Sơn La đang dần trở thành điểm đến hàng đầu tại vùng Tây Bắc, với sự phát triển của hàng loại sản phẩm du lịch tại Mộc Châu, Quỳnh Nhai, Ngọc Chiến hay cầu kính Bạch Long, tour săn mây Tà Xùa…Việc Mộc Châu (Sơn La) mới đây nhận giải Điểm đến thiên nhiên cấp địa phương hàng đầu châu Á 2022 bởi tổ chức World Travel Awards 2022 tiếp tục khẳng định vị thế của điểm đến này.
Với những tiềm năng và hạ tầng du lịch sẵn có, tỉnh Sơn La kỳ vọng kết nối với Hà Nội – trung tâm du lịch hàng đầu cả nước để mở rộng nguồn khách. Tại "Hội nghị liên kết phát triển sản phẩm du lịch mới, tour du lịch Hà Nội – Sơn La", bà Tráng Thị Xuân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu sẽ được hình thành, tạo thêm sự lựa chọn di chuyển nhanh chóng từ trung tâm huyện Mộc Châu đến địa phận tỉnh Hòa Bình và Hà Nội. Do đó, kết nối du lịch giữa Sơn La và Hà Nội là rất khả thi.
Cũng theo bà Tráng Thị Xuân, Sơn La đang phấn đấu đưa địa phương trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập quốc tế. Sơn La sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch.
Sơn La thường xuyên tổ chức các sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch tại Hà Nội.
Các doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội đánh giá cao tiềm năng và sản phẩm du lịch sẵn có tại Sơn La, cũng như khả năng kết nối điểm đến này với Hà Nội. Ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng Sơn La là nơi hiếm hoi tại Việt Nam còn một vùng thảo nguyên xanh rộng lớn, cộng thêm vị trí thuận lợi trên tuyến du lịch Tây Bắc. Quan trọng là Sơn La phải quyết tâm phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững và có trách nhiệm – đây cũng chính là nhu cầu của rất nhiều du khách sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra, chính các đơn vị làm du lịch ở Sơn La phải tạo cho mình những sản phẩm khác biệt, ví dụ như mô hình A Chu homestay ở huyện Vân Hồ.
Sơn La cũng không nên bó hẹp trong thị trường Hà Nội, mà phải tận dụng trung tâm du lịch này để thu hút khách từ miền Trung, miền Nam; hoặc xa hơn là mở tour du lịch qua Sơn La tới Lào. Ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch lưu ý các doanh nghiệp cần nghiên cứu sự thay đổi của xu hướng du lịch sau đại dịch Covid-19, từ đó định vị lại thị trường và liên kết chặt chẽ hơn, có cơ chế hợp tác phù hợp để tạo ra các sản phẩm hấp dẫn.
Các doanh nghiệp du lịch đánh giá cao tiềm năng và sản phẩm du lịch sẵn có tại Sơn La.
Theo ông Nguyễn Tiến Anh, Tổng Giám đốc khu du lịch Mộc Châu Island - nơi có cầu kính Bạch Long, gần đây lượng tìm kiếm, đặt dịch vụ du lịch tại Mộc Châu, Sơn La có sự gia tăng đột biến: "Thông qua các nền tảng số, chúng tôi cũng bất ngờ vì lượng tìm kiếm về Mộc Châu hay cầu kính Bạch Long tăng rất mạnh từ khu vực phía Nam. Hiện nay khách miền Trung và miền Nam chiếm tới 40% lượng khách của khu du lịch, còn lại khách miền Bắc và khách quốc tế. Chúng tôi đang kết hợp với các công ty lữ hành và đại lý du lịch trực tuyến để sẵn sàng đón dòng khách lớn đi đường hàng không ra Hà Nội".
Ông Phùng Xuân Khánh – Giám đốc công ty du lịch Tiên Phong Travel cho rằng tour Hà Nội – Sơn La – Lào là sản phẩm rất độc đáo, có thể giúp Sơn La thu hút khách du lịch cả nước. Công ty này đã đưa nhiều đoàn khách từ Hà Nội đến Sơn La và sang Lào qua cửa khẩu Lóng Sập.
"Hiện nay tuyến du lịch Hà Nội – Sơn La – Lào đã chính thức được triển khai. Du khách theo thành trình 3 ngày 2 đêm, trong đó dành thời gian lưu trú và trải nghiệm ở Mộc Châu trước khi sang thăm các điểm ở Hủa Phăn (Lào). Việc xuất nhập cảnh khá thuận tiện, dù vẫn còn một số đoạn đường khó đi và nơi đón tiếp khách tại cửa khẩu vẫn cần được nâng cấp cho khang trang hơn" - ông Phùng Xuân Khánh nói