Du khách Mỹ kể về Hà Giang: Như xứ thần tiên Du khách Mỹ kể về Hà Giang: Như xứ thần tiên , Người xứ Nghệ Kiev
Minh Khôi |
"Xế" của chúng tôi rẽ qua một khúc cua tay áo và ngay lập tức, cảnh vật hiện ra: các rặng núi nối tiếp nhau như răng cưa, các thung lũng như treo lơ lửng giữa những ngọn núi.
Nữ tác giả Jennifer Bleyer đã có bài viết trên tờ New York Times về chuyến du lịch tại Hà Giang với những trải nghiệm kỳ thú trước cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ và sự rực rỡ của phiên chợ vùng cao.
"Lên cao đến tận những đám mây"
Lần đầu đến Hà Giang của chúng tôi là trong một buổi chiều mùa xuân, khi chúng tôi đang lướt dọc theo một con đường hẹp bao quanh bởi những bức tường đá vôi.
"Xế" của chúng tôi rẽ qua một khúc cua tay áo và ngay lập tức, cảnh vật hiện ra, với một loạt các sườn dốc chói lọi, các rặng núi nối tiếp nhau như răng cưa và các thung lũng như được treo lơ lửng giữa các ngọn núi.
Đứng ở Cổng Trời, Hoang Tuan Anh, hướng dẫn viên của chúng tôi, dừng chiếc xe bán tải của mình để chúng tôi có thể ngắm nhìn khung cảnh bầu trời rạng rỡ đang mở ra trước mắt. Anh nói, đây mới chỉ là bước khởi đầu khi chúng tôi tiếp tục hành trình của mình. "Chúng ta sẽ lên cao đến tận những đám mây!"
Chồng tôi, con gái tôi và tôi đã ở Việt Nam gần một tháng trước khi chúng tôi đến thăm Hà Giang, một tỉnh ở miền Bắc Việt Nam. Đó là một nơi tôi chưa bao giờ nghe nói đến, nhưng những người Việt Nam tôi quen nói về nơi này như thể đó là Xứ Oz (một tác phẩm của Mỹ kể về cuộc phiêu lưu của nhân vật Dorothy ở xứ sở huyền diệu xứ Oz), với đôi mắt mở to khi họ nhìn thấy địa danh này.
Những người trẻ Hà Nội nói rằng một người không thể thực sự coi mình là người Việt Nam cho đến khi đến đó. Những người bạn nước ngoài của chúng tôi thì thuyết phục chúng tôi đừng bỏ phí bất kỳ cơ hội nào để trải nghiệm địa điểm này.
Và chúng tôi đã sớm được chứng thực rằng những lời khuyên đó là đúng đắn. Hà Giang không chỉ sở hữu cảnh quan ngoạn mục mà trong một thế giới ngày càng thu hẹp, Hà Giang, với nền văn hóa bản địa độc đáo (gần 90% dân số là dân tộc thiểu số), là một trong những nơi hiếm hoi chưa bị hiện đại hóa. Ít nhất là chưa.
Chính cao nguyên đó đã vẫy gọi chúng tôi, cũng như đối với hầu hết những du khách đến khu vực này.
Thị trấn yên tĩnh
Chuyến tàu xuyên đêm từ Hà Nội đưa chúng tôi đến Lào Cai vào lúc rạng sáng, một thành phố phía bắc xanh mát cách Hà Giang khoảng hơn 100km về phía tây. Ở đó, chúng tôi lên một chiếc xe buýt và tiếp tục chạy trong suốt 8 tiếng qua những ngọn đồi mù sương.
Tại Hà Giang, chúng tôi được gặp Hoang Tuan Anh, hướng dẫn viên dân tộc Tày, người đã lên lịch trình chuyến du lịch 3 ngày cho chúng tôi: đầu tiên là đến Đồng Văn, một thị trấn cách khoảng hơn 3 cây số từ biên giới Trung Quốc, rồi men theo đường núi đến thị trấn Mèo Vạc.
Hoang Tuan Anh, một người đàn ông ngoài 30 tuổi, từng du học ở Anh và sống ở Hà Nội trước khi trở về quê nhà ở Hà Giang, kể lại cách bố mẹ anh đã đi bộ trên con đường mòn quanh co đến Đồng Văn suốt thời gian tuổi trẻ, trước khi có những con đường trải nhựa. Chuyến đi của chúng tôi, anh ấy nói, sẽ chỉ kéo dài 6 tiếng.
Hoang Tuan Anh kể lại câu chuyện này khi chúng tôi quây quần bên chiếc bàn trong phòng ăn có bức tường xanh của khách sạn Rocky Plateau, được cải tạo lại từ một căn nhà nghỉ cũ trên trục đường chính đi Đồng Văn.
Căn phòng của chúng tôi, rất thoải mái, được trang trí với đồ nội thất bằng gỗ và cửa sổ nhìn ra một bức tường đá.
Sự ấm cúng này hoàn toàn trái ngược với ấn tượng ban đầu của chúng tôi về thị trấn. Nơi đây yên ắng một cách kỳ lạ khi chúng tôi lăn bánh vào Đồng Văn.
Cửa sổ của những ngôi nhà bạc màu, những người đàn ông đang uống cạn chén rượu ngô tự nấu tại nhà, những bà mẹ địu con trên lưng.
Còn chúng tôi, được thưởng thức bữa tối có món gà luộc, rau muống xào thơm lừng, một đĩa cơm trắng và một đĩa nước chấm có ớt tươi với hành và ngò, sau một chuyến đi dài.