Từ nhà của già làng Ama Nhau, với ghế Kpan cho hai chục người ngồi, trong nhà la liệt chiêng cổ, ché quý được đổi bằng bầy trâu luồn rừng lội suối cả con trăng mới mang về từ nước Lào xa tít tắp đến nhà mí Phưn chơ vơ cuối nguồn con nước với mấy chiếc chổi cùn, gùi thủng…
ảnh minh họa
Tất thảy đều giống nhau một kiểu nhà thông thốc từ trước ra sau, nhìn đâu cũng thấy bếp lửa nhà mình.
Ngôi nhà dài như một tiếng chiêng ngân. Ngôi nhà không chỉ người trong làng cùng giúp nhau xây dựng tạo thành mà còn phải xin thần rừng, thần suối, thần núi, thần cây, thần bến nước... mới được dựng nên. Làm nhà, đó không chỉ là việc của riêng một gia đình nào trong làng, mà còn là sự kiện quan trọng của cả cộng đồng người Ê Đê ở buôn Leck – huyện Eah’Leo – tỉnh Đắk Lak.
Trước đó, lâu thật lâu, già làng Ama Nhau ngồi trong ngôi nhà dài, trước mặt lũ làng buôn Leck, già vừa khề khà cần rượu, vừa nhả khói thuốc sâu kèn, ánh mắt mơ màng, cái cười móm mém hở lợi trống răng, rổn rảng thông báo tin mừng tin vui, buôn làng ta có thêm một nóc nhà.
"Ama Thủy là người của buôn Leck, nó làm nhà như lũ làng làm nhà vậy đa". Thế thì cả làng bắt tay vào cùng làm thôi.
Đoàn người đi suốt buổi sáng. Đoàn người đi thông buổi trưa. Đoàn người đi trong ngày nắng. Đoàn người đi cả ngày mưa để tìm cây to hai vòng tay người, không có kiến làm tổ phía trong, không có chim làm tổ bên ngoài, không vướng dây leo, không rỗng ruột, cầu khấn thần rừng được rước về làm cây đà ngang, làm cây đòn dọc giúp người chắn gió, che sương tránh thần ác làm ốm đau bệnh tật. Rồi thì ngôi nhà mọc lên cũng giống như những ngôi nhà đã có trước đó ở buôn Leck, cũng đều một kiểu, cửa chỉ là một miếng liếp được ghép bằng những nan gỗ mỏng để "làm phép" hơn là chắn che giữ những thứ trong nhà.
Gian này của bà. Gian này của ông. Đây gian dành riêng cho cha mẹ. Gian này cho đứa con gái. Gian này của đứa con trai. Gian dành cho khách. Ngõ đằng trước cũng như cửa phía sau, đâu cũng có thể bước chân lên nhà, sà vào bếp lửa đỏ cả ngày lẫn đêm. Mùa đông thì ấm. Mùa hè gió mát. Nhà lúc nào cũng ồn ào rộn rã, bước chân người muốn đổ vách sập sàn. Người đến, người đi như lúa chảy vào kho đông vui tấp nập, nói cười rổn rảng. Ông bà vui cả ngày. Cha mẹ cười suốt tháng. Đêm, cả nhà duỗi chân bình yên ngủ ngon bên bếp lửa.
Sao phải đóng cửa nhà mình? Già làng Ama Nhau đã hỏi lại khi tôi ngại ngần thấy ông đi xa mà cửa nhà không khép. Nhà ở buôn Leck cửa luôn rộng mở cho bụng ai đủ rộng, cái chân tự động bước vào.
Mà ngôi nhà dài của người làng buôn Leck có muốn cửa đóng then cài cũng khó lòng thực hiện. Ngôi nhà như chiếc thuyền đang căng mình lướt sóng khơi xa, mái nhà hay mái thuyền nhô mà lúc nào cũng thấy tròng trành gối đầu trên sóng nước mênh mông, không có điểm dừng. Hai hàng cột dọc dài chim bay mỏi cánh, nối đầu hè cho tới cuối cầu thang.
Sao không đóng cửa nhà mình? Câu hỏi của tôi rơi vào thinh lặng. Già làng Ama Nhau nheo mắt nhìn tôi, nụ cười độ lượng. Tại sao phải đóng cửa nhà mình? Cửa đóng, làm bức ngăn đôi mắt của kẻ trộm cắp? Mà buôn Leck từ ngày lập làng đến nay có ai bị mất cắp bao giờ. Đồ của ai để yên nơi nhà người đó, không mắt trước mắt sau nhìn ngó lung tung, hỏng mắt, hư người. Giàn chiêng Knah, hay ché Tung, ché Túc đâu phải ai cũng được ngó được nhìn, nó biết nhìn ra chủ nhân đích thực của mình mà tìm đến cất tiếng ngợi ca. Mỗi con người, mỗi đồ vật đều có phận sự riêng, dành cho người xứng đáng. Cầm món đồ được cho cũng phải đắn đo, suy nghĩ. Khi vật không thuộc về mình, thì ai lấy làm chi?
Tôi vẫn cố cãi chày cãi cối, rằng lòng tham có thể làm người mờ mắt, vẫn có người lấy cái không phải của mình đấy thôi. Cửa nhà mở tênh hênh thế kia thì chỉ càng thêm kích thích lòng tham của người mà thôi. Già làng Ama Nhau một lời như xà gạc chém cây. tội trộm cắp ở buôn Leck bị phạt rất nặng. Ai mang của người về nhà làm của mình, đó là người bỏ đi. Cộng đồng làng không một ai chấp nhận, buôn Leck không nhìn thấy mặt, kẻ đó đã biến thành cỏ cây, không khí, không ai nói chuyện, chẳng ai đưa lời.
Với người buôn Leck, khi cộng đồng đã không mở miệng nói chuyện cùng mình thì thà đi ăn lá cây thuốc độc để về cùng tổ tiên ông bà ngó bộ còn nhẹ nhàng hơn. Mà cũng chắc gì đã nhẹ nhàng đâu, với người buôn Leck chết chưa phải là hết. Cái đứa lấy của người làm của riêng cho mình, cũng đừng mong được đưa vào rừng ma của dòng họ, buôn làng. Linh hồn lạc loài làm sao đầu thai vào kiếp khác?
Lũ làng buôn Leck không ai muốn mình trở thành kẻ lạc loài bao giờ, thế nên đồ nhà ai để đâu yên ở đấy, ngay cả nhắc đồ người dời sang chỗ khác cũng trở nên "lười nhác" thì sao phải đóng cửa nhà mình làm chi?
Cả tuổi thơ sống cùng cộng đồng buôn Leck, tôi chưa thấy ai phải đóng cửa nhà mình bao giờ. Cũng chưa một ai mất trộm thứ gì. Bởi không ai muốn mình trở thành kẻ lạc loài giữa cộng đồng.
Bôn ba khắp nơi quá nửa đời người, chân bước dọc ngang ra bầu trời rộng lớn, lại thèm thuồng muốn trở lại sống ở ngôi nhà không bao giờ đóng cửa ngày xưa.