ITE – HCMC 2012 từ ngày 13 đến 15/9/2012 với chủ đề “Bốn quốc gia – Một điểm đến” thu hút sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp, hãng lữ hành, các hãng thông tấn báo chí… đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Sau 8 lần tổ chức, ITE – HCMC đã trở thành sự kiện du lịch quốc tế chuyên nghiệp có uy tín trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông.
Tiêu đề và biểu tượng mới cho Du lịch VN giai đoạn 2012-2015. Logo: Bông sen nở 5 cánh. Slogan: Việt Nam vẻ đẹp bất tận. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch, do kinh phí hạn hẹp, việc tuyên truyền, quảng bá cho biểu tượng và tiêu đề mới này gần như chưa được thực hiện, do đó du khách chưa hiểu rõ, bởi vậy chưa thể đo, đếm được hiệu quả.
Việc ba khách sạn VN lọt vào Top tốt nhất thế giới do tạp chí Travel+Leisure, Tạp chí Du lịch có ấn bản lớn nhất thế giới, bình chọn cũng là niềm tự hào. Theo khảo sát từ độc giả của tạp chí, 3 khách sạn Việt Nam là The Nam Hải (Hội An), Sofitel Legend Metropole Hà Nội và Park Hyatt Sài Gòn có chất lượng phục vụ tốt.
Việc chuyển hướng ưu tiên mở rộng thị trường du lịch sang những nước có khả năng chi tiêu lớn như Anh, Đức, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã được Việt Nam chú trọng. Năm vừa qua, du lịch Việt Nam tổ chức hiệu quả nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá tại các thị trường khách quốc tế trọng điểm đó, góp phần tăng trưởng ổn định lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2012.
Một thực tế là tuy ngành Du lịch mới chỉ xây dựng được 50% các điểm, khu du lịch có nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách, nhưng đây là một sự kiện không thể không nhắc tới, bởi đã từ lâu, sự nhếch nhác, bẩn thỉu của các nhà vệ sinh này đã khiến Việt Nam mất điểm và làm nhiều du khách phương Tây “khiếp vía”.
Ngoài ra, du lịch Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa bứt phá trở thành điểm du lịch quan trọng của khu vực Trung Bộ và cả nước, Hội nghị vinh danh các doanh nghiệp du lịch, khách sạn hàng đầu Việt Nam năm 2011… cũng được nhắc tới như những động lực để ngành du lịch tiếp tục vượt khó trong năm mới.
Dù còn nhiều khó khăn, khúc mắc, nhưng lãnh đạo Tổng Cục Du lịch khẳng định, sẽ song hành cùng các doanh nghiệp trong việc thu hút và phục vụ khách du lịch quốc tế cũng như trong nước. Một số đề án cải tổ, tăng cường đầu tư hơn nữa cho du lịch đang được trình lãnh đạo Bộ phê duyệt.
Lê Nguyễn