(HNHN) Mang trong mình bề dày lịch sử 1000 năm, Hà Nội được biết đến là mảnh đất hội tụ các tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt,
nơi những tinh hoa đó được lưu giữ, phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Được mệnh danh là đất trăm nghề, Hà Nội từ lâu cũng là một mảnh đất đầy tiềm năng để phát triển du lịch làng nghề.
Mảnh đất trăm nghề
Đến với mỗi làng nghề Hà Nội, du khách sẽ tìm thấy những giá trị văn hóa truyền thống ẩn chứa trong cảnh quan quen thuộc của vùng đồng bằng Bắc Bộ: Cổng làng, đền thờ tổ nghề, nhà cổ hàng trăm năm tuổi, mái đình cổ kính, giếng nước hay trong từng sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo phát triển qua bao thế hệ. Nơi ấy còn có những nghệ nhân giỏi, được coi là "bảo tàng sống" của mỗi làng, nghe họ kể về quá trình hình thành, phát triển nghề, kinh nghiệm của những người đi trước truyền lại và được tận mắt chứng kiến những đôi bàn tay "vàng" điêu luyện tạo ra những sản phẩm mang đặc trưng của mỗi làng nghề.
Khách du lịch nước ngoài tham quan làng gốm Bát Tràng.Ảnh: Anh Tuấn
Hướng dẫn viên chính là những người thợ của làng, sẽ đem đến cho du khách giây phút thú vị qua lời giới thiệu mộc mạc nhưng rất có chiều sâu…Có thể nêu ra rất nhiều làng nghề như thế. Chẳng hạn, nếu chọn đi từ trung tâm Hà Nội, dọc theo Quốc lộ 1A khoảng 20km về hướng Nam, du khách đến với làng thêu Quất Động, làng may Thạch Xá; làng Duyên Thái, Chuyên Mỹ chuyên về nghề sơn mài, khảm trai; Làng Nhân Hiền giỏi nghề điêu khắc đá. Rồi làng Vác làm quạt giấy, lồng chim; Làng Chuông làm nón, làng mây tre đan Phú Vinh với hàng mây xiên được mệnh danh là đỉnh cao của nghệ thuật đan lát Việt Nam; Làng giò chả Ước Lễ; Làng bún Liên Bạt… Các làng nghề liền kề, nối nhau san sát, có khi chỉ cách nhau một cánh đồng lúa hoặc một dòng sông…
Và trải nghiệm
Điều thú vị nhất đối với du khách trong các tour du lịch tại các làng nghề Hà Nội là được trải nghiệm cuộc sống nơi đây. Chẳng hạn đến với làng gốm sứ Bát Tràng, du khách sẽ cảm nhận được sự hòa quyện tuyệt vời giữa nước, lửa và tâm hồn người Việt. Với trên 2.000 lò gốm, Bát Tràng là niềm tự hào về một làng nghề gốm sứ truyền thống.
Thời gian trôi qua, sản phẩm của làng đã phát triển và trở nên nổi tiếng cả trong và ngoài nước với chất lượng, màu men, kiểu dáng mang nét đặc trưng của làng nghề cổ bên bờ sông Hồng. Tới tham quan làng gốm cổ Bát Tràng, du khách có thể đi bộ quanh làng hoặc đi trên những chiếc xe trâu kéo. Du khách cũng có thể tự tay nhào đất, nặn, tạo cho mình một sản phẩm nào đó tại khu xưởng của một gia đình làm nghề trong làng. Được chiêm ngưỡng bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công tỷ mẩn vuốt từng chi tiết trên bàn xoay gốm, du khách còn được đến tham quan nhiều địa điểm đẹp và thú vị khác như: Đền Mẫu, thờ người con gái Bát Tràng được dân gian suy tôn với mỹ hiệu “Thành Mẫu Bản Dương”, bức tượng Cửu Long đẹp và cao quý…
Đến với làng lụa Vạn Phúc, du khách được nghe giai điệu quen thuộc của những tiếng thoi đưa dệt lụa. Dưới bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ dệt làng Vạn Phúc dựa trên kỹ thuật truyền thống đã tạo nên nhiều sản phẩm vải lụa độc đáo như vân, sa, nhiễu, gấm, vóc… được khách hàng trong và người nước ưa chuộng.
Đến với Phú Vinh, một làng quê nổi tiếng bao đời với nghề đan lát. Du khách có thể bắt gặp cảnh người già, con trẻ say sưa bên những sản phẩm mây tre đan và luôn nở nụ cười thân thiện đón chào du khách.
Du lịch làng nghề Hà Nội là vậy, song với nhiều người ưa thích sự khám phá, những làng nghề chưa bị các công ty du lịch khai thác triệt để thường là điểm đến lý tưởng. Trước những nét đẹp đơn sơ, những giá trị văn hóa còn nguyên hình, nguyên trạng, mỗi người sẽ có những cảm nhận riêng, những khám riêng cho chính bản thân mình sau mỗi chuyến đi…
Hoàng Yến
|