Làng Thịnh Mỹ (Diễn Châu), quê hương cụ Cao Xuân Dục cách làng tôi theo đường chim bay chỉ chừng 8km. Hồi lên 9, lên 10 tuổi, tôi được hầu ông tôi tiếp khách. Lần nào ông tiếp một cụ đồ trong huyện, tôi cũng đứng bên cạnh nghe các cụ đàm đạo văn chương và thế sự. Tôi thường nghe các cụ nhắc đến cụ Cao Xuân Dục. Trong trí tưởng tượng của tôi, cụ Cao Xuân Dục vừa xa xôi vừa gần gũi, cụ như một vị đại thần trong triều đình đội mũ cánh chuồn, vừa như một ông đồ mặc áo nâu giản dị.
Năm lên 13 tuổi, tôi học Trường Nguyễn Xuân Ôn, trường trung cấp duy nhất của huyện. Hiệu trưởng là thầy Cao Xuân Huy, cháu nội của cụ Cao Xuân Dục. Tôi được tiếp xúc với nhiều bạn học họ Cao Xuân cùng lứa tuổi. Do đó, tôi hiểu biết thêm nhiều về cụ Cao Xuân Dục. Nhưng chỉ hiểu một cách cảm tính với nhiều mảng kiến thức chắp vá.
Khi trưởng thành, có ý thức học thuật, tôi tìm hiểu sâu hơn và hoàn chỉnh về cụ Cao Xuân Dục.
Nhà văn hóa Cao Xuân Dục
|
Cụ quê làng Thịnh Mỹ, sinh năm 1877, tước An Xuân Tử, đậu cử nhân, làm quan đến chức Học bộ thượng thư dưới triều Tự Đức. Từ một chức quan nhỏ, cụ đã nỗ lực học tập trong sách vở và thực tiễn đời sống, được dân chúng các địa phương và nhà vua mến mộ, tin cẩn, trở thành một trong tứ trụ triều đình.
Trong phạm vi bài viết này, tôi không có tham vọng đề cập một cách toàn diện cuộc đời làm quan của cụ, chỉ xin đề cập một phương diện: Cao Xuân Dục - nhà văn hóa. Tôi cũng không có tham vọng bàn về văn hóa theo nghĩa rộng, mà chỉ xin bàn đến khía cạnh học thuật của cụ.
Hầu hết các nhà nho xứ Nghệ bước chân vào đường quan lại, đều hành nghề theo con đường học quan như huấn đạo, giáo thụ, đốc học, Học bộ thượng thư, Tế tửu Quốc Tử Giám… Cao Xuân Dục là một trường hợp tiêu biểu.
Thuở nhỏ, cậu Dục được bố mẹ cho theo học với những thầy giáo nổi tiếng về nhân cách và kiến thức trong huyện, trong tỉnh. Cũng như các học trò khác, Dục được học với những thầy giáo gần, rồi thầy giáo xa. Phương tiện đi lại là kiên nhẫn cuốc bộ hàng chục kilômét. Trong số các thầy giáo đó, phải kể đến 3 thầy sau đây:
Thầy Cao Trọng Sinh, quê ở Nho Lâm, xa chừng 5km, thầy đã từng làm huấn đạo, giáo thụ, đốc học… Sau khi từ quan, thầy mở lớp dạy học tại nhà, thầy đỗ cử nhân năm 40 tuổi – Thiệu Trị năm thứ 7 (1847), nhưng học trò của thầy có người đậu đại khoa.
Thầy Phan Hữu Tự, quê ở làng Huỳnh Dương, xa chừng 10km, phải đi đò qua sông Bùng, nhỡ may không có đò, cậu Dục đội quần áo và sách vở trên đầu, bơi qua sông… Cụ xin từ quan, về quê mở trường dạy học và phụng dưỡng mẹ già. Cậu Dục rất được thầy yêu mến, gả con gái cho.
Thầy Nguyễn Đức Đạt quê ở Nam Đàn, xa chừng hơn 20km phải đi bộ dọc con đường cheo leo. Thầy đã làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lại, từng làm chủ khảo trường thi Hà Nội, khoa Bính Tý 1874, làm tổng giám thị tại kinh đô Huế năm 1865. Thầy đã từng tập hợp binh sĩ, hưởng ứng phong trào Cần Vương… Vì chán cảnh quan trường, đồng thời muốn phụng dưỡng mẹ già yếu, thầy xin về quê chăm nom mẹ và mở lớp dạy học. Học trò đến rất đông từ nhiều vùng trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Học với các thầy, cậu học trò Cao Xuân Dục để ý một điều: thầy nào cũng có nhiều sách. Các kệ sách treo ngổn ngang trên xà nhà. Cậu bẽn lẽn xin thầy cho đọc sách. Thấy cậu học trò chăm và ngoan, thầy nào cũng khuyến khích cậu đọc, nhưng đọc tại nhà thầy chứ không được đem ra khỏi nhà thầy. Ngoài giờ nghe thầy giảng bài, cậu đọc mê mải. Những quyển vở hay quá, cậu xin thầy cho chép lại và đem về nhà mình. Từ tuổi học trò, cậu đã có ý thức gom góp sách vở. Đến lúc làm quan, có điều kiện, ông thành lập một thư viện riêng của gia đình, đặt tên là “Long Cương tàng bản”.
