Nguyễn Trung Ngạn là một trong những vị quan đứng đầu kinh thành Thăng Long nổi tiếng tài năng, để lại niềm tôn kính sâu sắc trong lòng dân, nên trên địa bàn Hà Nội đã có tới 7 đền, miếu thờ ông.
Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370), tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là Ân Thi), tỉnh Hưng Yên. Ông là một nhà chính trị, một đại thần có tài, được sử gia Phan Huy Chú đánh giá là 1 trong 10 "người phò tá có công lao tài đức đời Trần"; cùng với Nguyễn Trung Ngạn là Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Đoàn Nhữ Hài, Trần Thì Kiến, Phạm Tông Mại, Trần Nguyên Đán.
Đương thời cũng như hậu thế dưới nhiều góc độ đều đồng thuận trong đánh giá Nguyễn Trung Ngạn là một tài năng lớn phát lộ từ rất trẻ. Ông đỗ Hoàng giáp năm Giáp Thìn (1304} khi mới 16 tuổi, đương thời gọi là thần đồng.
Năm 1314, vua Trần Anh Tông “sai Nguyễn Trung Ngạn và Phạm Mại sang triều đình nhà Nguyên đáp lễ”. Năm Tân Dậu (1321) vua Trần Minh Tông “lấy Nguyễn Trung Ngạn làm Ngự sử đài thị ngự sử".
Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi lại tài dùng lý lẽ ngoại giao của Nguyễn Trung Ngạn: Năm 1324 sứ thần nước Nguyên, Mã Hợp Mưu đến Thăng Long báo tin vua Nguyên (Thái Định Đế) lên ngôi. Bọn sứ thần Nguyên kiêu ngạo đi đến tận đường cạnh cầu Tây Thấu Trì vẫn không chịu xuống ngựa. Các quan của ta đã tiếp chuyện đến nửa ngày ở bên cầu, nhưng sứ thần nhà Nguyên vẫn không chịu xuống ngựa. “Nhà vua bèn sai Thị ngự sử Nguyễn Trung Ngạn ra đón và lấy lý lẽ bẻ lại. Sứ thần Hợp Mưu thấy đuối lý phải xuống ngựa, tự bưng chiếu vua Nguyên báo tin lên ngôi, đi bộ vào triều, Vua rất hài lòng”.
Tuy vậy, sử cũ cũng chép lại: Năm 1326, Nguyễn Trung Ngạn do sơ xuất ghi Bảo Vũ Vương được ban tước Tạo Y thượng vị hầu (tước thượng vị hầu mặc áo đen) lại ghi nhầm xếp vào hàng Tử Y (tước thượng vị hầu mặc áo tía), nhưng “vua thương ông có tài, vả lại cũng do lầm lỡ, không bắt tội, nên đuổi ra làm An phủ sứ Thanh Hóa...”.
Tháng 3 năm Nhâm Thân (1332), vua Trần Hiến Tông “lấy Nguyễn Trung Ngạn làm Nội mật viện phó sứ, giữ sổ sách ở nội sảnh cung Quan triều”. Mùa thu, tháng 7, nhà vua lại “lấy Nguyễn Trung Ngạn làm Tri thẩm hình viện sự, kiêm An phủ sứ Thanh Hóa. Trung Ngạn lập Binh doãn đường xét xử ngục tụng. Không ai bị xử oan hoặc xử quá đáng”.
Năm Giáp Tuất (l334), “Thượng hoàng (Trần Minh Tông) tuần thú đạo Nghệ An, thân đi đánh Ai Lao. Lấy Nguyễn Trung Ngạn làm phát vận sứ Thanh Hóa, vận tải lương thực đi trước. Xa giá tới châu Kiềm, quân thanh lừng lẫy. Ai Lao nghe tin chạy trốn. Sai Trung Ngạn mài vách đá khắc chữ ghi công rồi về”. Bài văn khắc ở núi Thành Nam, thôn Trầm Hương, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nay vẫn còn . Năm 1335 làm đến Đại hành khiển” (ngang chức tể tướng). Năm Bính Tý (1337) Trần Hiến Tông “lấy Nguyễn Trung Ngạn làm An phủ sứ Nghệ An, kiêm Quốc sử viện giám tu quốc sử, hành Khoái châu lộ Tào vận sứ. Trung Ngạn kiến nghị lập Tào thương chứa thóc tô để chấn cấp dân bị đói. Xuống chiếu cho các lộ bắt chước thế mà làm”.
