Họa sĩ Trần Đạt đang sáng tác. Ảnh: Lê Minh
|
Sinh năm 1953 tại một miền quê ở đồng bằng Bắc bộ, 1 tuổi Trần Đạt đã theo cha mẹ vào Nam sinh sống. Ngay từ nhỏ, cậu bé Trần Đạt đã thể hiện tư chất dành cho hội họa. Tuy vậy, ước mơ được trở thành sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật của anh đành phải dang dở vì gia cảnh khó khăn. Trần Đạt buộc phải đeo đuổi hội hoạ bằng con đường tự mày mò học hỏi từ bạn bè và sách vở. Từ sau 1975, anh đã sống với nghề bằng cách vẽ pano, áp-phích, tranh cổ động, tranh truyền thần… vì thực tế lúc này rất ít họa sĩ sống được với tác phẩm nghệ thuật thật sự.
Bước ngoặt khiến anh dấn sâu vào con đường “giang hồ túy họa” lại đến khi anh bị tai biến liệt nửa người vào năm 1997. Khi đó, bác sĩ chữa trị cũng khuyên anh rằng, đừng nên lo chuyện kinh doanh hay mưu sinh mà ảnh hưởng đến bệnh tật, cứ vui vẻ mà sống… Sẵn niềm đam mê hội hoạ đã chảy trong huyết quản, Trần Đạt xách túi lang thang, dạo bước “giang hồ” với cây cọ để đến khắp nơi, ký hoạ chân dung cho mọi người anh gặp. Có lẽ được thoả đam mê, lại không màng danh lợi, bệnh tật của hoạ sĩ chẳng mấy lúc hồi phục hẳn…
Họa sĩ Trần Đạt nhận bằng công nhận kỷ lục “Người vừa hát vừa vẽ tranh chân dung trong thời gian nhanh nhất”. Ảnh: Tư liệu
|
Tiếp xúc với chúng tôi, đúng như biệt danh “tuý hoạ giang hồ”, Trần Đạt thật cởi mở, phong thái ung dung cùng giọng nói mang âm sắc Bắc bộ chân chất dễ gần. Được biết, nhiều bức họa chân dung, chỉ sau ba đến năm phút đồng hồ “múa” cọ, anh đã hoàn thành tác phẩm. Tốc độ ký họa nhanh như vậy, nhưng trong mỗi tác phẩm của Trần Đạt đều thể hiện sự tinh tế và chiều sâu của bức chân dung. Điều này khiến nhiều hoạ sĩ được đào tạo chính quy về hội hoạ cũng phải nể phục. Đặc biệt, anh còn có một biệt tài “độc nhất vô nhị” đã lập kỷ lục Việt Nam, đó là vừa vẽ vừa hát trên sân khấu và hoàn tất bức chân dung trong một bài hát.
Trong số hàng ngàn chân dung được Trần Đạt “túy họa”, có rất nhiều người nổi tiếng, từ những nhân vật làm nên lịch sử cho đến các doanh nhân, nhà văn, nhà báo hay giới văn nghệ sĩ như: chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Vũ Khiêu, Trần Văn Khê, nhà văn Tô Hoài, nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, cố thi sĩ Bùi Giáng, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, danh họa Bùi Xuân Phái, NSND Trần Hiếu, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, họa sĩ Bùi Quang Ngọc… NSND Trần Hiếu cho biết: “Lần đầu tiên anh Đạt vẽ tôi và lập tức tôi nhận ngay ra tôi trong tác phẩm, đúng như con người Trần Hiếu và tôi mong như thế. Điều này không phải họa sĩ nào cũng thể hiện được…”.
Suốt bao nhiêu năm dấn thân với niềm đam mê hội họa, hoạ sĩ Trần Đạt mới một lần giới thiệu tác phẩm của mình đến công chúng qua cuộc triển lãm về chân dung ký họa “Danh nhân và bằng hữu” vào năm 2013 tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh. Mới đây nhất, Hãng Phim Truyền hình Tp. Hồ Chí Minh (TFS) cũng đã thực hiện bộ phim tài liệu với tiêu đề “Họa sĩ Trần Đạt - tốc họa” (đạo diễn Trần Quốc Sơn) về người họa sĩ tài năng này…
Một số tác phẩm của họa sĩ Trần Đạt:
(Theo Báo ảnh Việt Nam)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/tuy-hoa-giang-ho-tran-dat-20160606143716667.htm