13/07/2016
Là người dành trọn trái tim với các làn điệu xẩm và những chiếc đàn dân tộc, Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch được biết đến là một trong nghệ nhân gạo cội của dòng âm nhạc dân gian Việt Nam.
NSND Xuân Hoạch đệm đàn cho các ca nương trong một chương trình biểu diễn ca trù tại khu phố cổ Hà Nội
Chúng tôi gặp nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch khi ông đang bận rộn cho chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam cho du khách nước ngoài tới thăm Hà Nội. Lắng nghe làn điệu "Xẩm chợ" ông hát cùng với bàn tay chơi cây đàn bầu có hồn mà ông tự làm ra mới thấy hết sự đam mê và tâm huyết của người nghệ sĩ dành cho nghệ thuật hát xẩm dân dã một thời của người dân Việt.
NSND Xuân Hoạch cũng nổi tiếng với khả năng chơi rất nhiều loại đàn dân tộc truyền thống
Trong không gian nhỏ được ông mô phỏng ngôi nhà truyền thống giữa làng quê Bắc Bộ, ông chia sẻ với chúng tôi con đường đến với nghệ thuật hát xẩm và đam mê với việc tự sáng chế ra các nhạc cụ dân tộc.
Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch đến với nghệ thuật hát xẩm từ lúc còn bé, khi ông cùng mẹ đi chợ hay mỗi lần đi tàu điện lại gặp những hát xẩm, càng nghe thì tiếng hát của những người khi đó đã ngấm vào trong ông. Dần dần ông bắt đầu tự học, cùng với tham khảo thêm một số người hát xẩm khi đó và bộ môn nghệ thuật này bắt đầu trở thành niềm đam mê của ông.
goài công việc chơi đàn và hát Xẩm, NSND Xuân Hoạch còn là người sáng tạo ra rất nhiều cây đàn độc đáo
Năm 1966, ông trúng tuyển vào trường Âm nhạc Việt Nam và theo học lớp về đàn nguyệt. Năm 1970, ông tốt nghiệp và công tác tại Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam với vai trò là nhạc công. Như ông chia sẻ, thời kỳ đó Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam là cái nôi của rất nhiều ca sĩ nghệ sĩ nức tiếng như Tân Huyền, Thu Hiền, Kiều Hưng, Vũ Dậu, Mạnh Hà, Quốc Hưng, Trần Hiếu…
Sống trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp nên con người nghệ sĩ trong Xuân Hoạch cũng được nuôi dưỡng và trau dồi. Vốn có năng khiếu và niềm đam mê say đắm với âm nhạc dân tộc, ông đã tự mày mò và học hỏi đồng nghiệp để có thể vừa chơi đàn lại vừa có thể hát những làn điệu xẩm cùng một lúc. Trong những năm tháng chiến tranh, ông cùng đoàn đi lưu diễn cho các đơn vị bộ đội từ nơi đèo heo hút gió tới khắp lượt tại vùng Quảng Ninh, Thanh Hoá, Ninh Bình… Và mỗi lần lưu diễn là một lần ông càng cảm thấy gắn bó hơn với bộ môn nghệ thuật này.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch, nghệ thuật hát xẩm có 8 làn điệu chính, ngoài ra, có thể mượn thơ để hát, hoặc mượn câu chèo và cải lương tạo sự mới mẻ cho người nghe. Ví như ông đã từng phổ lời theo thơ của nhà thơ Nguyễn Duy, Nguyễn Bính để hát cho du khách nước ngoài nghe và họ rất thích làn điệu này. Để hát xẩm theo ông thì cần phải tìm lời thơ dân dã bởi xẩm là nghệ thuật bình thường, địa bàn diễn không hề gò bó. Người hát xẩm phải thực sự đam mê, còn giọng hát có thể luyện mỗi ngày một chút, dần dần những câu từ trẩm bổng thế nào sẽ ngấm vào trong cảm nhận mỗi người. Hiện tại khi đã nghỉ hưu nhưng nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch vẫn tiếp tục giúp đỡ hướng dẫn các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam trong quá trình tập luyện hát xẩm và chơi đàn. Ngoài ra, ông còn mở thêm lớp dạy hát xẩm cho những người trung niên và các bạn trẻ có niềm đam mê với loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian này.
Bên cạnh được biết đến là một nghệ nhân gạo cội của nghệ thuật hát xẩm, nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch còn được biết đến là nghệ nhân tài ba trong việc tự làm ra những cây đàn dân tộc. Xung quanh phòng khách nơi chúng tôi ngồi trò chuyện, ông treo chật kín những cây đàn dân tộc. Chế tác ra một loại nhạc cụ dân tộc quả là một nghệ thuật mà ông chia sẻ rằng ban đầu chỉ làm vì sở thích. Ông đã chế tạo nhiều nhạc cụ dân tộc khác nhau như đàn bầu, đàn nhị, sáo… bằng chính những chất liệu dân gian như tre, trúc, bầu, tơ... Điều đặc biệt là những chiếc đàn nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch làm là dây đàn được làm bằng sợi tơ mảnh nên thanh âm khác hẳn, nó ngọt ngào, sâu lắng và ấm áp hơn nhiều chất liệu khác. Không chỉ làm ra những cây đàn có âm thanh tinh khiết mà ở đó ông còn muốn chúng phải mang đậm dáng vẻ, hồn cốt Việt Nam. Ví như ý tưởng điểm hoạ tiết con chuồn chuồn tre vừa ngộ nghĩnh, bắt mắt lại rất Việt Nam mà trên thế giới không nơi nào có được trên đỉnh đàn.
Là người có kinh nghiệm làm nhạc công hơn 30 năm công tác tại Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, theo nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch thì trong số những cây đàn ông làm, đàn bầu là nhạc cụ có những công đoạn làm lâu nhất, còn để chơi đàn thì mỗi loại nhạc cụ đều có đặc trưng riêng nhưng khó nhất là đàn nguyệt.
Tuy đã nghỉ hưu từ năm 2012, Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch vẫn cùng các nghệ sĩ tham gia giảng dạy hát xẩm, biểu diễn các nhạc cụ dân tộc cho các bạn trẻ tại Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam, đồng thời biểu diễn vào những dịp cuối tuần thứ hai trong tháng tại Trung tâm Giao lưu văn hoá phố cổ Hà Nội nhằm quảng bá nghệ thuật dân tộc Việt Nam tới các du khách quốc tế tới du lịch ở Hà Nội.
Với những đóng góp của mình trong nền nghệ thuật âm nhạc dân tộc, nghệ sĩ Xuân Hoạch đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 2007 và là một trong ba nghệ sĩ của Việt Nam được tổ chức World Masters - Những bậc thầy thế giới công nhận là nghệ nhân thế giới./.
(Theo Báo ảnh Việt Nam)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/nguoi-danh-tron-cuoc-doi-cho-am-nhac-dan-gian-20160706085827730.htm
|