Đậu bạc là một nghề đặc hữu của Định Công, khác biệt hoàn toàn so với các làng nghề kim hoàn khác ở chỗ được làm hoàn toàn bằng thủ công. Từ những thỏi bạc, người thợ phải khéo léo kéo chúng thành các sợi bạc nhỏ mảnh như sợi chỉ rồi họ khéo léo uốn ghép thành các chi tiết khác nhau sau đó đem ghép các chi tiết đó trên khung thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Nghề chạm bạc có ở nhiều địa phương trên cả nước ta. Nhưng nghề đậu bạc chỉ duy nhất có ở làng Định Công (nay thuộc phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Nghệ nhân Quách Văn Hiểu
|
Gia đình nghệ nhân Quách Văn Hiểu - Quách Tuấn Tú (Định Công - Hoàng Mai - Hà Nội) là một trong hai nhà duy nhất còn lại của làng nghề đậu bạc truyền thống Định Công vẫn còn giữ lửa nghề. Gia đình ông Hiểu đã có 5 đời làm nghề đậu bạc. Theo lời kể, nghệ nhân Quách Văn Hiểu bắt đầu học nghề từ năm 5 tuổi, đến năm 15 tuổi đã là thợ cả trong gia đình.
Để làm các sản phẩm đậu bạc, đầu tiên phải sử dụng bạc nguyên chất (bạc 999 - hay còn gọi là bạc 10) nấu chảy sau đó đổ vào khuôn để tạo thành một thỏi bạc nhỏ, dài. Nghệ nhân Hiểu cho hay: “kĩ thuật đậu bạc đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo và nhỏ nhắn, tỉ mỉ. Sản phẩm đậu bạc đạt yêu cầu phải đậu đều tay, hàn luột, không đọng vảy và các chi tiết hài hòa, cân xứng. Mỗi một sản phẩm đều là một tác phẩm nghệ thuật khắt khe về kỹ thuật nhưng lại tinh tuý ở giá trị thẩm mỹ và sử dụng”.
Nghệ nhân Quách Văn Hiểu gìn giữ ngọn lửa nghề
|
Công đoạn tiếp theo là kéo thỏi bạc nhỏ đó ra thành một sợi bạc nhỏ và dài hơn. Trước đây, công đoạn này rất nhọc do phải làm bằng tay toàn bộ. Nhưng bây giờ công đoạn này được chia thành 2 giai đoạn nhỏ với sự hỗ trợ của máy móc 1 phần. Trước khi kéo phải dùng búa để tán qua thỏi bạc để tránh bị "gai" sợi khi kéo.
Kế đó, nghệ nhân kéo thành những sợi mảnh như sợi chỉ. Để làm được việc này, những người thợ phải dùng một bản thước kéo với những lỗ nhỏ tương ứng theo từng tiết diện từ dày đến mảnh. Những sợi bạc được đập mảnh dẹt một đầu rồi suôn vào từng lỗ nhỏ, người thợ sẽ kéo lần lượt sợi dây bạc ấy qua từng lỗ cho đến khi đạt được độ mảnh nhất. Khi đã đạt độ mảnh cần thiết, hai sợi bạc này sẽ được se lại với nhau như dây thừng và lại đưa vào máy quay ép một lần nữa để 2 ép sợi xoắn này dẹt đi.
Những sản phẩm bạc vô cùng tinh xảo
|
Từ những sợi bạc mảnh, người thợ sẽ làm thành những chi tiết nhỏ, ghép lại với nhau đã tạo thành sản phẩm. Nếu như trước đây, sản phẩm đậu bạc chỉ là những chiếc nhẫn, những đôi khuyên nhỏ thì nay nghệ nhân Hiểu cùng con trai kết hợp những yếu tố truyền thống và hiện đại để thổi hồn cho các tác phẩm của mình. Có những sản phẩm như tranh đậu bạc phải mất trên một tháng mới hoàn thành.
Những tác phẩm bạc tinh xảo qua đôi bàn tay người thợ đậu bạc Định Công. Sản phẩm đậu bạc đạt yêu cầu phải đậu đều tay; hàn luột, không đọng vảy và các chi tiết hài hòa, cân xứng. Mỗi một sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật khắt khe về kỹ thuật nhưng lại tinh tuý ở giá trị thẩm mỹ và sử dụng.
Lò lửa nghề đậu bạc nhà Nghệ nhân Quách Văn Hiểu vẫn luôn cháy trong suốt 5 đời và đang dần được truyền cho các thế hệ sau. Tuy nhiên, trong lòng người nghệ nhân “sống vì nghề, chết vì nghiệp đậu bạc” vẫn luôn đau đáu nỗi niềm về sự mai một của nghề.
Huy Phạm (langvietonlie.vn)
Nguồn quehuongonlie.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/nguoi-giu-lua-nghe-dau-bac-dinh-cong-20170831100022041.htm