BÌNH DƯƠNG
Ảnh nguồn - Internet
Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về Bình Dương và hệ thống chùa chiền được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử – văn hóa ở đây?
Trả lời:
Bình Dương là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, cửa ngõ phía Bắc của Sài Gòn. Trước đây Bình Dương là vùng có chiến sự ác liệt kéo dài trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngày nay Bình Dương là một tỉnh thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam. Đến với Bình Dương ta có thể thăm thú các di tích lịch sử từ lâu đời. Tuy không nhiều và đa dạng như những vùng miền khác nhưng nơi đây vẫn có những nét đặc trưng của di tích chùa chiền.
1.Chùa Hội Khánh:
Chùa Hội Khánh được xây dựng năm 1741 tại thị xã Thủ Dầu Một, do thiền sư
Đại Ngạn thuộc dòng Lâm Tế kiến trúc. Chùa nằm dưới chân đồi, xung quanh có nhiều cây cổ thụ cao tỏa bóng mát. Bên dưới chùa là ba cổng to cao, hai bên có hai con sư tử đắp nổi. Tiếp đến là nhà tiền đường bảy gian lợp ngói ống cổ, bên trong có nhiều câu đối chạm trên gỗ, trong đó có một cặp câu đối của cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh). Trung đường có nhiều tượng Phật như bộ Ngũ Hiền (năm vị ), 18 vị La Hán. Hậu đường có bàn thờ tổ, tượng và ảnh của 9 vị sư đã tiếp nối nhau trụ trì chùa Hội Khánh qua 250 năm. Bên cạnh bàn thờ tổ có bàn thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc, ảnh và một số di vật để lại (cụ Nguyễn Sinh Sắc đã từng ở đây từ tháng 11 năm 1923 đến năm 1926). Tại đây cụ đã kết nghĩa anh em với hòa thượng Thích Từ Văn lập ra Hội danh dự, tập hợp một số nhà nho yêu nước tại Thủ Dầu Một khi đó. Cụ còn dạy học sinh chữ Hán, làm thuốc chữa bệnh cho dân.
Sau chùa còn có khu tháp mộ các sư tổ cao ba tầng khá cổ kính, xung quanh có tường hoa, các trụ trên nóc có các con giống đắp nổi và trang trí khá đẹp. Sau này chùa Hội Khánh còn là giảng đường cho các tăng ni từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
2.Chùa núi Châu Thới:
Chùa nằm trên núi Châu Thới thuộc địa phận xã Bình An, huyện Dĩ An. Đây là ngôi chùa có phong cảnh yên tĩnh trang nghiêm. Đứng ở chùa có thể nhìn thấy toàn cảnh xung quanh. Theo sử triều Nguyễn, chùa do thiền sư Khánh Long tạo dựng vào thế kỷ XVII. Kiến trúc hiện nay được xây dựng năm 1954, tam quan được dựng năm 1970. Ở điện Phật có ba pho tượng Phật cổ bằng đá. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng của xứ Gia Định xưa. Hàng năm có rất đông du kkhách đến thăm viếng và lễ Phật.
3.Chùa Long Hưng:
Chùa Long Hưng thuộc xã Hoà Định (cũ), huyện Bến Cát. Chùa do thiền sư Thiệc Hiếu khai sơn vào thế kỷ thứ XVIII. Thiền sư được dân trong vùng gọi là “Tổ Đỉa” do ngài trị được đỉa cho dân làm ruộng. Chùa được trùng tu vào năm 1987. Trong chùa hiện vẫn còn tượng Phật có giá trị, được thờ ở điện Phật.
4.Chùa Bà: Chùa Bà tọa lạc ở số 4 đường Nguyễn Du, thị xã Thủ Dầu Một. Chùa được dựng vào khoảng giữa thế kỷ thứ XIX bên bờ rạch Hương Chủ Hiếu. Năm 1880 chùa được xây thêm phần nhà ở phía sau, năm 1925 chùa được dời về vị trí hiện nay. Chùa Bà có tên Thiên Hậu Cung. Đây là nơi thờ tự và thực hành tín ngưỡng của người Hoa ở Việt Nam.
Trong chùa thờ các vị thần thánh: Thổ công, Môn quan, Thiên hậu, Thánh mẫu, Ngũ hành nương nương (5 vị Thánh mẫu hành: Kim, Mộc, Thủy, Thổ, Hỏa) và vợ chồng Bổn Đầu Công (một vị tướng Trung Hoa).
Hàng năm chùa Bà tổ chức rất linh đình vào ngày 23 tháng 3 âm lịch. Lễ thu hút người hành hương rất đông đảo.
Ngoài các chùa kể trên Bình Dương còn có một số di tích lịch sử – văn hóa có giá trị khác.
(Xin đón đọc phần tiếp theo: Bình Định)
|