Ngày 6/11, nhiều người dân khu vực cầu cảng thuộc tổ 9, thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) vẫn đang khắc phục hậu quả do cơn bão số 12 gây ra. Lẫn trong cảnh hoang tàn, đổ nát là những gương mặt thấn thờ của người dân vùng biển này vì toàn bộ tài sản đã tiêu tan theo bão.
Tuy nhiên, trong lúc khó khăn và tuyệt vọng nhất, giữa tâm bão lại sáng lên câu chuyện về anh Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nam và 7 đồng nghiệp đã dũng cảm lao mình ra biển cứu hơn 200 người.
Hiện trường khu vực cầu cảng tổ 9 sau khi cơn bão đi qua
Nhớ lại về thời điểm ấy, anh Luân kể: “Trước lúc bão số 12 đổ bộ đất liền, tôi cùng 7 người khác là nhân viên của công ty thu dọn vật dụng và đồ đạc tại công ty để tránh bão. Lúc ấy gió ở vịnh Bắc Vân Phong đã lớn, chúng tôi phát hiện một số chủ lồng bè cố bơi vào bờ cầu cứu. Biết rằng có thể còn nhiều người đang mắc kẹt ngoài kia nên tôi cùng các nhân viên dùng 3 chiếc ca nô ra biển để cứu nạn”.
Theo anh Luân, cảnh tượng khi ấy thật khủng khiếp, hoang tàn và đổ nát, tất cả mọi thứ nằm ngổn ngang, lộn xộn trên mặt nước. Phần lớn bè nuôi hải sản của người dân đều bị đánh chìm. Nhiều ngư dân bám víu vào thùng phuy hoặc bất cứ vật gì nổi trên mặt nước và họ đã cạn kiệt sức lực do gió và sóng biển đánh tới tấp.
“Chúng tôi dùng đèn pin, đèn pha dò tìm người gặp nạn. Hơn 30 phút sau, chúng tôi đưa được những người đầu tiên bị đuối sức vào bờ. Cứ hết chuyến này đến chuyến khác, chúng tôi tiếp tục quay ra cứu các ngư dân còn lại. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 200 ngư dân bị gặp nạn được anh em đưa vào bờ an toàn", anh Luân nhẩm tính.
Ông Dương, một trong những nạn nhân may mắn được trở về bờ an toàn nhờ nhóm anh Luân
Ông Dương, một ngư dân may mắn được anh Luân cứu sống cho biết, do mấy chục năm chưa có bão đổ bộ vào vùng biển này nên người dân có phần lơ là, thiếu cảnh giác. Bên cạnh đó, lồng bè nuôi thủy sản là cả cơ nghiệp của ngư dân nên nhiều người vẫn bất chấp cơn bão, ra biển để bảo vệ lồng bè.
"Nếu so với cơn bão năm 1993 thì nó không là gì với cơn bão này. Gió to lắm, chỉ mấy phút mà những luồng gió đã xoáy mạnh, đánh chìm toàn bộ bè cá của người dân ở đây. Nhiều người trên bè bị rơi xuống biển mà chỉ biết bấu víu vào mấy chiếc thùng nhựa với hy vọng sống sót.”, ông Dương cho hay.
“Thời điểm ấy chỉ có bộ đội biên phòng với người của chú ấy ra cứu người gặp nạn chứ không ai dám ra cả. Nếu không nhờ anh Luân và nhóm thanh niên, người làm cho anh ấy đến cứu hộ thì không biết bây giờ chúng tôi ra sao. Người dân ở đây biết ơn các chiến sĩ và người công ty Sơn Nam lắm”, chú Lơn, một trong những ngư dân may mắn được đưa vào bờ an toàn thời điểm đó cho hay.
Người dân khu vực cầu càng tổ 9 kể lại sự việc cứu sống hơn 200 người của người của công ty Sơn Nam
Cảm động trước hành động nghĩa hiệp của anh Luân và nhóm nhân viên của mình, chúng tôi đề nghị được chụp hình lưu niệm. Tuy nhiên vị giám đốc này cho biết, đó là việc làm bình thường, nếu như trong hoàn cảnh đó, anh tin rằng sẽ có nhiều người hành động như anh.
“Đừng gọi đó là anh hùng, vì sẽ có rất nhiều người suy nghĩ như chúng tôi. Họ gặp nạn nên nên giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn là việc nên làm. Mong báo chí không sử dụng hình ảnh của chúng tôi", anh Luận chia sẻ thêm.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Công Bằng, Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Giã cho biết, sáng nay khi ra khắc phục hậu quả của bão số 12 gây ra, ông đã được người dân thông tin thêm về sự việc. Hiện tại địa phương có 2 người chết và nhiều người đang mất liên lạc, nên việc anh Luân cùng 7 nhân viên của mình cứu sống rất nhiều ngư dân thì đó là việc làm có ý nghĩa rất to lớn.
Dương Phong
http://dantri.com.vn/xa-hoi/giam-doc-cung-7-nhan-vien-vuot-bao-bien-cuu-song-hon-200-nguoi-20171106101943326.htm