Ngày 7/12, tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, Đại tá Nguyễn Công Sơn - Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân đã có bài tham luận đầy xúc động kể về những chiến sĩ đổ máu bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
Vùng 4 Hải quân đóng quân và làm nhiệm vụ trên vùng biển, đảo trọng yếu, đó là căn cứ quân sự Cam Ranh và quần đảo Trường Sa. Đây là một vùng trọng điểm, là căn cứ quân sự rất quan trọng của Hải quân, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị và Quốc phòng - An ninh của đất nước.
Biên giới biển luôn bị nhòm ngó
Vùng 4 Hải quân được giao nhiệm vụ bảo vệ trọn vẹn, vững chắc chủ quyền biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Tổ quốc, trong đó phải giữ vững chắc 21 đảo và 33 điểm đóng quân trên Quần đảo Trường Sa. Vừa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an toàn các hoạt động kinh tế biển, hỗ trợ cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển và nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.
Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân kể về chiến sĩ đổ máu bảo vệ Trường Sa
Đại tá Sơn cho biết, thời gian qua “biên giới mềm” trên biển của Tổ quốc luôn bị các thế lực nhòm ngó và xâm phạm. Vì vậy những người chiến sĩ hải quân luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ lên đường trước những diễn biến phức tạp, những tình huống hiểm nguy trên các vùng biển đảo.
“Sự kiện 14/3/1988, chắc rằng nhiều đại biểu trong chúng ta luôn nhớ - 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hi sinh, nằm lại với biển khơi, trong lòng đất mẹ, để cùng với cả nước quyết tâm giữ vững các đảo được giải phóng từ năm 1975 và đóng giữ, quản lý 21 đảo với 33 điểm đóng quân và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý trong thế trận kiên cố, liên hoàn, vững chắc như ngày nay”, Đại tá Sơn nói.
Từ những mất mát đó, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân đã không ngừng phát huy tinh thần trách nhiệm trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền quần đảo Trường Sa, khu vực biển được phân công và bảo đảm an toàn, an ninh Căn cứ Cam Ranh trong mọi tình huống.
Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Vùng, cấp ủy các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng, thường xuyên duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở tất cả các cấp, nhất là khối đảo và các tàu làm nhiệm vụ trực và tuần tra. Tăng cường quan sát phát hiện mục tiêu, đặc biệt là quan sát các hoạt động của nước ngoài trên không, trên biển, kịp thời tổng hợp báo cáo tình hình, tham mưu cho Quân chủng xử lý đúng đối sách, không để bị động bất ngờ, kiềm chế không để xảy ra xung đột.
Máu chảy đầm đìa vẫn giữ vững vị trí
Đại tá Sơn khẳng định, hiện nay 100% cán bộ, chiến sĩ của đơn vị có bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trước những khó khăn, hiểm nguy, dám chấp nhận hi sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đại biểu lắng nghe tham luận xúc động của Đại tá Sơn (Ảnh Mai Châm)
Điển hình cho tinh thần đó là thuyền trưởng tàu Trường Sa 22, Thiếu tá Lê Minh Phúc, mặc dù bị thương nặng do tàu nước ngoài đâm va, trên người 8 vết thương, đứt động mạch cánh tay, máu chảy đầm đìa, nhưng ngay sau khi được đồng đội sơ cứu bằng 15 mũi khâu, người đang bị choáng do mất nhiều máu, anh vẫn giữ vững vị trí chỉ huy tàu cản phá, xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ - 2014, khi chuẩn bị đến bữa cơm tất niên trên đảo, lực lượng trực canh đảo phát hiện tàu nước ngoài tiến vào đảo, xâm phạm chủ quyền của ta, toàn đảo phát lệnh báo động chiến đấu, điện báo cáo Sở Chỉ huy các cấp, gác lại bữa cơm 30 Tết…
Chỉ huy đảo quyết định tăng cường lực lượng quan sát, tổ chức lực lượng theo dõi, phát hiện mọi động thái bất thường, ngang ngược của tàu nước ngoài, đồng thời hạ xuồng CV, triển khai lực lượng tuyên truyền đặc biệt, phối hợp với tàu trực cơ động tiếp cận, dùng cờ tay, loa tuyên truyền, kiên trì, kiên quyết xua đuổi buộc tàu nước ngoài cơ động rời khỏi khu vực.
Theo Đại tá Sơn, những năm về trước, việc tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển, đảo nước ta rất nghiêm trọng, nhất là khu vực quần đảo Trường Sa, bằng số lượng đông, trang bị hiện đại... tàu thuyền nước ngoài luôn tỏ thái độ ngang ngược và coi thường luật pháp quốc tế, co cụm, thách thức các lực lượng của ta.
Với tinh thần kiên quyết tuyên truyền, xua đuổi, giữ vững đối sách, các lực lượng của Vùng 4 Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh, làm sạch vùng biển, đẩy lực lượng tàu thuyền nước ngoài ra xa đảo. Đến nay, tỉ lệ tàu thuyền đánh cá của ngư dân và các lực lượng của ta đã chiếm ưu thế trên các khu vực biển, đảo Trường Sa, vừa làm nhiệm vụ đánh bắt, vừa tham gia đấu tranh, vừa khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.
Những năm qua, Vùng 4 đã không ngừng phát triển lớn mạnh và trưởng thành cả về biên chế tổ chức, lực lượng, phương tiện như: tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa tiến công nhanh, tàu pháo, tàu vận tải đổ bộ đa năng, tàu quân y, tàu chở khách; Ra đa tầm xa hay tên lửa bờ hiện đại. Hàng năm, Vùng 4 thường xuyên phối hợp hiệp đồng, tổ chức huấn luyện, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp có bắn đạn thật trên biển trong nhiều điều kiện sóng gió, cùng với các đơn vị trong cụm lực lượng để hoàn thiện các phương án chiến đấu.
Để đảm bảo yêu cầu tác chiến trên biển, Lữ đoàn tên lửa bờ 685 với trang bị mới, tính cơ động cao, hỏa lực mạnh cũng đã ra đời. Tuy thời gian chuyển giao công nghệ ngắn, nhận thức của bộ đội không đồng đều, nhưng Lữ đoàn đã quyết tâm nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học qua học hỏi chuyên gia, tự đào tạo tại chỗ, xây dựng mô hình câu lạc bộ.
Quang Phong
http://dantri.com.vn/chinh-tri/pho-chinh-uy-vung-4-hai-quan-ke-ve-chien-si-do-mau-bao-ve-truong-sa-2015120714395694.htm