Cái tên “Long Cương tàng bản” có từ đâu? Tại vùng quê ông ở Diễn Châu, có một gò sò uốn lượn hình con rồng dài gần 10km chạy từ núi Mộ Dạ đến bờ bắc sông Bùng. Theo thuyết phong thủy của các nhà Nho, dải gò sò kết tụ linh khí của trời đất quê hương. Ông bèn lấy tên dải gò sò đặt tên cho thư viện gia đình. Điều đó chứng tỏ ông rất tôn trọng thư viện.
Thời gian làm quan trong triều và các tỉnh, đi tới đâu, ông cũng sưu tầm sách, đặc biệt là sách cổ Việt Nam. Thấy có sách cổ là ông xin mua. Nếu chủ nhân không bán thì ông xin thuê một thời gian nhất định. Nếu chủ nhân không cho thuê thì ông xin chép lại.
Thư viện gia đình là một tòa nhà tọa lạc giữa khuôn viên, xung quanh trồng cây. Tới địa phương nào có giống cây quý, ông xin đem về trồng. Càng ngày cây cối càng rậm rạp xung quanh tòa nhà.
Tầng trên cùng của tòa nhà là lầu vọng nguyệt. Tầng dưới cùng chứa sách. Trong thời gian ngắn, ông đã sưu tầm được hàng vạn cuốn sách Hán Nôm.
Tầng 2 là phòng chép sách. Trong nhà ông, bao giờ cũng có dăm bảy ông tú, ông cử được thuê ở thường xuyên để làm hai việc. Một là dạy cho con cháu, hai là chép sách. Cuốn sách cổ nào ông cũng thuê chép làm 5 bản, giữ lại nhà 2 bản, còn những bản khác đưa cho mỗi người con giữ một bản. Dụng ý của ông là để người con nào cũng tiếp xúc với chữ nghĩa của Thánh hiền. Vả lại, ông đề phòng mất cuốn này còn có cuốn khác.
“Long Cương tàng bản”, nếu không phải là duy nhất thì là một trong những thư viện gia đình ở nước ta hồi ấy có nhiều sách nhất và có nhiều sách quý nhất. Tập thơ Ức Trai thi tập bị mất hút hàng mấy trăm năm, được tìm thấy trong “Long Cương tàng bản”.
Ba đời sau, cậu Cao Xuân Huy là cháu nội của cụ Cao Xuân Dục đọc ngấu nghiến sách trong thư viện, tiếp thu vốn kiến thức của ông cha, và đã trở thành một nhà Đông phương học số một ở nước ta.
Năm 1952, đang dạy học dự bị đại học ở Thanh Hóa, thầy Huy về thăm quê, linh cảm những biến động xã hội sẽ đe dọa đến tòa thư viện này, thầy thuê người gánh sách ra Thanh Hóa. Rồi từ Thanh Hóa, sách được chuyển lên Việt Bắc. Một số sách thầy tặng Bộ Giáo dục, một số sách tặng thư viện Ban Văn Sử Địa.
Về sau sách từ Ban Văn Sử Địa lại phân phát tới các thư viện của Viện nghiên cứu Sử học, Viện nghiên cứu Văn học, Viện nghiên cứu Hán Nôm. Bây giờ, trong các thư viện đó, còn lưu giữ rất nhiều sách của “Long Cương tàng bản”.
Nhà của Cao Xuân Dục bao giờ cũng nhộn nhịp người ra vào. Cuối năm, bà Cao Xuân Dục tổ chức một bữa cơm tất niên rất đông vui, khách mời gồm có: bạn bè Nho học, những người giúp việc và tá điền. Theo phong tục của người Nghệ, ăn xong còn có phần mang về cho con cháu.
Trong số khách đó, có một người khách đặc biệt. Đó là chàng thanh niên Đặng Văn Thụy, quê ở Nho Lâm. Cụ ông bận việc quan ở xa tận trong Huế, cụ bà cai quản đồng ruộng và tài sản gia đình. Cụ muốn chọn một chàng rể là học trò giỏi cùng quê.
Thụy là con một cụ đồ, học rất giỏi, nhưng nhà lại rất nghèo. Thụy vừa học vừa làm thuê. Thấy Thụy có tư chất thông minh, lại chăm chỉ học hành và lao động, hai cụ bàn với nhau nuôi Thụy ăn học và làm chàng rể, se duyên kết tóc với con gái.
