Đỗ Thích hay Lê Hoàn - Dương Vân Nga sát hại Vua Đinh Tiên Hoàng?
Liên quan tới cái chết của vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam là Đinh Tiên Hoàng, theo sử sách, nhà vua bị viên quan hầu cận Đỗ Thích sát hại để đoạt ngôi, nhưng các nhà nghiên cứu hiện đại lại cho rằng, Lê Hoàn và Dương Vân Nga mới chính là thủ phạm.
Tuy không đề cập Đỗ Thích giết hại nhà vua như thế nào, nhưng sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa đông, tháng 10, Chi hậu nội nhân là Đỗ Thích giết vua ở sân cung đình… Nhân vua ăn yến ban đêm, say nằm ở trong sân, Thích bèn giết, lại giết cả Nam Việt Vương Liễn”.
Sách Dã sử và giai thoại ở Hoa Lư cho hay, vì biết Đinh Tiên Hoàng sinh thời thích ăn lòng lợn nên khi cho rằng thời cơ cướp ngôi đã đến, Đỗ Thích dâng lên vua một đĩa lòng lợn rất ngon có tẩm thuốc độc cực mạnh, vua ăn xong trúng độc mà mất. Từ đó đến nay, tại Hoa Lư, vào ngày giỗ Đinh Tiên Hoàng, khi mổ trâu, bò, dê, lợn làm lễ cúng, tất cả lòng đều bỏ đi, không dùng làm cỗ. Đó là tục kị nhắc đến món lòng tẩm thuốc độc đã làm hại vua.
|
Tượng vua Đinh Tiên Hoàng. |
Nguyên nhân dẫn đến hành động Đỗ Thích giết vua Đinh? Theo chính sử, viên quan này mơ thấy sao rơi vào miệng, tưởng là điềm báo được làm vua nên đã giết chết cả Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu đã đặt giả thiết Đỗ Thích chỉ là người vô tình có mặt ở hiện trường sau khi cha con vua Đinh bị hại (vì là quan nội thị) và lúc bấy giờ, ông không thể thanh minh mình vô tội, nên vội vã chạy trốn và bị bắt chém sau 3 ngày, trở thành nạn nhân trong mưu đồ sát hại vua của Lê Hoàn và Dương Vân Nga hoàng hậu.
Theo lý giải, việc Lê Hoàn làm Phó vương khi Đinh Toàn lên ngôi, cấm cố họ Đinh cùng với việc các trung thần Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp khởi binh chống Lê Hoàn có thể là những biểu hiện cho thấy mưu đồ thoán đoạt của Lê Hoàn. Giả thiết đặt ra là hành động của Lê Hoàn có sự trợ giúp của Dương Vân Nga. Trong bối cảnh cung đình của nhà Đinh lúc ấy có 3 hoàng tử, trưởng là Liễn, thứ là Toàn, út là Hạng Lang. Liễn là con trưởng, có nhiều công lao. Hạng Lang lại được vua yêu nên đã lập làm thái tử dù mới lên 4 tuổi, khó có thể bộc lộ những phẩm chất cao siêu hơn Đinh Liễn. Tiên Hoàng lại có những 5 hoàng hậu; có thể đã xảy ra cuộc đua ganh giữa 5 hoàng hậu về tương lai của ngôi thái tử. Trong cuộc đua ganh này, Dương hậu đã chọn Lê Hoàn làm chỗ dựa. Sau sự kiện Đinh Liễn giết Hạng Lang, Đinh Tiên Hoàng không xử phạt Đinh Liễn mà vẫn dự định để Liễn nối nghiệp. Có thể điều này làm phật ý Dương hậu khi bà cho rằng, trước đã đặt Hạng Lang trên Liễn thì nay Liễn cũng phải ở dưới Toàn. Do vậy, Dương hậu đã cùng Lê Hoàn hành động.
Chung quan điểm, nhà giáo Hoàng Đạo Thúy và một số nhà nghiên cứu gần đây cho rằng, Đỗ Thích không phải là thủ phạm giết vua. Thích chỉ là một viên hoạn quan, chức nhỏ, sức mọn, không hề có uy tín hay vây cánh. So với Thích, trong triều có các bạn của vua Đinh như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ... đều nắm trọng quyền, đủ cả văn lẫn võ. Vì vậy, ông không thể mơ tưởng việc sẽ khuất phục được các đại thần nhà Đinh để ngồi yên trên ngai vàng.
Ai là thủ phạm trong vụ án Lệ Chi Viên?
Sách Đại Việt sử ký toàn thư nhận định: Lê Thái Tông (1423 – 1442) thiên tư sáng suốt, nối vận thái bình; bên trong ức chế quyền thần, bên ngoài đánh dẹp Di địch. Trọng đạo sùng nho, mở khoa thi chọn hiền sĩ; xử tù, xét án phần nhiều tha thứ khoan hồng. Cũng là bậc vua tài giỏi biết nối giữ cơ đồ, song đam mê tửu sắc, đến nỗi thình lình băng ở bên ngoài cũng là tự mình chuốc lấy tai họa.
