Đúng ngày Giỗ Tổ, chuyến tàu KN 490 đón hơn 200 đại biểu, trong đó có 55 kiều bào trở về từ 19 quốc gia trên thế giới thăm Trường Sa - một hành trình từ trái tim, mang hơi ấm của đất liền từ người Việt khắp nơi trên thế giới hội tụ, vì biển đảo quê hương, vì chủ quyền Tổ quốc.
ảnh minh họa
Nước mắt giữa biển khơi
Trường Sa, tháng tư nắng như đổ lửa. Chiếc xuồng cao tốc lần lượt đón đưa các đại biểu lên thăm các đảo Sơn Ca, Tiên Nữ, Sinh Tồn Đông, Tốc Tan... Với phần lớn các đại biểu, đây là lần đầu họ đến với Trường Sa. Có những người vượt hàng chục nghìn cây số, trở về không kịp nghỉ ngơi đã vội lên tàu đến với Trường Sa - nơi nhiều người mong ước cả cuộc đời được đặt chân đến một lần. Trường Sa trong mắt họ có lẽ khác nhiều so với tưởng tượng bởi trước mắt họ là những hòn đảo khang trang, sạch đẹp nằm giữa biển khơi mênh mông. Nhiều người xúc động rơi nước mắt khi được bắt tay, trò chuyện, liên hoan văn hóa, văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa, đặc biệt, trong lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ ngã xuống vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc giữa mênh mông sóng nước...
“Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình, bằng tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa dội vào ghềnh đá...”.Tiếng hát của anh Nguyễn Văn Thanh, CLB Trường Sa tại CHLB Đức vang lên giữa biển khơi như đồng cảm với các kiều bào có mặt trên chuyến tàu KN490. Tiếng vỗ tay không ngớt. Mỗi người trở về Việt Nam, đi thăm Trường Sa đều có câu chuyện riêng, nhưng có điểm chung là tinh thần vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Chẳng thế mà sau lần đầu ra Trường Sa năm 2013, đến nay CLB Trường Sa ở Đức của nhóm anh Thanh đã thu hút gần 20 thành viên rải rác khắp quốc gia châu Âu này, ủng hộ hàng trăm triệu cho cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa. Anh kể, các thành viên đầu tiên của CLB cũng là thành viên hội Cựu Chiến binh bên Đức. Bản thân anh Thanh cũng từng là lính hải quân nên biết được sự gian khổ, vất vả của người lính. Trước chuyến đi Trường Sa, CLB tổ chức họp lại, lấy số điện thoại của các đảo ngoài Trường Sa để hỏi về nhu cầu cụ thể, từ đó, anh kết hợp vận động quyên góp của bà con, vận động một số doanh nghiệp tài trợ, đóng góp. Bình thường, số tiền dao động đến vài trăm triệu đồng. Như năm nay, CLB Trường Sa ở Đức tài trợ một sân bóng đa năng trên đảo Sinh Tồn trị giá khoảng 180 triệu, cùng với các thùng quà tặng các đảo trong hành trình.
Đoàn văn nghệ hai tỉnh Yên Bái, Vĩnh Long và các kiều bào vui văn nghệ cùng các chiến sĩ trẻ ở Trường Sa. Ảnh: Trường Phong
Cùng trở về đi thăm Trường Sa đợt này có nhiều kiều bào đến từ các nước Anh, Nga, Hà Lan, Ba Lan, Thái Lan, Campuchia... Gây ấn tượng với nhiều người là các thành viên đoàn Thái Lan đều đã luống tuổi, thậm chí có người đã vào tuổi thất thập cổ lai hy. Mất vài ngày say sóng đầu tiên, các thành viên nhanh chóng hòa nhập với các hoạt động của đoàn, lên xuồng thăm đảo thậm chí nhanh nhẹn hơn người trẻ. Trên đảo, các thành viên kiều bào Thái Lan cũng là những người năng động nhất khi giao lưu với cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Tâm sự với phóng viên, bà Cao Thị Sáu, năm nay đã 68 tuổi kể, gia đình bà đã sang Thái được 80 năm, bản thân bà sinh ra và lớn lên ở xứ người, nhưng không bao giờ bà quên được nguồn gốc nước Việt, nơi quê cha đất tổ. Đúng dịp giỗ Tổ Hùng Vương, bà có may mắn được trở về Việt Nam thăm Trường Sa. Bà gọi đây là chuyến đi cuộc đời, bởi có thể sau đó, bà không còn có thêm cơ hội nữa. Bà bảo, ở bên Thái, bà vẫn luôn tự hào mang dòng máu Việt Nam, là con cháu bác Hồ. “Tôi noi theo gương của bố mẹ tôi, dù xa quê hương vẫn làm việc, cống hiến, không quên nơi quê cha đất tổ”, bà Sáu nói. Ngồi nghe các ca khúc về Trường Sa, về quê hương đất nước, nhiều thành viên trong đoàn Thái Lan bật khóc.
