Qua bến đò Rạch Sâu, tôi về thăm cù lao Giêng (hay diên, riêng, den, ven..., hay Koh-Teng theo cách gọi của người Khmer), trải dài trên ba xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới (An Giang) một chiều mùa hạ. Giữa bốn bề sông nước, không gian rợp bóng mát của những vườn cây trái trĩu cành và di tích độc đáo, gọi mời. Vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời xứ này thanh bình như muôn đời vẫn thế.
Từ bến đò Rạch Sâu, phóng tầm mắt một mầu xanh ngút ngàn, cù lao Giêng xanh tươi ngập tràn nhựa sống. Con đường láng nhựa phẳng lì, rợp bóng hàng râm bụt xanh um, đâu đó mấy cây gòn nhỏ, còng, xoài... Ði chừng hơn một cây số, chúng tôi ghé thăm lăng Ba Quan thượng đẳng, một trong những lăng mộ kỳ lạ, độc đáo bằng hợp chất ô dước, có niên đại thuộc hàng cao nhất nhì miền nam. Nằm khuất trong vườn cây trái xanh um, ba ngôi mộ có hình dáng vô cùng độc đáo mô phỏng ba loài thủy sản là: cá, rùa và mực. Quần thể kiến trúc có kiểu dáng mỹ thuật độc đáo kết hợp hài hòa nghệ thuật cung đình và nghệ thuật dân gian. Anh Nguyễn Hoàng Dư, ngụ ấp Bình Quới, xã Bình Phước Xuân, người cháu đời thứ tám trông quản lăng mộ niềm nở: "Lăng mộ này được các quan nhà Nguyễn gồm Bộ Công và Bộ Lễ từ Huế vào xây cất đã 207 năm rồi, đến nay còn như nguyên vẹn. Mỗi năm đến ngày 25, 26, 27 tháng sáu âm lịch, bà con trong ngoài vùng đến cúng giỗ kỵ đông vui lắm".
|
Về Tấn Mỹ, địa danh có những công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo đẹp nhất xứ Nam Kỳ. Nổi bật nhất chính là Nhà thờ cù lao Giêng (ảnh), nhà thờ lớn nhất, đẹp nhất, lâu đời nhất Việt Nam (xây dựng năm 1877, trước Nhà thờ Ðức Bà (TP Hồ Chí Minh đúng ba tháng). Ngôi thánh đường mang lối kiến trúc Pháp, được gìn giữ cẩn thận đến nay còn gần như nguyên vẹn. Tháp chuông chót vót, các trụ cột được thiết kế liên hoàn, kết hợp các ô gió và tháp nhỏ tạo nét đặc trưng tuyệt đẹp.
Gần nhà thờ, chúng tôi tìm thăm những căn nhà được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, đến nay hầu như chẳng hề thay đổi. Có thể khẳng định rằng, trên khắp miền nam chẳng nơi nào có được quần thể kiến trúc cổ được bảo tồn nguyên vẹn như xứ cù lao Giêng này. Những ngôi nhà gỗ rường, ba gian hai chái, tường gạch bao tứ diện. Ngoài sân nào những chậu mai cổ, chiếu thủy với thế "tam cang ngũ thường", tạo cảm giác thanh bình.
Rồi ngọn tháp cửu trùng vươn cao cùng chiếc cổng tam quan dọc con đường nhỏ mời gọi chúng tôi tới chùa Phước Minh (hay còn gọi chùa Bà Vú), chùa Thành Hoa- những địa danh nổi tiếng thu hút khách thập phương. Ăn chén cơm chay, nghe những người làm công quả kể những câu chuyện về ông Ðạo, về ngôi chùa càng thêm thi vị.
Bảo Trị (nhandan.com.vn)