24/05/2016
Là nhà khoa học nghiên cứu công nghệ sinh học, Giáo sư Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam là người đã có nhiều công trình khoa học được ứng dụng thành công trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam.
GS Lê Huy Hàm trong phòng nghiên cứu giống ngô mới của Viện Di Truyền Nông nghiệp VN. Ảnh: Tất Sơn
Tốt nghiệp trường đại học Kishinov, Moldavia (Liên Xô cũ) năm 1982 và làm nghiên cứu sinh trường này năm 1986, Giáo sư Lê Huy Hàm về nước và công tác tại Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam. Nhận thấy đất nước còn nhiều khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp, thiếu lương thực và tiềm lực khoa học công nghệ, ông đã vận dụng những kiến thức được đào tạo bài bản trong lĩnh vực sinh học để tạo ra các sản phẩm ứng dụng thiết thực với hoàn cảnh đất nước mới thoát khỏi chiến tranh trong những năm 80 của thế kỷ trước.
GS Lê Huy Hàm cùng các đồng nghiệp trẻ của phòng nghiên cứu di truyền thuộc Viện Di Truyền Nông nghiệp Việt Nam đang theo dõi một thí nghiệm. Ảnh: Tất Sơn
Giáo sư Lê Huy Hàm đã cùng với các đồng nghiệp từng bước phát triển công nghệ nhân giống cây chuối, cây mía, cây hoa, cây cảnh, cây dược liệu có giá trị kinh tế để chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông đã cùng với đồng nghiệp nghiên cứu thành công quy trình tái sinh ở cây ngô, đậu tương, sắn, bèo tấm để tạo giống cây trồng biến đổi gen chịu hạn, kháng sâu, kháng thuốc diệt cỏ.
Giáo sư Lê Huy Hàm đã công bố 195 bài báo về công nghệ sinh học ở trong và ngoài nước, xuất bản 5 cuốn sách, chủ trì và tham gia 25 đề tài dự án nghiên cứu cấp nhà nước và quốc tế.
GS Lê Huy Hàm cùng các đồng nghiệp đi thực tế tại cánh đồng lúa ở Ninh Bình
Chia sẻ về công trình thành công nhất và có ứng dụng thiết thực cho nông nghiệp Việt Nam, Giáo sư Lê Huy Hàm cho biết, ông đã cùng các nhà khoa học của Vương quốc Anh giải mã thành công các giống lúa Việt Nam và đang từng bước phát triển công cụ chọn tạo giống dựa trên cơ sở giải mã dữ liệu gen. Ngoài ra, ông đã cùng với những đồng nghiệp của mình thành công bước đầu trong việc sử dụng tia ion kim loại gây đột biến mới. Những nghiên cứu này đều được đánh giá là những công cụ quan trọng trong việc chọn tạo giống cây trồng trong tương lai cho lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam.
Với những thành công trong nghiên cứu khoa học, ông đã được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao soạn thảo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai chương trình khoa học lớn là "Chương trình trọng điểm ứng dụng Công nghệ sinh học trong nông nghiệp 2005 - 2020" và "Quy hoạch ứng dụng năng lượng bức xạ trong nông nghiệp".
Ở cương vị là Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Giáo sư Lê Huy Hàm đã xúc tiến và thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt là các nước có nền công nghệ sinh học phát triển nhằm khai thác chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Từ năm 2010 đến nay, Viện Di truyền Nông Nghiệp đã xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả 3 phòng thí nghiệm liên kết với nước ngoài nhằm đào tạo cán bộ trẻ.
Cùng với công tác nghiên cứu tại Viện, Giáo sư Lê Huy Hàm còn tham gia công tác giảng dạy, đào tạo sinh viên, thạc sĩ, nghiên cứu sinh cho một số trường đại học như Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam... Hiện tại, ông còn là Phó Chủ nhiệm Chương trình Công nghệ sinh học Quốc gia, đại diện của Việt Nam về chọn giống cây trồng bằng đột biến trong các chương trình quốc tế./.
(Theo Báo ảnh Việt Nam)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/nha-nghien-cuu-cong-nghe-sinh-hoc-le-huy-ham-20160523143806078.htm
|