Nói đến những ngôi nhà cổ Hà Nội, không thể không nhắc tới một ngôi nhà cổ vô cùng đặc biệt - nhà cổ 87 Mã Mây, một ngôi nhà được xây dựng từ cuối thế kỉ 19 và được giữ gìn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Hà Nội ngày nay đang ở trong cơn lốc phát triển của đô thị hóa và hiện đại hóa, nhiều phố xá sầm uất và chung cư cao tầng mọc lên, nhưng Hà Nội vẫn còn đó 36 phố phường xưa với những ngôi nhà mái cũ rêu phong cổ kính.
Nhà cổ 87 Mã Mây nhìn từ bên ngoài
|
Kiến trúc nhà cổ độc đáo ở Hà Nội
Theo tài liệu cũ ghi chép lại, phố Mã Mây ngày trước gồm hai phố là Hàng Mây và Hàng Mã, một đầu sát với sông Hồng, khi đó là một bến cảng sầm uất, thuyền bè buôn bán tấp nập, có nhiều thương gia giàu có đã buôn bán, làm ăn và rồi xây nhà, định cư tại đây.
Hiện nay, phố Mã Mây là con phố còn tồn tại nhiều nhà cổ nhất tại Hà Nội, với những ngôi nhà mang kiến trúc Pháp hoặc nhà gỗ kiểu Hoa. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, phố Mã Mây vẫn giữ được những nét cổ kính và mộc mạc, nổi bật là ngôi nhà cổ 87 Mã Mây. Được xây dựng vào năm 1890 và làm hoàn toàn bằng gỗ, cao 2 tầng, ngôi nhà có mái ngói lợp theo kiểu nhà ống với những đường nét kiến trúc đặc trưng của nhà phố cổ, kết hợp giữa không gian sinh hoạt và buôn bán.
Về lịch sử của ngôi nhà, theo những người dân xung quanh cho biết, trước năm 1945, chủ nhà là một thương gia có tiếng ở đất Hà thành. Sau năm 1945, chủ nhà nhượng lại ngôi nhà cho một gia đình người Hoa giàu có. Gần 10 năm sau, gia đình này chuyển vào Nam và trong khoảng năm 1954 đến 1999, đã có 5 gia đình cùng sinh sống tại đây. Cho đến năm 1999, theo Chương trình Bảo tồn và tôn tạo Phố cổ Hà Nội do Hội đồng Thành phố Toulouse (Pháp) và Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp, ngôi nhà 87 Mã Mây đã được trùng tu và tôn tạo, trở thành một địa điểm tham quan, du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Gian phòng ngủ của chủ nhà
|
Ngôi nhà được làm bằng gỗ, với tường bao làm bằng gạch, xây dựng theo cách truyền thống (gạch đặc đúc thủ công, xây bằng vữa vôi, không sử dụng xi-măng). Mái dốc về 2 phía, được lợp bằng ngói ta, lớp ngói lót là ngói chiếu, lớp trên là ngói mũi hài. Về kiến trúc, gian nhà ngoài cùng dùng làm nơi buôn bán, trưng bày hàng hóa, tiếp đó là một khoảng giếng trời nhỏ, được gia chủ khéo léo trang trí bằng các chậu cây cảnh bonsai để mang thiên nhiên vào không gian nhà. Gian nhà giữa là phòng ăn của gia đình, còn phía trong cùng là nhà bếp và công trình phụ. Tầng 2 là nơi thờ cúng và phòng ngủ của chủ nhà. Tuy người xưa không còn, nhưng ngôi nhà vẫn lưu giữ lại nguyên vẹn kiến trúc ban đầu.