Ðưa Trường Sa ra thế giới
Với chiếc máy ảnh nhỏ, đến đảo nào, giáo sư Kiều Linh Caroline Valverde, Việt kiều Mỹ lúc nào cũng say sưa chụp ảnh. Lúc thì cây bàng vuông, cây tra, tiết mục văn nghệ của chiến sĩ, lúc là các viên đá san hô, vườn rau tăng gia trên đảo. Bà cũng nhặt một vài viên đá san hô mang về Mỹ làm kỷ niệm đã đến Trường Sa. Nói về Trường Sa, bà Linh vui vẻ ra mặt. Bà bảo đây là địa điểm nhiều người trên thế giới rất quan tâm, nên có cơ hội đi thăm tất nhiên rất vui và hạnh phúc. Trên tàu, bà ở cùng với hơn chục phụ nữ Việt kiều đến từ các quốc gia trên thế giới. Những câu chuyện, những hành động chia sẻ thức ăn, hoa quả cho nhau khiến bà ngạc nhiên và thích thú, vì bà không biết trước sẽ đi cùng với nhiều người như vậy.
Các chiến sĩ trẻ trên đảo Đá Tây A. Ảnh: Trường Phong
Bà Linh bảo, mới chỉ thăm mỗi đảo được vài tiếng, cũng chưa nắm được nhiều thông tin và sẵn sàng trở lại nếu có cơ hội. Bà Linh đánh giá cao chuyến đi, vì đã cho kiều bào “tận mắt chứng kiến” Trường Sa thân yêu. “Có một điều rất hay là Chính phủ Việt Nam cho Việt kiều một cơ hội, bằng chính đôi mắt của mình tới đây thăm Trường Sa. Vì thông tin Trường Sa ra nước ngoài rất ít, số người được thăm Trường Sa cũng rất ít, nên nếu có thêm chương trình đi thăm như này càng nhiều càng tốt”, bà Linh nói.
Được biết, qua 8 năm triển khai, đã có gần 500 kiều bào từ khắp nơi trên thế giới trở về Việt Nam đi thăm Trường Sa. “Chúng tôi thường nói đây là hành trình của trái tim, của người Việt khắp nơi trên thế giới mang hơi ấm từ đất liền ra với chiến sĩ, quân dân trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1. Sau mỗi chuyến đi đã hình thành rất nhiều tổ chức, quỹ như CLB Trường Sa ở Đức, Quỹ vì biển đảo quê hương ở Pháp, Hàn Quốc, Singapore... rất nhiều CLB Vì Trường Sa được thành lập. Việc lan tỏa, tuyên truyền về tình yêu biển đảo của chúng ta hết sức tích cực ở khắp nơi trên thế giới”, ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nói.
“Đối với những người sống ở xa Tổ quốc, vì trực tiếp sống với người dân bản xứ nên mình cần nói để người dân trên thế giới hiểu được rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của người Việt chứ không phải của người Trung Quốc”, anh Thanh nói. Bản thân CLB Trường Sa tại CHLB Đức của anh, những người tâm huyết với Trường Sa đã tổ chức được hai hội thảo để nói với bạn bè quốc tế rằng, Trường Sa thuộc chủ quyền biển đảo của Việt Nam.