Năm 18 tuổi, ông Dương Văn Ngộ (sinh năm 1930) đã vào làm việc ở Bưu điện Trung tâm Sài Gòn. Ông Ngộ kể lại, ngày xưa ông học trường Petrus Ký (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) lớp chương trình tiếng Pháp bài bản. Khi vào làm ở Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, ông được học thêm tiếng Anh ở Hội Việt - Mỹ nên có thể giao dịch với khách nước ngoài rành rọt cả hai thứ tiếng.
Năm 1990, ông Ngộ nghỉ hưu và được Ban Giám đốc Bưu điện mời viết thư thuê tại Bưu điện. Tổ viết thư thuê có 6 người chia làm 3 cặp, mỗi cặp trực 2 ngày. Khi ấy ông Ngộ là người trẻ nhất. Nhưng rồi, mọi người nghỉ hưu dần và chỉ còn một mình ông Ngộ gắn bó cho đến tận bây giờ. Ông được bố trí một bàn làm việc ngay một góc trong trung tâm Bưu điện. Bàn làm việc của ông treo tấm biển nhỏ "Nơi chỉ dẫn và viết giúp" bằng ba thứ tiếng Việt – Anh - Pháp cùng giấy, bút mực, từ điển Anh - Pháp - Việt, chiếc kính lúp..
.
Công việc ông Ngộ thường làm là dịch thư từ tiếng Việt sang tiếng Anh, tiếng Pháp cho khách hàng người Việt hoặc viết thư tiếng Việt giúp người nước ngoài. Giúp người Việt ghi địa chỉ nơi nhận, đặc biệt là các nơi thuộc châu Âu, bởi theo ông: “Mỗi nơi có một nền văn hóa khác nhau, ngay cả cách ghi địa chỉ thư cũng đã cho thấy được văn hóa nơi bản địa. Mình biết và ghi đúng, cũng là một cách chứng tỏ mình có hiểu biết về văn hóa, đất nước họ”.
Hôm tôi gặp ông Ngộ ở Bưu điện đang lúc ông cặm cụi bên chiếc kính lúp tra vài từ vựng để dịch thư giùm cho vài người khách. Chị Vũ Phương (quận Tân Phú) nhờ ông dịch bức thư sang tiếng Anh để gửi đến người em họ đang sinh sống ở Mỹ. Chị Ngọc Thùy (tỉnh Bình thuận) lần thứ 2 nhờ ông viết giùm địa chỉ thư gửi cho người thân ở Thái Lan. Một đôi bạn trẻ nhờ ông ghi giùm vài chữ kỉ niệm lần đầu đến Sài Gòn trong niềm vui khó tả. Một chàng khách Tây khi nghe hướng dẫn viên nói đây là người viết thư thuê lâu năm nhất ở đây, thế là anh ta bèn ngồi trò chuyện với ông Ngộ trong niềm hứng khởi, tò mò… Ngồi đợi ông dịch thư, chị Vũ Phương cảm nhận: “Ông còn rất khỏe mạnh, làm việc rất cẩn thận và có trách nhiệm lắm…”.
Những lúc nhàn rỗi, ông Ngộ còn là hướng dẫn viên tình nguyện, đưa du khách đi tham quan, tìm hiểu kiến trúc độc đáo của tòa Bưu điện hay những công trình kế cận, nơi ông đã gắn bó gần như cả một đời. Theo ông, sống, tìm hiểu và giới thiệu nơi mình sinh sống và làm việc, cũng là một cách để giới thiệu văn hóa nước mình đến du khách, để họ hiểu hơn về đất nước mình./.
(Theo Báo Ảnh Việt Nam)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/ky-luc-gia-viet-thu-thue-lau-nam-nhat-viet-nam-20160407093333740.htm