Căn hầm bí mật dưới lòng Hoàng thành Thăng Long
Trong lòng Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, ngoài hầm ngầm D67 - phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương – đã mở cửa đón khách tham quan, còn có một căn hầm bí mật khác nữa - hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu.
Lối xuống hầm Tác chiến
Những năm 1965-1966 Mỹ bắt đầu leo thang đánh phá miền Bắc, Bộ Tổng tham mưu lập kế hoạch bảo đảm an toàn cho cơ quan đầu não tại Thành cổ với ba mức: báo động, xuống hầm và di tản. Hệ thống hầm ngầm sẽ được sử dụng ở mức báo động 2. Căn hầm rộng nhất, được trang bị đầy đủ và hiện đại nhất mà chúng ta vẫn biết đến lâu nay là hầm D67 (nằm dưới khoảng sân nối giữa điện Kính Thiên và nhà D67 dành cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương).
Ít được biết đến hơn là hầm gần khu làm việc của Cục Tác chiến. Mặc dù có quy mô nhỏ hẹp, đơn giản hơn nhưng căn hầm này đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta. Hầm có kết cấu nửa nổi nửa chìm bằng bê tông nguyên khối, với ba lớp nóc - hai lớp bê tông và ở giữa là lớp cát có thể chịu đựng được bom tấn, tên lửa. Nội thất hầm tương đối hiện đại, đồng bộ với hệ thống tiêu đồ, hệ thống thông tin liên lạc, còi báo động, loa phóng thanh thông báo về máy bay địch.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, người từng làm việc trong căn hầm từ những năm 1968 nhớ lại: Lúc bấy giờ, nhiệm vụ thiết kế, xây dựng nhà, hầm được giao cho Bộ Tư lệnh Công binh. Một số bộ phận như máy thông hơi, lọc khí, cửa sắt, điện đài, loa truyền thanh… được nhập từ Liên Xô. Khoảng 300 cán bộ, chiến sĩ từ nhiều trung đoàn chuyên môn được huy động đào, xây hầm từ cuối năm 1965 đến giữa năm 1966 thì đưa vào hoạt động. Để giữ bí mật, Bộ Tư lệnh Công binh đã được lệnh phá sập toàn bộ tầng 2 tòa nhà Cục Tác chiến để ngụy trang, che mắt máy bay do thám của địch. Dưới đống đổ nát hoang tàn đó, các cơ quan, đơn vị vẫn âm thầm hoạt động, đảm bảo hoàn toàn bí mật.
Đầu não tác chiến
4 phòng nhỏ này là nơi liên lạc với các chiến trường
Với vai trò là nơi đầu tiên tiếp nhận những thông tin quân sự, kíp trực ban dưới hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu (BTTM) có nhiệm vụ đưa ra những phương án tác chiến, bảo vệ miền Bắc, Thủ đô Hà Nội đưa ra những đề nghị xử lý tình huống tác chiến trên các chiến trường B, C, K khi đó. Do phải đảm bảo tính bí mật, chỉ có 3 người trong kíp trực ban mỗi ngày cùng với các tiêu đồ viên, 1 liên lạc viên (lo việc truyền tin, cấp dưỡng) cùng các chỉ huy cấp cao mới được phép vào hầm. Khi có tình hình khẩn cấp mới tăng cường thêm người trong kíp trực.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh bồi hồi kể lại: “Khoảng thời gian từ năm 1965 đến 1973, giặc Mỹ điên cuồng thực hiện hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cuối năm 1972, nhiều tin tức tình báo quân sự cho thấy, Mỹ đang tập trung lực lượng quân sự không quân và hải quân để thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2. Tình hình ngày càng căng thẳng, cán bộ Cục Tác chiến được yêu cầu trực 24/24h dưới hầm. Ngày 18-12-1972, đồng chí Phùng Thế Tài sau khi đón đồng chí Lê Đức Thọ mới từ Paris trở về có dặn tôi: “Hội nghị bế tắc, ta phải cảnh giác cao độ. Cậu phải ở lỳ dưới đây mà trực”.
