Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng
Theo dõi buổi giao lưu với nữ họa sĩ Đặng Ái Việt sáng qua (30.1.2016) trong chương trình Cà phê sáng của VTV3, xem lại hành trình của bà khiến tôi lại vẩn vơ ngẫm sự đời.
Nói “lại vẩn vơ” bởi trước đó ngày 19.12.2015, tôi được xem chương trình “Điều ước thứ 7” của VTV3, một chương trình dành cho họa sĩ Đặng Ái Việt. Hôm đó, càng xem tôi càng bần thần cùng những câu hỏi dồn dập đến: Tại sao, tại sao và tại sao bà có thể làm được những điều phi thường như vậy?
Để đảm bảo sức khỏe và cuộc sống tối thiểu trên hành trình dong duổi hàng vạn cây số trên khắp miền tổ quốc, chiếc Chanly cũ kỹ của bà được “chế” thêm đủ thứ (đến chương trình Cà phê sáng, bà đã đi một chiếc hon đa cũ, còn chiếc Chanly đã được bà tặng cho bảo tàng Phụ nữ). Không chỉ những hộc phía sau để đựng đồ nghề, thực phẩm để ăn dọc đường, mà còn có cả “mái nhà”. Cảnh chiếc xe lên, xuống đèo cao ngất, khúc khuỷu và cái “mái nhà” phần phật bay khiến những người xem không khỏi lạnh xương sống. Vậy mà bà không chỉ vượt qua tất cả, mà còn đủ sức để vẽ, vẽ đẹp, rất có hồn và còn động viên, trò chuyện thân mật với các bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đặc biệt, để tránh hiểu lầm (tôi đoán vậy) bà đã từ chối tất cả những tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ dự án của mình.
Trao đổi với chương trình Cà phê sáng, bà tâm sự rất chân tình: “tôi chỉ có trái tim”. Và điều này, thì bất cứ ai đã xem chương trình “Điều ước thứ 7” dành cho bà đều cảm nhận rất rõ. Và với tôi, không chỉ vậy, mà bà phải có trái tim rất đặc biệt.
Không có trái tim đặc biệt, bà làm sao làm tròn ý nguyện của đồng đội, của chồng mình (NSND Phạm Khắc- người làm ra bộ phim Mê Kông ký sự). Điều đầu tiên là bà phải thuyết phục được con, cháu của mình để có những cuộc phiêu du như những chàng trai trẻ rất lãng du.
Không có trái tim đặc biệt, làm sao bà có đủ nguồn nhựa sống vượt qua tuổi tác để đủ sức cưỡi “con ngựa chiến” già nua tung hoành khắp mọi miền đất nước. Ngay cả những thanh niên thích phượt, họ chỉ đến những nơi mà cảnh non nước hoặc thật kỳ vĩ, thật đẹp, hoặc thật nguy hiểm. Nhưng với nữ họa sĩ già thì hoàn toàn khác.
Bà luôn chạy đua với thời gian, như bà tâm sự, bởi phần lớn các Mẹ giờ đều đã gần đất xa trời. Bà lại muốn lưu giữ những hình ảnh của các Mẹ cho thế hệ mai sau biết, đã có nhiều thế hệ sẵn sàng hy sinh tất cả cho dân tộc trường tồn. Đó là những bài học lịch sử lay động và thấm sâu lòng người nhất.
Vậy mà, vẫn có những cán bộ, công chức rất vô tâm (nếu không muốn nói là nhẫn tâm) tới mức khó chấp nhận với các bà Mẹ “Việt Nam Anh hùng”.
Tôi phải chứng kiến, có bà Mẹ được cấp nhà tình nghĩa hơn chục năm nay, vì Mẹ bị đột quỵ, nằm liệt giường đã hơn bốn năm, những ngày còn sống chỉ đếm theo ngày, tháng, con cháu muốn làm sổ đỏ để Mẹ yên tâm nhắm mắt. Vậy mà hơn ba tháng vẫn chưa xong, dù đây là nhà tình nghĩa được thành phố cấp. Phải chăng các Mẹ vẫn phải cần đến … thủ tục đầu tiên?
Có Mẹ được một đơn vị nhận Phụng dưỡng suốt đời, với số tiền 500.000 đồng/tháng. Vậy mà, hàng tháng, hàng quý chi nhánh ngân hàng này không có ai đến thăm hỏi chứ đừng nói đến đưa tiền. Con của Mẹ đã định trả lại bảng “Phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”, nhưng rồi không muốn họ mất mặt nên lại thôi. Gia đình chỉ nhắc khéo chính quyền sở tại để họ nói với đơn vị nọ. Thế rồi, đơn vị đó đến xin lỗi thật nhiều. Nhưng rồi, tình trạng trước vẫn hoàn đấy cho đến bây giờ.
Tôi hiểu, gia đình Mẹ không thiếu, không cần số tiền này mà các Mẹ cần hơn là những tấm lòng thật sự như họ đã nói rất hay trong buổi quận long trọng tổ chức trao danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Không nên, rất không nên chỉ vì tô hồng cho bảng thành tích hỗ trợ được bao nhiêu Mẹ mà làm tổn thương thêm các Mẹ. Nhẫn tâm lắm, các vị có biết không?
Lúc này, tôi chợt nhớ đến lời ca trong bài hát “Bài ca không quên” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Lời ca đã nhắc mỗi chúng ta: “Có một bài ca không bao giờ quên/là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên”. Vì chẳng phút bình yên, cả 4.000 năm lịch sử, biết bao thế hệ phải đổ không biết bao mồ hôi, xương máu để giữ gìn từng giây phút bình yên cho mảnh đất hình chữ S thân thương này. Vậy mà, bên cạnh những Mẹ, những họa sĩ như Đặng Ái Việt và bao trái tim nhân hậu khác, vẫn còn không ít người: “Nhưng giờ đây có giây phút bình yên/Sao tôi quên, sao tôi quên”.
Và câu hỏi “sao tôi quên?” chất chứa nỗi niềm của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cất lên nhiều lần, cung bậc mỗi lúc mỗi cao, khiến mỗi người còn trái tim bình thường phải tự chất vấn mình.
Vương Hà
http://dantri.com.vn/dien-dan/may-aii-co-the-lam-duoc-nhu-the-2016013108542372.htm