28/04/2016
Các công trình nghiên cứu tổng quát về bản chất mối quan hệ giữa địa chất, thực vật và nguồn nước tại đồng bằng sông Cửu Long của PGS.TS Hồ Văn Chín và các cộng sự suốt 40 năm qua đã góp phần tạo nên vựa lúa lớn nhất Việt Nam như hiện nay.
Chân dung PGS.TS Hồ Văn Chín, Viện Địa lý Tài nguyên Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thông Hải
Năm 1983, hàng chục nhà khoa học tại Tp.Hồ Chí Minh mà dẫn đầu là hai nhà nghiên cứu địa chất Hồ Văn Chín và Nguyễn Sinh Huy thuộc viện Địa lý – Tài nguyên Tp. Hồ Chí Minh lên đường xuống Đồng Tháp Mười quyết tâm nghiên cứu các biện pháp trồng lúa trên vùng đất phèn, “rốn lũ” của Đồng bằng Sông Cửu Long. Điều mà trước đó nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước nhận định là “không thể trồng lúa”.
PGS.TS Hồ Văn Chín nghiên cứu các tư liệu trước khi đi thực địa. Ảnh: Thông Hải
Ông Chín nhớ lại, có ngày băng qua những cánh đồng cỏ lác đến khi tối về cởi quần ra thấy cỏ lác và gai cào xước tím cả hai chân. Một vài nhà nghiên cứu vì bị dị ứng mà không chịu nổi đành phải bỏ về giữa chừng. Lúc bấy giờ, câu nói mang tính định hướng của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt là “Sống chung với lũ” và “Thoát lũ ra biển Tây” là động lực để ông và nhóm nghiên cứu quyết tâm thực hiện.
PGS.TS Hồ Văn Chín trao đổi với Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại một Hội nghị. Ảnh: Tư liệu
Dựa trên những phân tích từ thực tế, nhóm nghiên cứu đã tổng kết thành công trình nghiên cứu khai thác Đồng Tháp Mười, và chỉ ra được cho người dân biết được nơi nào trồng được cây gì, nuôi được con gì là thích hợp nhất. Trong đó, việc đề xuất xây dựng hệ thống kênh nguồn thoát lũ, dẫn nước nhập điền thau chua, rửa phèn đóng vai trò quan trọng bật nhất trong sản xuất.
PGS.TS Hồ Văn Chín đi nghiên cứu thực địa tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Tư liệu
Chính những đóng góp quan trọng này đã góp phần biến Đồng Tháp Mười từ một vùng đất hoang hóa đến nay trở thành vựa lúa lớn của cả nước với sản lượng đạt khoảng 3,5triệu tấn/năm (số liệu năm 2014). Nhìn những nghiên cứu khoa học được ứng dụng phù hợp với thực tiễn, các nhà khoa học không khỏi vui mừng. PGS.TS Hồ Văn Chín xúc động: “Nghiên cứu của chúng tôi mang tính ứng dụng thực tiễn đúng dắn không chỉ ở thời điểm hiện tại mà cho dù mười năm hay hai mươi năm sau vẫn còn phù hợp”.
Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Hồ Văn Chín đi thực địa tại khu vực Đồng Tháp Mười. Ảnh: Tư liệu
Tiếp nối thành công trên, PGS.TS Hồ Văn Chín tiếp tục thực hiện công trình nghiên cứu “Điều khiển lũ ở tứ giác long xuyên và thoát lũ ra biển tây”. Sau ba năm thực hiện 1997 – 1999, từ vùng ngập lụt thường xuyên của khu tứ giác Long Xuyên đã trở thành những ruộng lúa bạt ngàn tươi tốt, dân cư sinh sống ngày một đông đúc, ổn định.
Những mẫu đất thu thập nghiên cứu lưu trữ tại viện Địa lý Tài Nguyên Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu
Tiếp tục dấn bước trên nhiều vùng đất xấu, PGS.TS Hồ Văn Chín còn thực hiện nhiều nghiên cứu ở các địa phương: Cà Mau, Bình Thuận, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,… Và những nghiên cứu này đều mang lại những kết quả thiết thực từng địa phương trong việc định hình, xây dựng và phát triển nông nghiệp đặc trưng./.
PGS.TS Hồ Văn Chín đã tập hợp được nhiều nhà khoa học ở các bộ phận khác nhau như: Nguyễn Sinh Huy (Viện địa lý tài nguyên), Nguyễn Tấn đắc (Viện Cơ học ứng dụng), Cao Tất Thuận (Viện khảo sát quy hoach thủy lợi Nam bộ), Nguyễn đình Phước (Nguyên phó giám đốc đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ),… lập thành một nhóm. Họ cùng nhau xuống Đồng Tháp Mười, rồi ra tứ giác Long Xuyên cùng ăn, cùng ở, cùng nghiên cứu thực địa để cho ra được những kết quả nghiên cứu đồng bộ, và khái quát nhất.
(Theo Báo Ảnh Việt Nam)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/pgsts-ho-van-chin--dan-buoc-tren-nhung-vung-dat-xau-20160407100235373.htm
|