10/11/2016
Giáo sư Lương Định Của là nhà nông học xuất sắc, người đi đầu trong lĩnh vực cải tạo giống cây trồng của Việt Nam. Ông được đánh giá là một trong những chuyên gia nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam và là một nhà khoa học uy tín. Tên ông từng được bà con nông dân gọi liền với tên của sản phẩm do ông tạo ra một cách thân thiết: dưa ông Của, cà chua ông Của, khoai ông Của, lúa ông Của... Còn bạn bè trìu mến gọi ông là “nhà bác học của đồng ruộng”.
Giáo sư Lương Định Của
(1920-1975)
|
|
Nhà khoa học dành tình yêu, tâm huyết cho quê hương
Lương Định Của (1920 – 1975) xuất thân trong một gia đình điền chủ theo đạo Thiên chúa tại xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Cha mẹ mất sớm, khi ông mới 12 tuổi. Lúc nhỏ, ông học ở trường dòng Taberd tại Sóc Trăng. Sau đó, ông lên học tại Sài Gòn. Lương Định Của học rất xuất sắc. Năm 1937, khi 17 tuổi, ông đã đỗ tú tài toàn phần. Cùng năm đó, ông sang Hồng Kông theo học tại trường Đại học Y khoa.
Sau 3 năm, ông không theo đuổi ngành y nữa mà đến Trung Quốc theo học trường Đại học Kinh tế Thượng Hải. Năm 1941, do có chiến tranh, trường đại học này đóng cửa, Lương Định Của sang Nhật Bản và theo học khoa sinh vật thực nghiệm, trường Đại học Kyushu. Chỉ sau 1 năm học tập, với tài trí thông minh của mình, ông được đặc cách tuyển thẳng lên học năm thứ 3.
Năm 1945, ông kết hôn với một phụ nữ Nhật Bản tên là Nakamura Nubuko, vốn là sinh viên Đại học Nữ công. Sau khi kết hôn, hai ông bà cùng làm việc tại Viện Thí nghiệm của trường Đại học Kyushu.
Năm 1946, Lương Định Của tiếp tục lên Kyoto, Nhật Bản, theo học ngành nông nghiệp, miệt mài học và nghiên cứu khoa học. Mùa hè năm 1951, Lương Định Của hoàn thành luận văn “Cách xử lý đa bội thể di truyền nhằm tạo nên giống lúa mới”. Hội đồng khoa học Trường Đại học Tổng hợp Kyoto nhận xét, với kết quả nghiên cứu này, Lương Định Của đã có cống hiến lớn cho nền nông học trong việc cải thiện giống lúa, và bỏ phiếu nhất trí cấp học vị Bác sĩ Nông học cho ông. Đây là học vị cao nhất của ngành nông học Nhật Bản kể từ thời Minh Trị Thiên hoàng. Ông là người thứ 96 trên toàn nước Nhật giành được học vị này trong vòng 10 năm ở Nhật thời kỳ đó.
Đạt được học vị cao, có việc làm tốt, Lương Định Của vẫn đau đáu nghĩ tới việc về nước phục vụ, để trực tiếp tham gia cùng toàn dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Khi còn là sinh viên, ông đã cùng nhiều lưu học sinh Nhật và các nước, trong đó có Đặng Văn Ngữ, tham gia các cuộc biểu tình tuần hành phản đối thực dân Pháp xâm lược Việt Nam.
Sau khi nhận bằng bác sĩ nông học, gia đình và bạn bè khuyên ông nên đưa vợ con sang châu Âu hoặc đến Mỹ để phát triển công danh sự nghiệp, nhưng với sự kính trọng và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghe theo lời kêu gọi của Người, ông rời bỏ vinh hoa, phú quý, quyết định cùng gia đình về Việt Nam đóng góp công sức xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp của đất nước vốn còn lạc hậu. Ông đóng gói các tư liệu, kết quả nghiên cứu cho chuyến trở về nước qua đường Trung Quốc để đến chiến khu Việt Bắc. Nhưng chuyến đi không thuận lợi, gia đình ông phải quay về Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn nồng nhiệt đón bác sĩ nông học Lương Định Của, nhưng ông khiêm tốn nói mình xa đất nước đã lâu, xin cho làm việc hợp đồng một thời gian để quen thêm thung thổ và bạn bè, rồi mới dám chính thức nhận nhiệm vụ. Sau đó, nhờ em gái ông có chồng đi kháng chiến, ông đã liên lạc và được đón ra bưng biền. Lương Định Của được nhà lãnh đạo Phạm Hùng tiếp đón. Năm 1954, ông cùng gia đình tập kết ra Bắc và làm việc tại Viện Khảo cứu Nông lâm, trường Đại học Nông nghiệp, rồi làm Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Phó Giám đốc Học viện Nông Lâm Hà Nội.
Giáo sư Lương Định Của và vợ (bà Nakamura Nubuko)
|
Thành tựu lớn nhất của giáo sư Lương Định Của là giáo dục đào tạo, đặt nền móng cho nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại và nghề lúa Việt Nam. Nhiều thế hệ học trò do giáo sư đào tạo đã trở thành cán bộ đầu đàn trong các lĩnh vực khoa học nông nghiệp với nhiều người xuất sắc.