Phần nội thất của ngôi nhà được bài trí rất cẩn thận, đặc biệt là phòng khách và phòng ngủ. Với ý nghĩa phòng khách là nơi trang trọng nên gia chủ đã đặt bàn thờ tổ tiên với hoành phi câu đối và bộ trường kỷ tiếp khách; trên tường treo bộ tứ quý khắc gỗ. Phòng ngủ cũng được bài trí một cách cẩn thận, gọn gàng để tiết kiệm diện tích với bộ sập gụ, tủ chè và 1 bộ bàn ghế để gia chủ uống nước, ăn và tiếp khách thân thiết. Phía trước và phía sau phòng ngủ có hiên và sân trời là nơi gia chủ ngồi uống trà hay chơi cờ tướng.
Không gian văn hóa thu hút du khách
Ngôi nhà cổ 87 Mã Mây không chỉ mang nét độc đáo về kiến trúc mà đến với nơi đây, du khách còn được tìm hiểu về văn hóa Hà Nội cũng như những sản phẩm của những làng nghề cổ Hà Nội.
Ông đồ viết chữ, câu đối tại gian chính của nhà cổ
|
Tại các gian phòng của ngôi nhà, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng và được giới thiệu về những mặt hàng thủ công truyền thống như: vòng, nhẫn bạc cổ, tranh Đông Hồ, lụa tơ tằm Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, tranh sơn mài… Với những sản phẩm cổ truyền, tinh tế đó, cùng cách bày trí khéo léo, du khách như bị hút hồn vào không gian độc đáo này. Được biết, để có được những gian hàng giới thiệu về sản phẩm làng nghề này, những nhân viên tại đây đã kì công đến tận những làng nghề cổ, chọn lựa, mua và trưng bày cẩn thận từng món hàng, sao cho không gian thêm độc đáo hơn mà không làm mất đi sự cổ kính của ngôi nhà.
Để góp phần gìn giữ nét văn hóa cho ngôi nhà thì hiện nay, được sự đồng ý của Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội, một số ông đồ hàng ngày thay phiên viết câu đố, viết chữ tại đây, khách tham quan có thể thưởng thức nghệ thuật viết thư pháp và mua chữ, câu đối về làm kỷ niệm.
Chị Diệp, nhân viên tại nhà cổ 87 Mã Mây, cho biết: “Du khách đến đây phần lớn là khách nước ngoài. Trung bình mỗi ngày có khoảng 40 - 50 lượt khách tham quan ngôi nhà cổ, vào mùa du lịch, thì con số này còn lớn hơn nhiều, có thể là gấp đôi, gấp ba. Phần lớn khách đến đây đều rất ngạc nhiên và thích thú về không gian nhà cổ này, bởi vậy mà hàng năm, số lượng du khách đến tham quan ngôi nhà cổ này ngày một tăng”.
Khách du lịch tham quan nhà cổ
|
Ngoài ra, nhà cổ 87 Mã Mây hiện còn là điểm hẹn văn hóa, nghệ thuật giữa lòng Thủ đô. Tại đây, vào các tối thứ 3, 5, 7 hàng tuần đều có chương trình biểu diễn, giao lưu hát ca trù và thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm, hội thảo về kiến trúc và bảo tồn văn hoá.
Với tốc độ hiện đại hóa ngày nay, hiếm có nơi nào ở Hà Nội còn lưu giữ lại gần như nguyên vẹn những nét kiến trúc và không gian sinh hoạt như nơi đây. Sự yên bình, tĩnh lặng, cách biệt với không gian xô bồ, đông đúc bên ngoài của ngôi nhà cổ đã làm nên nét đặc trưng riêng có, để du khách cảm nhận rõ hơn về một Hà Nội đầy tinh tế và cổ kính xưa. Thiết nghĩ, trên địa bàn Hà Nội hiện nay còn quá ít những ngôi nhà cổ được trùng tu và gìn giữ cẩn thận như ngôi nhà cổ 87 Mã Mây này, các cơ quan chức năng nên chăng quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn những ngôi nhà cổ, tránh để những kiến trúc đặc trưng, cổ kính và độc đáo của Hà Nội xưa bị mai một và mất dần theo thời gian.
Thanh Thủy
Theo Quehuongonline.vn