Hàng loạt vấn đề tồn đọng của PLA bị bộc lộ
Phân tích của Global Security chỉ ra, cuộc xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) thể hiện hàng loạt sai lầm trong chiến thuật quân sự - từ quá trình huấn luyện, chuẩn bị nguồn lực và cả kinh nghiệm của binh sĩ.
Việc thiếu bản đồ và la bàn chất lượng khiến lính Trung Quốc thường xuyên bị lạc khi huấn luyện. Sóng phát thanh gần như bị gián đoạn trên địa hình đồi núi. Các sĩ quan chỉ huy không đủ kinh nghiệm để quản lý đội ngũ, dẫn đến nhiều đơn vị PLA rơi vào cảnh thiếu nước trong 24-48 tiếng đồng hồ sau những cuộc tấn công đầu tiên sang đất Việt Nam.
Ngày 17/2/1979, PLA phát động cuộc xâm lược Việt Nam từ 26 điểm trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Quy mô chiến sự nhanh chóng vượt quá khả năng xử lý của hệ thống chỉ huy-kiểm soát-thông tin của quân đội Trung Quốc. Các đơn vị tiền tuyến bị thương vong lớn về người và thiệt hại khí tài đến mức không thể duy trì mục tiêu tiến quân, trong khi các chỉ huy quyết định chờ đợi sự yểm trợ của xe tăng, khiến cho lực lượng tuyến đầu bị hao mòn đáng kể và buộc phải nhận tiếp tế sớm hơn nhiều so với dự định.
Về phía Việt Nam, các lực lượng dân quân với kinh nghiệm chiến đấu phong phú đã chờ sẵn quân xâm lược. Tạp chí TIME mô tả, người Việt Nam chia cắt bộ binh Trung Quốc bằng hỏa lực súng máy, rồi các bãi mìn và bẫy chông sẽ làm nhiệm vụ còn lại.
Giai đoạn cuối của cuộc xâm lược tháng 2-3/1979 là thời gian giao tranh ác liệt nhất, với việc cánh quân từ Quảng Tây của Trung Quốc - do Hứa Thế Hữu chỉ huy - dồn lực lượng để đánh chiếm Lạng Sơn ngày 2/3. Theo Global Security, quân dân Việt Nam đã áp dụng chiến thuật "vườn không nhà trống" được ưa chuộng, với việc để trống khu vực thành thị và củng cố lực lượng vâp ráp ở địa hình đồi núi xung quanh. Không có một con đường nào tiến vào thị xã Lạng Sơn an toàn với quân xâm lược, và sau đó PLA hứng tổn thất nặng nề khi rút quân trở về.
Chiến thuật linh hoạt của Việt Nam
Tác giả Xiaoming Zhang, trong cuốn Cuộc chiến năm 1979 của Trung Quốc với Việt Nam: Đánh giá lại, chỉ ra PLA đã ít chú ý đến binh pháp và chiến thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam, từ đó dẫn đến việc đánh giá thấp năng lực chiến đấu của người Việt Nam.
Theo tác giả, tài liệu của PLA thừa nhận chiến thuật đánh du kích, sử dụng công binh và dân quân tự vệ của Việt Nam đã thành công "đáng kinh ngạc" trong việc chặn đà tấn công và tiêu hao sinh lực của quân Trung Quốc, trong khi PLA còn mải lo lắng về rủi ro giao tranh với các đơn vị chính quy của quân đội Việt Nam.
Chiến thuật đánh du kích, sử dụng công binh và dân quân tự vệ của Việt Nam đã thành công "đáng kinh ngạc" trong việc chặn đà tấn công và tiêu hao sinh lực của quân Trung Quốc
Ông Zhang trích lời một sĩ quan Mỹ đề cập kinh nghiệm trong chiến tranh Việt Nam, nói rằng không thể "xâm nhập, đánh sườn, hoặc bao vây" các cứ điểm của lực lượng Việt Nam mà không hứng chịu thương vong nặng nề.
Trang Wenxue City nêu trường hợp một binh đoàn thuộc quân khu Quảng Châu, Trung Quốc - cánh quân xâm lược Việt Nam từ hướng Quảng Tây - từng vấp phải các cuộc tấn công của đội du kích Việt Nam gồm... 9 người, trong khi hơn 300 binh lính Trung Quốc di chuyển theo đội hình dày đặc "phơi mình" dưới hỏa lực, tổn thất nghiêm trọng.