Tối 18-12-1972, nhận được thông tin B52 đã cất cánh từ Guam, Utapao (Thái Lan), nhiều tốp bay dọc sông Mekong lên phía bắc. Các lực lượng chiến đấu sẵn sàng, vào cấp 1 xong... tôi đã điện thoại báo cáo đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng. Lúc này, nhận thấy thời gian cấp bách, sợ bị động trước cuộc tấn công bất ngờ, tôi liều xin phép được bấm nút báo động phòng không trước quy định vì tình hình diễn biến quá nhanh. Được sự đồng ý của đồng chí Văn Tiến Dũng, tôi đã bấm nút báo động máy bay địch ném bom trước thời hạn 5 phút. Tiếng còi báo động vang lên trên nóc tòa nhà Quốc hội rồi từ từ lan ra toàn thành phố. Trong hầm, điện thoại liên tục đổ chuông. Cả kíp trực ban gồm ba người chúng tôi chỉ kịp nhấc máy và trả lời cùng một câu: “Yêu cầu đồng chí xuống ngay hầm phòng không”.
19h45 hàng đoàn pháo đài bay B-52 bắt đầu trút bom xuống Hà Nội và các vùng phụ cận, cả Hà Nội rung chuyển trong tiếng bom, căn hầm cũng nhiều lần chao đảo. Lưới lửa phòng không giăng sáng rực cả bầu trời. Thông tin chỉ huy và báo cáo tình hình được truyền đi liên tục. Mọi người vẫn thấp thỏm lo âu vì chưa nhận được bất cứ tin tức gì về những chiếc B-52. 20h13, các đồng chí trên đài quan sát ở Kỳ Đài trong Hoàng thành hò reo: máy bay bị bắn rơi phía Đông Anh, cháy rất lớn. 3 phút sau, thông tin báo về Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không Không quân, một máy bay B52 đã bị bắn rơi tại Phù Lỗ. Đem hôm đó, trời vào đông rét mướt, vậy mà vai áo của tất cả những cán bộ trong phòng đều ướt sũng mồ hôi”.
Mở cửa, đón khách tham quan
Các ổ điện cùng hệ thống lọc khí của hầm
Câu chuyện của Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nói trên, chỉ là một trong vô vàn những kỷ niệm, sự kiện đáng nhớ gắn với hầm chỉ huy tác chiến - BTTM. Căn hầm được sử dụng cho đến năm 1975, nhưng sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, căn hầm cùng bao chiến tích lịch sử đã trở thành di tích. Mới đây, với nỗ lực bảo tồn những di tích cách mạng kháng chiến, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long đã lên kế hoạch nghiên cứu, phục dựng căn hầm.
Lần đầu tiên, sau mấy chục năm căn hầm mở cửa, những trang thiết bị đa phần đã hỏng hóc, hệ thống lọc gió, làm mát đã không còn hoạt động, đường điện bị cắt… Các cán bộ của Trung tâm đã tìm hiểu, nghiên cứu những tư liệu cũ, gặp mặt các cán bộ chiến sĩ năm xưa từng làm việc tại đây, dần dần làm sống lại căn hầm khi xưa với trọn vẹn tầm quan trọng lịch sử. Từ chiếc điện thoại số 1 chỉ dùng để nghe điện từ Bác Hồ, cho tới nút nhấn chuông báo động trên nóc tòa nhà Quốc hội hay hệ thống điện đàm, vô tuyến điện, loa phóng thanh, tiêu đồ đều đang được cẩn trọng phục dựng. Ông Trần Việt Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long cho biết, nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không - tháng 12-2012, căn hầm sẽ mở cửa đón khách tham quan, thông qua di sản này người dân và du khách quốc tế hiểu thêm về lịch sử dân tộc Việt Nam.
Theo Đỗ Nguyễn Đệ
An ninh Thủ đô
|