Năm 1341, vua Trần Dụ Tông “sai Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn biên soạn bộ Hoàng triều đại điển và khảo soạn bộ Hình thư để ban hành”. Năm Nhâm Ngọ (1342), Trần Dụ Tông “lấy Nguyễn Trung Ngạn làm Hành khiển khu mật viện sự, theo quy chế cũ, cấm quân thuộc về Thượng thư sảnh. Đến đây đặt Khu mật viện để quản lãnh. Trung Ngạn chọn đinh tráng các lộ bổ sung ngạch thiếu của cấm quân, định thành sổ sách. Khu mật viện quản lãnh cấm quân bắt đầu từ Trung Ngạn”.
Năm 1351, Trần Dụ Tông “lấy Nguyễn Trung Ngạn làm Nhập nội hành khiển, vẫn coi việc ở Khu mật viện. Mùa đông, tháng 11 vua ngự điện Thiên An, duyệt cấm quân ở Long Trì, ban cho Nguyễn Trung Ngạn mặc chiến bào, đội mũ võ, đeo thẻ bài gỗ, nghiên vàng (đựng mực) để duyệt cấm quân, định loại hơn kém”.
Năm 1355, Trần Dụ Tông “lấy Nguyễn Trung Ngạn làm Kinh lược sứ trấn Lạng Giang, Nhập nội Đại hành khiển, Thượng thư hữu bật, kiêm tri Khu mật viện sự, Thị kinh niên đại học sĩ, Trụ quốc Khai huyện bá”.
Đền thờ Nguyễn Trung Ngạn
ở ngõ Phất Lộc, Hà Nội
|
Phần lớn cuộc đời Nguyễn Trung Ngạn gắn liền với kinh thành Thăng Long, trong đó từ năm 1341 ông là Kinh sư Đại doãn (quan đứng đầu kinh thành). Nhà Trần rất coi trọng vai trò của Kinh sư Đại doãn, người được xét chọn phải kinh qua An phủ sứ các lộ, qua các kỳ khảo duyệt, được cử làm An phủ sứ Thiên Trường (quê hương nhà Trần, nơi có hành cung của Thượng hoàng, để Thượng hoàng trực tiếp khảo duyệt), rồi phải "thử thách" làm việc ở Thẩm hình viện mới đủ tiêu chí bổ nhiệm làm Kinh sư Đại doãn. Sử cũ không chép cụ thể ông đã làm những gì khi ở cương vị này, nhưng chỉ cần biết Hà Nội có tới 7 đền thờ ông, đủ cảm nhận nhân dân kinh thành đã tôn kính, ngưỡng mộ ông ra sao.
Trải qua 4 triều vua nhà Trần trong hơn 60 năm làm việc tại triều, Nguyễn Trung Ngạn là người trí thức nho học thực sự có tài về quản lý chính sự, luật pháp, ngoại giao, lịch sử, kể cả quân sự. Nguyễn Trung Ngạn đã trị nhậm ở nhiều địa phương như An phủ sứ ở Thanh Hoá, Nghệ An, Kinh lược sứ Lạng Giang v.v…Dù các công việc rất khác nhau, không gian rất xa, trong điều kiện giao thông, đi lại khá thô sơ của thế kỷ XIV, nhưng vì sự tín nhiệm của triều đình, sự mẫn cán và năng lực quản lý của bản thân, Nguyễn Trung Ngạn đều hoàn thành tốt các công việc.
Chỉ có dựa trên cơ sở lòng “trung quân, ái quốc” lòng thương dân và cuộc sống liêm khiết mới giải thích nổi động cơ đã tạo cho Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn có được sự tín nhiệm, sức làm việc sáng tạo đa dạng, kỳ diệu đến như vậy. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã đánh giá trân trọng về Nguyễn Trung Ngạn: “Về sau hai lần sung chức Hựu sảnh (tức Nội mật viện). Đến thời Trần Dụ Tông vào triều, giữ trọn tiếng tốt, không phụ là bậc nho giả, thọ hơn 80 tuổi”.
T.H
Theo Quehuongonline