Chiến thuật mà PLA áp dụng khi tiến hành xâm lược là tung thật nhiều binh lính tấn công theo kiểu giáp lá cà bất chấp thương vong. Trang quân sự Xilu (Trung Quốc) dẫn nhiều báo cáo, nói rằng chỉ trong hai ngày đầu của cuộc chiến, PLA đã bị tổn thất khoảng 4.000 lính, làm chấn động cả Quân ủy trung ương Trung Quốc.
Không chỉ thương vong, quân đội Trung Quốc còn thiệt hại do binh lính ra hàng hoặc bị bắt làm tù binh. Sau chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979, trong PLA lưu truyền một câu nói: "Ở Triều Tiên xuất hiện 180, ở Việt Nam xuất hiện 150". Theo đó, trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Sư 180 Quân đoàn 60 Trung Quốc bị tấn công trong chiến dịch thứ năm, tổn thất hơn 7.000 lính, trong đó hơn 5.000 lính bị bắt. Đây là lần lính Trung Quốc bị bắt làm tù binh nhiều nhất trong các cuộc chiến tranh.
Đến cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979, Trung đoàn 448, Sư 150, Quân đoàn 50 lặp lại thất bại của Sư 180 khi hơn 200 lính ra hàng. Thất bại muối mặt này khiến Sư 150 cũng như Quân đoàn 50 bị xóa sổ khỏi biên chế quân đội Trung Quốc PLA vào năm 1985.
Quân đội Việt Nam năm 1979. Ảnh: Thomas Billhardt
Thiệt hại lớn về người trong cuộc chiến khiến các chỉ huy quân sự Trung Quốc sau này nhận ra việc dựa dẫm vào chiến thuật "biển người" với đội hình bộ binh dày đặc nhưng thiếu tính cơ động không thể nhanh chóng đạt được những mục tiêu chiến tranh.
Bên cạnh đó, chiến thuật "biển người" không phải lúc nào cũng có tác dụng trước cách tác chiến linh hoạt của phía Việt Nam. Bài phân tích trên Xilu Trung Quốc đề cập diễn biến ngày 27/2, khi chiến sự bùng lên ác liệt so với trước đó và bộ chỉ huy Trung Quốc quyết định tung lực lượng dự bị hòng đột phá phòng tuyến của quân đội Việt Nam ở Lạng Sơn.
Tuy nhiên, ngay lúc này, quân đội Việt Nam phát động phản kích từ hướng Đồng Đăng - cứ điểm then chốt ở Lạng Sơn, trước đó qua cuộc chống trả ngoan cường đã bị quân Trung Quốc chiếm lĩnh.
Ngày 28/2, đòn phản kích của Việt Nam phát huy tác dụng, quân đội Việt Nam chiếm lại phần lớn Đồng Đăng, khiến bộ chỉ huy quân đội Trung Quốc sững sờ. Xilu cho hay, trong chiến dịch này, quân đội Việt Nam áp dụng phương thức tác chiến linh hoạt, phân chia lực lượng thành các nhóm nhỏ vài chục người để tiến hành đột kích binh lính Trung Quốc.
Xilu bình luận, trong chiến thuật này, quân đội Việt Nam đã có phát huy đặc sắc khi vận dụng các trang thiết bị quân sự. Lượng lớn thiết bị phát thanh vô tuyến xách tay mà quân đội Việt Nam thu được sau thống nhất đã được sử dụng, giúp chiến thuật phân tán lực lượng vận hành hết sức linh hoạt.
Trong khi quân đội Trung Quốc trở tay không kịp trước chiến thuật này, chiến dịch của Việt Nam đã lập tức có hiệu quả. Dù Trung Quốc có ưu thế lớn về binh lực, PLA vẫn chịu tổn thất không thể chống đỡ. Theo Xilu, với việc PLA đứng trước thử thách thực chiến quy mô lớn nhất kể từ sau chiến tranh Triều Tiên, sự chênh lệch trong kinh nghiệm chiến đấu đã được thể hiện rõ.
Điểm yếu của quân Trung Quốc bị khai thác
Cũng theo Xilu, hệ thống cung ứng hậu cần lạc hậu là nhân tố đáng kể khiến PLA không thể liên kết được chiến thuật bộ binh hạng nhẹ tập kích với lực lượng hậu cần.
