Trước khi ra chiến trận, người con trai ấy đã tự tay thêu lên một chiếc khăn và trao cho người thương với lời hẹn ước anh sẽ về cưới em khi mai vàng nở...
Bức tranh do liệt sĩ Võ Văn Kiệu thêu trong tù và tặng cho vợ
Hơn 40 năm qua, Mẹ VN anh hùng Đoàn Thị Tiến (94 tuổi, trú thôn Phú Bình, xã Quế Xuân 2, H.Quế Sơn, Quảng Nam) lúc nào cũng trân quý, nâng niu chiếc khăn tay của con trai là liệt sĩ Nguyễn Quang Tùng để lại. “Khi chúng tôi hỏi mẹ Tiến về những kỷ vật của chồng, con, mẹ lặng lẽ đến trước bàn thờ thắp nén hương rồi cẩn trọng lấy xuống một chiếc khăn tay cũ được bọc kỹ càng trong tấm ni lông”, ông Mai Hồng Lâm - Phó giám đốc Ban Quản lý quần thể tượng đài mẹ VN anh hùng, kể lại cơ duyên để hiện vật về với bảo tàng.
Liệt sĩ Nguyễn Quang Tùng (sinh năm 1946) lên đường tòng quân khi tuổi đời vừa tròn 18. Anh là du kích địa phương, tham gia nhiều trận chống càn tại quê nhà. Trong những ngày gian khó và ác liệt đó, anh đem lòng yêu thương một cô gái cùng xã. Tình yêu ngày càng sâu nặng, họ đã tính đến ngày về chung một nhà. Thế rồi, tạm gác hạnh phúc riêng, anh Tùng với vai trò là xã đội phó xã đội Quế Xuân đã lên đường, tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Ngày lên đường, anh trao cho người yêu chiếc khăn tay màu trắng mà nhiều đêm liền anh tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ thêu cành mai vàng nở rộ và đôi bướm vàng quấn quýt bên bông hoa màu đỏ. Dòng chữ “Xuân Kỷ Dậu” được thêu ngay giữa là lời ước hẹn: mùa xuân sau (1969), đất nước thống nhất, mình sẽ cưới nhau...
Nhưng anh đã vĩnh viễn không trở về. Chiếc khăn trở thành niềm đau của tình yêu đầu đời, của lời hẹn ước dở dang. Năm 1975, sau 6 năm cất giữ chiếc khăn cẩn thận, cô gái đã tìm đến nhà mẹ Tiến để trao lại kỷ vật này. Rồi những câu chuyện về anh lúc sinh thời được mẹ ôn lại. Cô gái ôm lấy bà cụ, cả hai cùng khóc rất nhiều…
Sau nhiều năm đặt trên bàn thờ, chiếc khăn tay - kỷ vật cuối cùng của đứa con trai, đã được mẹ Tiến hiến tặng cho “Bảo tàng trong lòng Mẹ”.
Chiếc khăn thêu hẹn ước của liệt sĩ Nguyễn Quang Tùng ẢNH: HOÀNG SƠN
Nghĩa vợ chồng trong bức tranh thêu
Chỉ trong 3 năm, từ 1967 - 1969, mẹ Tiến liên tiếp nhận hung tin khi con trai Nguyễn Quang Rân, Nguyễn Quang Tùng và chồng hy sinh. Năm 1972, dường như mẹ không còn nước mắt để khóc thương con trai đầu lòng Nguyễn Quang Trung ra đi vì Tổ quốc. Đồng cảnh ngộ như mẹ Tiến, mẹ Cuộng cũng gánh chịu nỗi mất mát tột cùng bởi sự hy sinh của chồng và ba người con: Võ Thành Long (năm 1968), Võ Văn Năm (năm 1969) và Võ Bác Ái (năm 1973).
Bảo tàng Mẹ VN anh hùng cũng đang lưu giữ bức tranh thêu của liệt sĩ Võ Văn Kiệu (sinh năm 1922), chồng của Mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Cuộng (ngụ H.Định Quán, Đồng Nai). Theo hồ sơ hiện vật, năm 1956, ông Kiệu bị địch bắt, bỏ tù. Quân địch tra tấn dã man và lần lượt chuyển ông từ nhà tù Bót Bà Hòa đến khám Chợ Lớn, lao Gia Định, Tân Hiệp, rồi Phú Lợi. Khi bị giam ở nhà lao Tân Hiệp, ông Kiệu nói với vợ mua chỉ màu và vải gửi vào để ông “giết” thời gian, cũng là cách giúp ông vơi nỗi nhớ thương vợ con. Trong tù, ông miệt mài tự học thêu và thêu rất đẹp.
“Là kỷ vật còn lại của người chồng nên mẹ Cuộng rất trân trọng và giữ gìn bức tranh thêu cẩn thận, như vật bất ly thân. Tuy nhiên, khi biết đoàn công tác của bảo tàng muốn sưu tầm hiện vật để lưu giữ, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của cha anh cho thế hệ trẻ, mẹ không tiếc, bảo con dâu lấy bức tranh thêu trao lại cho bảo tàng lưu giữ”, anh Nguyễn Anh Đức, cán bộ Phòng Nghiên cứu sưu tầm (Bảo tàng Đồng Nai), cho biết. Bức tranh kích thước 39 x 39 (cm) được thêu trên nền vải màu trắng ngà. Chính giữa bức tranh là cây hoa màu trắng, đỏ. Hai con thỏ màu trắng được thêu với từng đường chỉ cực kỳ cẩn thận. Trên ngọn hoa, có hình mặt trời màu vàng với hai đám mây xung quanh… Nhìn vào bức tranh thêu, dễ thấy liệt sĩ Võ Văn Kiệu muốn nhắn gửi nỗi nhớ thương đến người vợ cũng như niềm tin về “bình minh đất nước” và một cuộc sống thanh bình.
Ba năm sau ngày địch bắt giam, đến năm 1959, ông Kiệu được trả tự do và về đoàn tụ với vợ con. Dù vậy, ông vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1968, ông Kiệu đưa gia đình từ quê Long An chuyển về Đồng Nai sinh sống. Tại đây, ông lợi dụng địch, giúp đỡ thanh niên trốn khỏi nạn quân dịch. Nhưng mong ước về ngày đất nước thống nhất, sống cảnh yên vui với vợ con chưa thành hiện thực thì ông đã hy sinh sau đó...