Thành tựu lớn thứ hai của ông là tạo giống cây trồng, mang những thương hiệu Việt Nam đầu tiên và nổi tiếng một thời. Đó là giống lúa Nông nghiệp I do ông lai tạo từ giống Ba Thắc (Sóc Trăng – Nam Bộ) với Kun Ko (Nhật Bản) là giống lúa Việt Nam đi vào sản xuất trên đồng ruộng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Sau đó là nhiều giống mới mang tên “giống bác sĩ Của” như lúa chiêm 314, NN75-1, NN8-388, lúa mùa Saisubao, lúa xuân sớm NN75-5, giống dưa lê, cà chua, khoai lang, dưa hấu không hạt, chuối, rau, táo… cùng với những ứng dụng kỹ thuật di truyền và tiến bộ kĩ thuật mới: kĩ thuật tam bội thể, tứ bội thể, chất kích thích sinh trưởng…
Thành tựu lớn thứ ba của giáo sư Lương Định Của là kỹ thuật thâm canh lúa. Ông đã đề xướng mô hình canh tác “bờ vùng, bờ thửa”, “cấy nông tay thẳng hàng”, “đảm bảo mật độ”, được hàng chục triệu nông dân áp dụng, tạo ra cuộc cách mạng trong nông nghiệp.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của ông, Nhà nước đã trao tặng cho ông những phần thưởng cao quí như danh hiệu: Anh hùng Lao động (1967); Huân chương Lao động hạng Nhất; Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật đợt 1 năm 1996.
Nhà nông học gắn bó mật thiết với nông dân
Là một nhà khoa học đầu ngành nhưng Lương Định Của vẫn làm việc trong một căn phòng rất đơn sơ. Ngoài giờ lên lớp, ông thường xắn quần lội trên những cánh đồng thí nghiệm.
Bước vào thập niên 1960, công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc vừa hoàn thành, Lương Định Của là chuyên gia về giống, được phân công chỉ đạo huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, lấy hợp tác xã Đông Phương Hồng làm thí điểm. Từ đấy, trên cánh đồng ruộng Thọ Xuân hầu như ngày nào bà con nông dân cũng thấy một người trạc tuổi trung niên dong dỏng cao, đầu đội nón lá, mình mặc sơ mi màu cỏ úa, quần xắn ống thấp ống cao quẩn quanh từ sáng đến xế chiều. Nông dân đã quên đi hoặc chẳng buồn quan tâm đến học vị cũng như các chức danh khác của ông trưởng đoàn chỉ đạo do Trung ương phái về, mà chỉ biết đấy là “Bác Của” – cách gọi thân mật, chân tình của người dân vùng này.
Anh em khóa IX của Đại học Nông nghiệp về công tác tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, thường thắc mắc: “Chúng tôi là cán bộ đại học hay là công nhân mà bắt đi cày, đi bừa, gánh phân, nhổ mạ?”. Ông Của ôn tồn: “Có lao động cực nhọc, có đổ mồ hôi trên đồng mới thấu hiểu nỗi khổ của nông dân, mới biết nông dân cần gì, mới nghiên cứu ra thứ có tính ứng dụng. Học nông nghiệp mà không phân biệt được cỏ lồng vực với cây lúa (hai loại cây có ngoại hình rất giống nhau khi còn nhỏ) là vứt!”.
Quan điểm của ông phải từ đồng ruộng trở vào phòng thí nghiệm rồi từ phòng thí nghiệm quay trở lại phục vụ ruộng đồng. Và cũng chính từ đó đã góp phần quan trọng làm nên sự gắn bó mật thiết giữa nhà giáo, bác sĩ nông học Lương Định Của với bà con nông dân Việt Nam.
Sự thân thiết, gần gũi của ông được bà con nông dân gọi là “Bác Của” theo cách thân mật dân dã của người trong nhà, chứ không phải vì ông là “bác sĩ”. Họ cũng gọi những thành tựu khoa học của ông một cách đơn giản và thân mật như vậy: “lúa ông Của”, “khoai ông Của”, “dưa lê ông Của”...
Viết về ông, Giáo sư – Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng đã nhận xét: “Bác Của – tiếng gọi yêu mến của mọi người đối với ông, từ tấm lòng thiết tha yêu nước mà trở về với cách mạng, với nhân dân lao động trên đồng ruộng. Ông đã đem hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp khoa học nông nghiệp vào những buổi đầu, là một trong những người đặt nền móng cho khoa học – kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam phát triển như ngày nay”.
Cuộc đời giáo sư Lương Định Của đã vượt qua biết bao thử thách. Ông đã sống và làm việc bằng sự tận tâm, tận lực, tận trí và tận tình của mình. Giáo sư qua đời ngày 28/12/1975, sau một cơn bạo bệnh đột ngột, để lại niềm tiếc thương vô hạn và dở dang ước mơ đưa nông dân Việt bắt nhịp cùng nông dân Nhật. Nhưng những giống cây ông để lại và tên tuổi ông vẫn mãi khắc sâu trong tâm trí của những người nông dân Việt Nam. Điều đó làm cho tên tuổi của ông sáng mãi cùng đất nước và nhân dân Việt Nam.
Hương Thảo (tổng hợp)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/bac-cua--nguoi-ban-cua-nong-dan-viet-nam-20161110102204550.htm
|