28 năm đã trôi qua, đồng đội của liệt sỹ Trần Văn Phương cùng hàng triệu người Việt Nam vẫn mãi ghi nhớ câu nói của anh: “Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo”.
ảnh minh họa
Từ sáng sớm ngày 14/3, những người lính trở về từ trận hải chiến Gạc Ma cùng chính quyền địa phương đã có mặt tại Nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) để thắp nén tâm hương, tri ân 64 liệt sỹ đã hy sinh anh dũng trong trận hải chiến Gạc Ma (14/3/1988).
Giây phút tri ân liệt sỹ Trần Văn Phương.
Nghĩa trang Quảng Phúc là nơi đặt phần mộ của anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa), người đã anh dũng hy sinh khi xông lên cắm cờ Tổ quốc.
Trước khi ngã xuống, một tay anh vẫn giữ chắc cột cờ, miệng hô to khẩu hiệu: “Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông, chứ cương quyết không để mất đảo”.
Trong cuộc chiến không cân sức trên đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, khi Trung Quốc bất ngờ tấn công, các chiến sỹ Hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma đã nắm tay nhau tạo thành vòng tròn để giữ đảo, sau này trở thành biểu tượng “Vòng tròn bất tử”.
Đã 28 năm trôi qua, mẹ Hồ Thị Đức (79 tuổi), mẹ anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương vẫn không thể nguôi ngoai cảm giác nhớ con…
Thấy phía đối phương quá mạnh, các chiến sỹ Hải quân trên tàu HQ 604 đều nhảy xuống biển bơi về phía Gạc Ma cùng đồng đội giữ đảo.
Trung Quốc đổ bộ thêm quân, hung hãn xông vào phá “Vòng tròn bất tử” nhằm cướp lá cờ đỏ sao vàng mà Hải quân Việt Nam đang chuẩn bị cắm trên đảo Gạc Ma, nhưng không thành.
Khi lá cờ được đưa đến cho anh Trần Văn Phương thì anh bị trúng đạn. Dù anh gục xuống nhưng tay vẫn cầm chắc lá cờ Tổ quốc. Cựu binh Lê Hữu Thảo (quê Hà Tĩnh) đã lao tới ôm thi thể anh Phương khi thi thể anh đang cuộn trong lá cờ Tổ quốc.
28 năm sau, cựu binh Lê Hữu Thảo (quê Hà Tĩnh) lặng lẽ đứng trước phần mộ thắp hương cho người đồng đội đã hy sinh anh dũng.
Lính Trung Quốc thấy thế định xông vào cướp cờ, nhưng Trung sĩ Nguyễn Văn Lanh (sau này được phong AHLLVTND) đã nhanh chóng giành lấy và giương cao ngọn cờ. Anh Lanh sau đó đã bị Trung Quốc đâm lén và nã đạn vào người.
Sau khi tàu HQ 604 bị lính Trung Quốc dùng hỏa lực tầm xa bắn khiến cho tàu bốc cháy và từ từ chìm xuống biển, anh Lê Hữu Thảo cùng những đồng đội sống sót lấy giẻ nhét chiếc thuyền thủng đưa thi hài anh Phương và những người bị thương về đảo Cô Lin và bảo vệ suốt đêm cho đến khi về được đảo Sinh Tồn.
Mặc nguyên bộ quân phục chiến sỹ hải quân Việt Nam, cựu binh Nguyễn Văn Thống (quê Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) cũng có mặt từ rất sớm để thắp nén tâm hương cho người đồng đội của mình.
Trận hải chiến không cân sức giữ đảo Gạc Ma, Cô Lin, 64 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, 9 người khác bị phía Trung Quốc bắt giữ. Trong 64 liệt sỹ hy sinh, tỉnh Quảng Bình có 14 người.
Năm 1991, phần mộ của anh Trần Phương được gia đình và đồng đội đưa về an táng ở nghĩa trang liệt sĩ quê nhà tại phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình).