(Công an nhân dân) - Nhiều người biết đến Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến với tư cách một vị chỉ huy đánh, phá các vụ án lớn, chấn động dư luận xã hội. Nhưng có thể rất ít người biết rằng vị tướng công an giản dị này có cha là liệt sĩ, bà nội là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Chúng tôi lại đề cập câu chuyện này với ông nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sỹ.
Cha hi sinh khi mới 4 tuổi
Nhấp chén trà nóng, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) bảo, vào dịp 27.7 nào ông cũng dành thời gian về Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt Lào, huyện Anh Sơn, Nghệ An để thắp hương cho cha và các liệt sĩ. Mặc dù xác định cha ông – liệt sĩ Hồ Sỹ Vượng yên nghỉ tại nghĩa trang này nhưng đến nay tướng Tiến vẫn chưa biết chính xác ngôi mộ nào là của cha.
Ký ức về người cha đối với tướng Hồ Sỹ Tiến chỉ được gợi nhớ khi ông còn là một cậu bé 4 tuổi cùng mẹ từ Nghệ An (quê tướng Tiến) vào thăm cha khi ông đang đóng quân ở Quảng Bình.
“Lúc đó bố chuẩn bị nhận nhiệm vụ đi tiễu phỉ ở biên giới Việt – Lào nên có báo cho mẹ tôi biết. Bà đã bế tôi đón xe khách vào nơi bố đóng quân và ở đó khoảng 2 -3 ngày rồi về quê. Tháng 2.1961, bố tôi hi sinh trong trận tiễu phỉ và được chôn ở khu vực biên giới Việt – Lào. Sau đó, một người bạn nhập ngũ cùng với bố tôi trong lần về thăm đã nói khi nào có điều kiện ông sẽ dẫn gia đình đi tìm mộ. Tuy nhiên sau đó người này lại vào chiến trường miền Nam chiến đấu và hi sinh”, tướng Tiến cho biết.
Thời gian sau, gia đình tướng Tiến nhận được thông tin từ Quân khu 4, mộ của liệt sĩ Hồ Sỹ Vượng đang được chôn cất tại Nghĩa trang Nậm Cắn, Kỳ Sơn, Nghệ An.
“Khi tôi vào Quân khu 4 lấy thông tin để đi tìm mộ cha thì họ nói mộ liệt sĩ tại nghĩa trang Nậm Cắn đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt – Lào thuộc huyện Anh Sơn, Nghệ An. Tôi đến đây tìm không thấy mộ của cha, chủ yếu gặp những ngôi mộ chưa biết tên”, tướng Tiến ngậm ngùi nói.
Chuyện chưa kể từ vụ thảm án
Trước thời điểm năm 2010, tướng Hồ Sỹ Tiến cũng nhờ các nhà ngoại cảm để giúp xác định phần mộ của cha nhưng không thành công. Dù vậy năm nào ông cũng dành thời gian về Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt – Lào thắp hương. Tình cờ một lần có người chỉ cho ông khu vực những ngôi mộ vốn được chuyển từ Nghĩa trang Nậm Cắn về.
“Tôi đứng lặng người nhìn vào những ngôi mộ liệt sĩ chưa có tên đó. Bằng linh cảm tôi nhận một ngôi mộ rồi gắn tên cha vào. Tôi nghĩ, về mặt tâm linh nếu không đúng phần mộ cha mình thì cũng là thắp hương cho liệt sĩ nào đấy”, tướng Tiến tâm sự.
Cả đời làm cảnh sát hình sự, trực tiếp chỉ đạo cũng như tham gia chỉ đạo phá nhiều chuyên án lớn, với tướng Hồ Sỹ Tiến phía sau mỗi chiến công đều có những câu chuyện không thể quên.
Ông kể, năm 2015, lúc đó cũng vào dịp tháng 7, xảy ra vụ thảm án 4 người trong một gia đình bị sát hại tại vùng hẻo lánh – bản Phồng xã Tam Hợp, huyện Con Cuông, Nghệ An. Vụ án này cả Công an tỉnh Nghệ An và Cục Cảnh sát hình sự cùng vào cuộc để truy bắt hung thủ.
Để đi vào hiện trường vụ án phải qua Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt – Lào, anh em lúc đó đi trước, tôi và anh lái xe đi sau đã dừng lại để vào nghĩa trang thắp hương cho ngôi mộ mà mình gắn tên cha và những mộ chưa biết tên khác. Tôi có khấn, chúng con đang đi điều tra vụ thảm án rất nghiêm trọng, cha và các anh hùng liệt sĩ linh thiêng phù hộ để chúng con nhanh chóng bắt được hung thủ. Sau này chúng con sẽ quay về báo công.
“Khoảng 3 – 4 ngày sau đó, chúng tôi bắt được hung thủ. Tôi đã dẫn anh em trong Ban chuyên án quay trở lại nghĩa trang thắp hương báo công”, tướng Tiến cười xòa và nói ông kể câu chuyện đó là để nhấn mạnh trong cuộc sống phải luôn có niềm tin.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết thêm, bà nội của ông có 6 người con, 3 trai, 3 gái, trong đó 2 con trai là liệt sĩ. “Cha tôi hi sinh năm 1961, chú út tên Hồ Sỹ Lộc hi sinh năm 1972 trong trận đánh ác liệt ở Quảng Trị. Năm ngoái bà nội tôi được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, vị tướng hình sự khép lại câu chuyện với phóng viên.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến luôn có mặt sớm và tham gia chỉ đạo phá nhiều chuyên án lớn như vụ Lê Văn Luyện ở Bắc Giang (năm 2011); vụ thảm án sát hại 6 người trong gia đình ở Bình Phước (năm 2015); vụ sát hại 4 người trong gia đình ở Nghệ An (năm 2015); vụ sát hại 4 người trong gia đình ở Yên Bái (năm 2015); vụ sát hại 4 bà cháu ở Quảng Ninh (năm 2016).
(Theo Dân Việt)
http://trandaiquang.org/chuyen-thieu-tuong-ho-sy-tien-tim-mo-cha-la-liet-si.html