Hang động Thiên Đường thuộc vùng lõi núi đá vôi, có chiều dài khoảng 31,4km và các nhà khoa học cho đây là hang động khô dài nhất châu Á, cũng là hang động có thạch nhũ độc đáo nhất. Trong hang động có nhiều khối thạch nhũ và măng đá kỳ ảo. Phần lớn nền đất trong động là đất dẻo, bằng phẳng thuận tiện cho việc tham quan và thám hiểm. Đầu năm 2010, động Thiên Đường được đưa vào khai thác du lịch với chiều dài khoảng 1km.
Lối vào động Thiên Đường
Từ cổng đón tiếp, du khách mua vé tham quan với giá 120 ngàn đồng/người. Từ đây có thể đi bộ trên con đường bê tông khoảng 2km hoặc đi xe điện với giá 200.000đ/chuyến thì đến chân đồi. Tại đây, du khách phải leo lên hơn 500 bậc thang đá mới lên đến cửa động. So với động Tiên Sơn ở Phong Nha thì đường lên động Thiên Đường dễ đi hơn, tuy nhiên cảnh quan không đẹp bằng. Điều lý thú của động Thiên Đường bắt đầu từ đây. Với miệng hang hẹp, khoảng 10m2 nhưng bên trong là cả một không gian tráng lệ, những điều kỳ ảo mà chỉ tạo hóa mới có thể kiến tạo.
Đã lên đến đây rồi, bạn hãy khoan bước vội vào hang mà hãy nghỉ chân một lát bởi nhiệt độ bên ngoài và bên trong hang có sự chênh lệch khoảng 5-7 độ C. Cảm giác đầu tiên của du khách khi bước vào từ cửa động là không khí mát mẻ, khoảng 20-21 độ C. Một cầu thang gỗ đưa du khách vào động và… thiên đường bắt đầu mở ra trong tầm mắt.
Điều kỳ ảo của Thiên Đường là càng đi sâu vào trong trần động càng vút cao và lòng động rộng thênh thang. Các cột thạch nhũ khổng lồ với đường kính khoảng 5m khiến du khách có cảm tưởng như đây là những cột chống đỡ, một khối kiến trúc vô cùng thần kỳ. Theo Hiệp hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh quốc, chiều rộng của động từ 30 đến 100m, nơi rộng nhất 150m, chiều cao từ đáy lên trần động khoảng 60m. Những khối thạch nhũ đủ hình thù tùy theo trí tưởng tượng của con người đặt tên cho. Nào là con tàu, ngôi nhà, cung điện, hay cũng có thể là ngôi nhà rông, tiên nữ, phật bà Quan âm, tòa tháp Liên Hoa… Và ánh sáng, dưới bàn tay sắp đặt của con người đã làm thành không gian kỳ ảo giống như đang xem phim 3D.
Có thể tạm phân chia động Thiên Đường làm ba khu vực. Từ nơi bắt đầu, khách có thể nhìn ngắm những hình ảnh đơn giản, và ngắm lòng hang từ bậc thang dài, uyển chuyển, du khách có thể tưởng tượng hình ảnh ruộng bậc thang. Đến khu vực thứ hai vòm hang đột ngột mở bung ra cao cả trăm mét với những khối thạch nhũ khổng lồ hình khối, hoặc hình cột trụ. Hàng chục ụ thạch nhũ nhô lên đủ hình thù, đặc biệt, phía bên dưới là đá mịn, ướt, có cảm giác như những khối thạch nhũ này được nhô lên trên dòng nước chảy. Khu vực cuối cùng có những khối thạch nhũ màu trắng bạc, rất lạ lùng và đẹp. Một loại thạch nhũ khá độc đáo hình thù gai nhám. Ngước nhìn lên trần cao, khách có thể tưởng tượng đó là những cái tổ chim hay màng nhện… Có thể nói, ánh sáng đã làm nên bức tranh “Thiên Đường” cho du khách chiêm ngưỡng, xuýt xoa. Chính ánh sáng trắng của động đã giúp du khách có thể quan sát được rõ ràng màu sắc nguyên thủy của thạch nhũ.
Theo các tài liệu, động Thiên Đường thuộc địa hình cattơ cổ, có niên đại hình thành cách ngày nay khoảng 350 đến 400 triệu năm. Địa bàn tọa lạc của động Thiên Đường nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha Kẽ Bàng - một khu vực rừng nguyên sinh có hệ sinh thái karts điển hình thuộc khu vực đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn. Đây là khu vực chứa đựng tính đa dạng nguồn gen do sự giao thoa và hội tụ từ phía Nam và phía Bắc, đồng thời tiềm chứa trong lòng nó những giá trị đặc hữu do sự chia cắt và phân dị địa hình karts tạo nên. Chính đặc điểm hệ sinh thái karts và sự giao thoa của các yếu tố đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn đã tạo cho địa bàn bao bọc chung quanh động Thiên Đường một hệ sinh cảnh vô cùng hấp dẫn.
Một điều cần chú ý ở đây là hệ thống cầu thang gỗ trong hang động đã tạo tiện nghi cho du khách tham quan chiều dài động khoảng 1 km, không bị trơn trợt, an toàn. Tuy nhiên, một số diễn đàn trên mạng Internet, có người cho rằng họ đã từng đến Jenolan Caves, một trong những hang động khô lớn và đẹp nhất nước Úc. Ở đó, người ta đã làm một vòm lưới và trong vòm lưới đó có những cây cầu và đường đi lót bằng nhôm để bảo vệ cho thạch nhũ được phát triển tiếp. Vì cơ thể con người có chất dầu, nếu chạm dần vào thạch nhũ, nó sẽ bị phân huỷ và không thể phát triển được nữa. Để bảo tồn, ở Úc, người ta nghiêm cấm rất chặt chẽ về vấn đề bảo vệ quần thể thiên nhiên này. Phải chăng, đây cũng là điều mà Ban Quản lý Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng cần nghiên cứu sao cho bảo vệ được quần thể hang động độc đáo này!
KIM DUY