Mỗi lần ở kinh về, cụ dặn con gái: “Chăm lo cho cậu Thụy ăn uống đầy đủ. Cậu ta sẽ làm được nghiệp lớn…”. Vâng lời cha, cô rất quan tâm chăm sóc Thụy. Bữa nào cô cũng đơm cơm lưng lưng liễn sứ. Cậu kêu đói. Cô nén cơm chặt trong liễn. Thụy vẫn kêu đói. Cô đành xới cơm ra rá, cơm đầy bằng bốn năm người ăn. Thụy chén hết veo. Vốn là một anh thợ rèn, người vạm vỡ, vai u thịt bắp, thô kệch, trông không có dáng gì là một nho sĩ, cho nên anh ăn rất khỏe. Một hôm, ở kinh về, cô con gái đành thưa thật với cha: “Có lẽ cha định chọn cho con một ông chồng đào gộc chăng?”. Cô kể cho cha nghe về cái bụng như thùng không đáy của Thụy… Cụ bèn ân cần khuyên con: “Xưa nay những người khác thường mới có những cái không bình thường, con ạ”. Quả nhiên, khoa thi Hội năm Giáp Thìn triều Thành Thái, Thụy đỗ Hoàng giáp, tiếng tăm lừng lẫy.
Đặng Văn Thụy đã mở đầu vọng tộc họ Đặng Văn ở Nho Lâm. Con của Đặng Văn Thụy là Phó bảng Đặng Văn Hướng, sau Cách mạng tháng Tám, được Hồ Chủ tịch mời dự chức Bộ trưởng không dự bộ nào của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến kháng chiến chống Pháp, con của Đặng Văn Hướng là Đặng Văn Việt, là một nhà quân sự nổi tiếng, kẻ thù kính nể và gọi Việt là “Hùm xám đường số 4”…
Từ quan hệ xã hội đến trước tác, ta đều thấy nhất quán ở Cao Xuân Dục: yêu quý nồng nàn vốn cổ dân tộc. Theo cách nói bây giờ là yêu quý truyền thống dân tộc. Như người thợ lặn dưới đáy biển mò ngọc trai, ông lặn lộn trong làng quê để sưu tầm sách cổ và tìm mọi cách để giữ gìn sách cổ. Ông sưu tầm những cuốn in rồi và những cuốn còn ở dạng chép tay của các nhà Nho.
Từ khi còn làm quan ở các tỉnh, ông đã làm việc đó theo bản năng và ý thức của một nhà Nho yêu nước. Từ khi nhận chức quan tổng tài Quốc sử quán ở triều đình, ông càng có trách nhiệm thúc đẩy viết sử và dư địa chí. Có cuốn ông tự viết một mình. Có cuốn ông chủ biên, điều hành các học giả cùng viết.
Trong các trang viết của ông, tràn đầy những tư liệu quý: Những tên núi tên sông, những chợ quán chợ cầu có ích cho dân sinh, những tên người có tài kinh bang tế thế trong lịch sử dân tộc, những phong tục tập quán tốt đẹp của mọi miền quê…
Quốc sử quán do ông đứng đầu đã làm được một khối lượng công việc đáng quý, hơn hẳn các triều đại trước.
Đại Nam dư địa chí ước biên và Đại Nam nhất thống chí là hai bộ sách phản ánh được phong cách và tâm huyết của tác giả. Đại Nam dư địa chí ước biên là một công trình mẫu mực về loại sách dư địa chí! Tác giả cũng thổ lộ: Đại Nam dư địa chí ước biên là “tinh lực của một đời tôi dồn hết vào quyển sách này”.
Cao Xuân Dục rất coi trọng hiền tài. Với tư cách tổng tài Quốc sử quán và với tư cách một học giả, ông đã tỉ mỉ sưu tầm đầy đủ tư liệu và biên soạn hai cuốn Quốc Triều hương khoa lục và Quốc triều khoa bảng lục. Quyển đầu ghi chép cẩn thận các khoa thi Hương cả nước từ khoa đầu tiên năm 1807 đến khoa cuối cùng năm 1918. Quyển thứ hai ghi về các khoa thi Hội của triều Nguyễn từ năm 1882 đến năm 1919. Cả hai cuốn như có vẻ trình bày sử liệu một cách khách quan. Tác giả không xông vào bình luận dài dòng. Nhưng từ những sử liệu khách quan đó toát lên chủ kiến của tác giả. Có lần tác giả phát biểu: “Trí thức là báu vật hàng đầu của quốc gia”. Dưới ngòi bút của tác giả, các nhà khoa bảng hiện ra như những ngôi sao chi chít trên bầu trời văn hóa Việt Nam.
Cùng với sử học, tác giả cũng đề cập một cách nghiêm túc đến các lĩnh vực khác như triết học, luật pháp, văn học, đạo đức…
Cao Xuân Dục xứng đáng là một nhà văn hóa lớn của Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ngày ông qua đời (5/6/1923), báo Tribune Indigène (Diễn đàn bản xứ) có bài bình luận về ông với nhan đề Một ngôi sao lớn đã băng: “Nước ta vừa mất đi một người con có tâm hồn cao đẹp, đầy đức độ và nhân ái… Nền thi văn cũ cũng chịu một tổn thất không lấy gì bù đắp nổi, nó đã mất đi một nho sĩ nhuần nhị nhất. Cho nên cụ mất đi là một nỗi đau đớn không những đối với một gia đình mà đối với cả một dân tộc nữa”.
Theo Võ Văn Trực/ANTGCT