Vậy, nguyên nhân thực sự dẫn tới cái chết là Vua Lê Thánh Tông là thế nào? Theo sử sách, ngày 27//7/1442 (năm Nhâm Tuất), Vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quan ở thành Chí Linh, Hải Dương. Nguyễn Trãi đón Vua ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Ngày 4/8 cùng năm, Vua về đến Lệ Chi Viên thuộc huyện Gia Định (nay thuộc huyện Gia Lương, Bắc Ninh). Cùng đi với Vua có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi, khi ấy đã vào tuổi 40, rất được nhà vua yêu quý vì sắc đẹp, văn hay. Khi về đến Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ, rồi băng hà. Các quan bí mật đưa xác vua về, ngày 6/8 mới đến kinh sư, nửa đêm vào đến cung mới phát tang.
“Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua”, nhưng trên thực tế, lại chẳng hề có người nào chứng kiến lúc vua hấp hối, băng hà; và đồng nghĩa, cũng chẳng có ai dám khẳng định nhìn tận mắt Nguyễn Thị Lộ giết vua. Vi thế sau này, trong cuốn Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên, các nhà sử học và một số nhà khoa học đã chỉ rõ, chủ mưu của vụ thảm án Lệ Chi Viên là Tuyên từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh, mẹ vua Lê Nhân Tông.
Về động cơ, thứ nhất là do bà rất căm oán Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ - hai người đã giúp bà phi Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ Lê Thánh Tông, thoát khỏi âm mưu sát hại của bà ta. Thứ hai là do thời đó, nhiều người trong triều dị nghị rằng, bà Nguyễn Thị Anh đã có thai trước khi vào cung và Bang Cơ (Lê Nhân Tông) không phải là con Vua Thái Tông, nên nhân lúc nhà vua về thăm Nguyễn Trãi, sợ Nguyễn Trãi gièm pha và nói tốt cho Tư Thành (Lê Thánh Tông), nên bà Nguyễn Thị Anh đã sai người sát hại Vua Thái Tông, rồi đổ tội cho vợ chồng Nguyễn Trãi.
Sử sách chép, vài ngày sau khi hành hình gia đình Nguyễn Trãi, triều đình thực ra chính là Thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính thay con. Để "nhổ cỏ tận gốc", bà Nguyễn Thị Anh còn ra lệnh giết hai hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng - là những người khuyên Nguyễn Trãi sớm tố cáo "bộ mặt thật" của Nguyễn Thị Anh với Vua Thái Tông.
Nghi án Nguyễn Văn Tường đầu độc Vua Kiến Phúc?
Sau khi Vua Hiệp Hòa bị phế, vào ngày 3/11/1883, Ưng Đăng, 14 tuổi, chính thức lên ngôi, lấy niên hiệu Kiến Phúc. Tuy nhiên, chỉ 8 tháng sau đó thì ông đột ngột băng hà, khiến người đương thời rất hoài nghi, đặt nhiều nghi vấn.
|
Vua Kiến Phúc. |
Sử sách chép rằng, thuở trước khi Ứng Đăng làm con nuôi của vua Tự Đức, ông được giao cho bà Học phi Nguyễn Thị Hương nuôi dưỡng, nên lúc lên ngôi thì bà hoàng này càng trở nên có thế lực, ảnh hưởng lớn trong triều. Bà được quan đại thần Nguyễn Văn Tường tỏ ra thân thiện nhằm chiếm cảm tình.
Một dịp, vua Kiến Phúc bị bệnh đậu mùa. Sách Kể chuyện các vua Nguyễn viết: "Kiến Phúc bị bệnh đậu mùa, bà Học phi lúc nào cũng ở bên cạnh đức vua còn bé bỏng của mình từ mờ sáng đến nửa đêm. Thế là quan phụ chính Nguyễn Văn Tường đêm nào cũng vào chầu hoàng đế và hoàng mẫu có khi đến nửa đêm mới về. Kiến Phúc đã nhiều lần chú ý thái độ lả lơi của Nguyễn Văn Tường mỗi khi trao cho bà Học phi điếu thuốc đã châm lửa của mình. Một đêm, Kiến Phúc giả vờ ngủ say, nghe được câu chuyện thì thầm to nhỏ giữa hai người, nhưng cuối cùng không nén được, bỗng kêu lên: "Lành bệnh rồi, ta sẽ chặt đầu cả ba họ nhà mi”.
Quan Tường bẽn lẽn rút lui xuống Thái y viện, lấy thuốc pha chế sẵn cho nhà vua, nhưng y lại chê thuốc xấu, rồi tự tay mình pha chế một thang thuốc khác đưa lên. Sau khi uống xong chén thuốc, vua Kiến Phúc ngủ luôn giấc nghìn thu. Do vậy, nếu đây là sự thật thì lời nói chứa đựng phẫn nộ của nhà vua đã phải trả giá bằng cả mạng sống...
Tuy nhiên, cũng có một giả thuyết cho rằng, vua Kiến Phúc bị Nguyễn Văn Tường cùng Tôn Thất Thuyết đầu độc chết nhằm đưa Hàm Nghi lên ngôi, bởi nhà vua theo Pháp như Dục Đức, Hiệp Hòa.
Như vậy, bên cạnh các ông vua trên, trong lịch sử Việt Nam còn có nghi án xung quanh cái chết của Vua Lê Long Đĩnh, Lê Thánh Tông, Quang Trung...