Điểm yếu này đã bị quân đội Việt Nam khai thác ở mức độ lớn nhất, làm cho chiến thuật của Trung Quốc không những bị khuyết thiếu vật tư cung ứng, mà các vấn đề hạn chế của bộ binh cũng cản trở tác chiến liên hợp giữa bộ binh-thiết giáp-pháo binh Trung Quốc. PLA từng thử phát động một số đợt công kích bằng các lực lượng liên hợp, nhưng đành bất lực do các vấn đề huấn luyện, điều phối, hậu cần không đạt yêu cầu.
Trên Sohu, một cựu binh Trung Quốc từng tham gia cuộc tấn công Việt Nam năm 1979 kể một câu chuyện cho thấy sự lạc hậu của hệ thống chỉ huy thông tin Trung Quốc trong giai đoạn này: "Hứa Thế Hữu - chỉ huy hướng đánh phía Đông, ra lệnh "Tiêu diệt toàn bộ" nhưng khi truyền xuống các đơn vị phía dưới lại chuyển thành "tổ chức phòng ngự tại chỗ" khiến ý đồ chiến thuật bị thất bại, đúng là một trò cười".
Thất bại chiến thuật trong cuộc xâm lược Việt Nam là một trong những bài học đắt giá cho PLA trên phương diện hiệp đồng nhiều quân chủng. Lực lượng Việt Nam không hề "nằm im chịu trận" như một số lãnh đạo quân sự Trung Quốc ảo tưởng. Một phân tích trên trang blog của Nhân dân Nhật báo chỉ ra, các lực lượng của Việt Nam trong 3 ngày đầu đã khiến 10 sĩ quan chỉ huy cấp sư đoàn của Trung Quốc thiệt mạng. Đặc biệt, lực lượng hậu cần của Trung Quốc bị các đội du kích của Việt Nam tấn công hết sức thê thảm.
Trang Epoch Times nhận xét, địa hình vùng đồi núi Việt Nam nhiều hang động, cộng thêm việc Việt Nam dành nhiều năm xây dựng công sự đã biến vùng núi phía Bắc thành chuỗi các hang động thông nhau, trở thành "địa lợi" đắc lực cho chiến thuật của quân dân Việt Nam. Sau khi "đại quân" Trung Quốc di chuyển qua, các nhóm du kích Việt Nam sẽ tập kích các đơn vị hậu cần của địch, cắt đứt tuyến tiếp tế và gây khó khăn cực lớn cho việc tiến quân của PLA.
Bảo vệ Đồng Đăng. Tranh: Phạm Lực
Sự thiếu thốn về quân trang, quân dụng và lương thực đã trở thành nỗi ám ảnh của lính Trung Quốc trong cuộc chiến tranh này. Trên tờ The Paper (Trung Quốc), Kim Đức Vinh, một cựu chiến binh Trung Quốc tham gia xâm lược Việt Nam năm 1979 hồi tưởng:
"Trên chiến trường không có gì để ăn, bò rừng trở thành lương thực tốt nhất vào thời điểm đó. Nhưng thường thịt bò được nướng mới chín dở đã phải lên đường. Ngay cả khi miếng thịt còn vương máu cũng không ai nỡ vứt đi. Mọi người đều bỏ thịt bò vào hộp đạn súng tiểu liên vừa đi vừa ăn. Do ăn sống nên binh lính Trung Quốc thường gặp bệnh tiêu chảy. Khi đó, rất nhiều binh si bị tiêu chảy nặng. Tôi cũng bị tiêu chảy, quần bẩn thì lột quần từ các thi thể để mặc. Đây là điều phổ biến trên chiến trường".
Theo TIME, cuộc xâm lược Việt Nam thể hiện mức độ lỗi thời trong chiến thuật và vũ khí Trung Quốc. Ý định "dạy cho Việt Nam một bài học" của lãnh đạo Trung Quốc không thực hiện được, thay vào đó Trung Quốc đã nhận một bài học đắt giá về quân sự.
https://soha.vn/chien-tranh-bien-gioi-1979-bo-chi-huy-tq-sung-so-truoc-chien-thuat-cua-viet-nam-ton-that-chan-dong-ca-quan-uy-trung-uong-tq-20190129093410531.htm