Những ngày đầu tháng 3, trời nắng như đổ lửa nhưng ông Trịnh Văn Hoàng (Bảy Hoàng) vẫn cặm cụi kéo chiếc xe kéo bên trên là sọt đá, chiếc cuốc; đến đoạn đường có lỗ thủng, ông dừng xe rồi cần mẫn đổ đá, băm nát để vá lành mặt đường. Công việc ấy ông đã làm suốt hơn 20 năm qua mặc dù không ai bảo cũng chẳng ai trả công đồng nào. Quệt vệt mồ hôi trên trán, ông cười khề khà bảo: “Có gì đâu mà to tát, tôi hành nghề kéo xe thuê nên đi khắp các tuyến đường, thấy chỗ nào hư thì mình vá lại cho lành để mình cùng bà con đi lại dễ dàng thôi”.
Ông cho rằng chính bản thân mình cũng không nhớ chính xác đã bắt đầu vá đường, khai thông nơi ứ đọng nước từ khi nào. Ông chỉ nhớ những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, khi đường trong xã chưa phát triển, chỉ toàn đá đỏ, sình lầy, ông hành nghề bán cà rem, kẹo kéo chứng kiến cảnh người dân, học sinh bị tai nạn do vấp phải ổ gà nên đã nảy sinh ý định vá đường.
Ông Bảy Hoàng kể lại: “Lúc đó đường khó đi lắm, nhiều lần tôi chứng kiến học sinh đi xe đạp qua khu vực có ổ gà bị xe gắn máy chạy ngang qua tạt nước bẩn ướt cả quần áo phải quay trở về nhà thay nên quyết tâm đi vá những ổ gà cho bà con, học sinh đi lại thuận tiện. Ban đầu, nhiều người xì xầm nói tôi bị khùng, làm việc bao đồng… nhưng tôi cũng mặc kệ. Lâu dần người dân thấy việc làm có ý nghĩa nên ủng hộ và không còn nói ra nói vào như trước đây nữa”.
Ông Hoàng kể chuyện hơn 20 năm vá đường của mình
Bà Nguyễn Thị Bé, vợ ông Hoàng nhiều lần cũng than phiền vì gia đình kinh tế khó khăn mà ông chồng suốt ngày đi làm chuyện bao đồng. Bà Bé tâm sự: “Lúc đầu tôi cũng cằn nhằn dữ lắm, nhưng thấy ổng làm việc có ích nên dần dần mới ủng hộ. Bây giờ lớn tuổi rồi mà ông vẫn còn làm, nhiều lúc thấy cũng xót lắm nên chỉ khuyên làm vừa vừa để giữ sức khỏe mà thôi”.
Theo ông Hoàng, mấy năm gần đây, nhà nước làm đường nhựa nên ít ổ gà hơn, việc vá đường đỡ vất vả hơn trước. Ông cũng bỏ nghề bán cà rem, kẹo kéo mà chuyển sang kéo hàng thuê, làm vệ sinh trong UBND xã. Tuy vậy, khi thấy ở đâu có đường hư hỏng là ông lại đi lượm từng viên đá để tích góp đem lại vá đường.
Ông Hoàng được chính quyền địa phương tặng giấy khen
Ông Nguyễn Văn Tâm, ngụ xã Nhuận Phú Tân cho biết: “Người dân địa phương ai cũng biết và ngưỡng mộ việc làm đầy ý nghĩa của ông Bảy Hoàng. Một số người còn kêu lại cho đá, xi măng để góp chút ít phụ ông vá đường”.
Công việc thường ngày của ông Hoàng là làm tạp vụ tại UBND xã
Bà Lê Thị Trúc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhuận Phú Tân cho biết: “Việc làm của ông Hoàng hết sức ý nghĩa được nhiều người cảm phục. Hiện tại ông được ký hợp đồng làm tạp vụ ở trụ sở UBND xã với mức lương 700.000 đồng/tháng. Thời gian rảnh ông đi kéo xe thuê rồi đi đến đoạn đường này thấy hư hỏng là sửa chữa cho lành lặn để người dân đi lại dễ dàng”.
Chiếc xe vừa là phương tiện chở hàng thuê vừa chở đá dể vá đường
Theo bà Linh, gia đình ông Hoàng thuộc diện hộ nghèo nhưng luôn làm việc vì cái tâm, không cầu danh lợi. Không chỉ vá đường, ông còn chăm sóc cây kiểng, trồng hoa ở trụ sở UBND xã; những cổng chào, tấm pa nô tuyên truyền ở ven đường bị hư hỏng ông cũng đến sửa chữa dù không ai thuê mướn. Vì vậy, ông được địa phương tặng nhiều giấy khen với những việc làm đầy ý nghĩa của mình.
Đến thăm nhà ông, bên trong chẳng có thứ gì quý giá. Ông vui vẻ tiếp khách và cười xuề xòa: “Hai vợ chồng tôi chỉ sống đắp đổi qua ngày với thu nhập 700.000 đồng/tháng và tiền kéo xe thuê khi được khi không của tôi còn vợ thì bán bánh chuối ngoài chợ mỗi ngày chỉ lời khoảng 30.000 đồng. Như vậy cũng quá đủ rồi chứ nhiều người còn vất vả, khổ hơn gia đình tôi nhiều. Mấy đứa con của tôi giờ đều làm thuê ở xa, tự lo cho cuộc sống nên cũng tạm ổn”.
Dù lớn tuổi nhưng ông vẫn kiên trì vá đường giúp bà con đi lại thuận tiện
Ông tâm sự rằng, mấy chục năm trước cha ông ta chẳng tiếc xương máu của mình để giành độc lập cho dân tộc thì việc làm của mình bây giờ có sá gì. Vì vậy, ông muốn sẽ tiếp tục vá đường đến khi nào làm không được nữa mới thôi.
Minh Giang
http://dantri.com.vn/xa-hoi/ong-lao-ngheo-hon-20-nam-va-duong-khong-cong-20170313150307026.htm