Hơn 100 đại biểu thuộc Đoàn Bộ Công an tham dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ XI là những bông hoa tươi thắm trong rừng hoa người tốt việc tốt, tiêu biểu cho cán bộ chiến sỹ trong lực lượng Công an nhân dân đang ngày đêm vượt mọi khó khăn, gian khổ, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Đại úy Sằn A Phật (ngồi giữa) trong một lần họp tổ công tác giải quyết vụ việc đảm bảo an ninh trật tự từ cơ sở.
Và Đại úy Sằn A Phật, Phó Đội trưởng Đội An ninh nhân dân, Công an huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh là một trong những cá nhân tiêu biểu, được Ban Tổ chức Đại hội chọn là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” tham luận tại Đại hội.
Dáng người chắc khỏe như cây lim, cây táu trong rừng đại ngàn, nụ cười tỏa sáng và giọng nói ấm áp, Đại úy Sằn A Phật có nhiều thành tích được đơn vị, đồng đội, bà con tín nhiệm, ủng hộ, động viên đi dự Đại hội thi đua yêu nước nhưng lại tỏ ra e dè trước ống kính phóng viên. Nghe chuyện anh kể về công việc của mình và đồng đội, chúng tôi càng hiểu thêm những hy sinh thầm lặng của người chiến sỹ an ninh bám bản, bám làng.
Công việc thường nhật của Đại úy Sằn A Phật và đồng đội giúp chúng tôi hình dung rõ nét hơn khó khăn của cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Công an một huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh. Địa hình miền núi hiểm trở, có những thôn, khe, bản từ trung tâm xã phải đi bộ cả nửa ngày đường mới tới, cán bộ xác định đi địa bàn không thể đi về trong ngày. Đa số người dân vùng cao giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ bản địa là tiếng Dao, Tày, Sán Chỉ; có những nơi người dân vẫn giữ hủ tục lạc hậu, thử thuốc độc khi người lạ đến bản. Ngày nắng đã vậy, ngày mưa đường trơn trượt, đất đá sạt lở khiến bản bị cô lập hàng mấy ngày trời. Những lúc như thế, xa gia đình, xa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, một mình độc lập tác chiến, chưa kể có thời điểm lên bản, Đại úy Sằn A Phật còn bị đối tượng xấu chặn đường đe dọa nhưng chúng phải e ngại trước bản lĩnh của người chiến sỹ an ninh. Đe dọa không được, đối tượng tung tin bôi xấu hòng cô lập cán bộ. Nhưng “lấy nhân tâm thu phục lòng người”, đến với đồng bào bằng sự chân tình, giúp đỡ họ như chính người thân của mình, Đại úy Sằn A Phật đã được dân tin, yêu, giúp đỡ cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ…
Đại úy Sằn A Phật chia sẻ: “Không phải kể ra nhiều khó khăn để thấy công việc của mình khó quá, mỗi cán bộ công tác ở lĩnh vực nào cũng có thuận lợi và khó khăn riêng”. Theo Sằn A Phật, điều kiện tiên quyết chính là nắm chắc địa bàn, nắm chắc tình hình để có tham mưu đúng và có cách giải quyết công việc hiệu quả, giữ vững an ninh, trật tự ngay từ cơ sở. Trong công tác, anh cũng có những thuận lợi riêng như bản thân là người dân tộc Sán Chỉ nên có thể hiểu được phần nào tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Ngày đầu mới bước chân đi địa bàn, nghe đồng chí lãnh đạo Công an huyện luôn quán triệt, hướng dẫn muốn thâm nhập vào vùng dân tộc thì phải am hiểu phong tục, tập quán, nếp sống, sinh hoạt của bà con, anh Phật luôn khắc ghi, vận dụng trong công tác. Với phương châm “ lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, qua 8 năm công tác, Đại úy Sằn A Phật đã quản lý trên 40 thôn, khe, bản đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự nỗ lực của bản thân, anh đã tranh thủ mọi thời gian và quyết tâm học tiếng dân tộc, khi tiếp xúc tạo tâm lý gần gũi với bà con, từ đó có thể làm tốt công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động. Ngoài tiếng Sán Chỉ, Đại úy Sằn A Phật còn nói thông thạo 3 thứ tiếng dân tộc thiểu số khác là: Tày, Hoa và Dao. Năm 2013, qua nắm tình hình, phát hiện được một đường dây tổ chức số lượng lớn người địa phương xuất cảnh trái phép sang nước ngoài làm thuê, Công an huyện Tiên Yên đã tổ chức vây bắt gọn 50 người đều là người dân tộc thiểu số (Dao, Sán Chỉ, Tày) đang trên đường xuất cảnh trái phép. Trong quá trình lấy lời khai, các đối tượng rất ngoan cố, không khai đối tượng tổ chức đưa dẫn, nhiều trường hợp giả vờ không biết nói tiếng Kinh, không hợp tác…Bằng biện pháp nghiệp vụ, lại am hiểu tiếng dân tộc vận dụng vào công tác, chỉ trong thời gian 30 phút, anh Phật đã tìm ra nút gỡ của vụ việc, buộc các đối tượng cầm đầu phải khai nhận toàn bộ sự việc, đối tượng tổ chức, đưa dẫn. Từ vụ việc trên, cùng với các biện pháp quyết liệt khác của Công an huyện và cấp uỷ, chính quyền địa phương đã góp phần ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép sang nước ngoài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Tháng 4 năm 2014, 60 hộ dân tộc Dao, thôn Khe Cát, xã Hải Lạng đã tự ý lấn chiếm trên 100ha đất lâm nghiệp của Công ty Thành Tín tại xã Hải Lạng làm mất an ninh, trật tự tại địa phương. Đại úy Sằn A Phật đã cùng đồng đội tranh thủ người có uy tín, người có nhiều đóng góp, giúp đỡ và tạo công ăn việc làm cho người dân thôn Khe Cát; thực hiện 4 cùng với dân (cùng làm, cùng ở, cùng ăn và cùng nói tiếng dân tộc)… Chỉ sau một thời gian ngắn, anh và đồng đội đã vận động được toàn bộ 60 hộ dân thôn Khe Cát, xã Hải Lạng dừng việc lấn chiếm đất. Không chỉ vậy, Đại úy Sằn A Phật còn vận động trên 30 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cung cấp hàng trăm thông tin có giá trị phục vụ công tác phòng chống tội phạm; tham gia vận động, hoà giải, giải quyết hàng chục vụ việc mâu thuẫn nội bộ trong vùng đồng bào dân tộc… góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Nói về gia đình nhỏ của mình, Sằn A Phật bộc bạch: Thời gian lên bản còn nhiều hơn thời gian ở nhà với gia đình nên không tránh khỏi những lúc bị vợ trách móc, không hiểu sao chồng thường xuyên vắng nhà hàng tháng, cả những ngày Tết, rồi những lúc 2 con nhỏ ốm đau, công việc bận rộn. Khi đó, anh Phật lại phải dùng chính sách “dân vận”, vận động chính vợ của mình. Dần hiểu công việc vất vả của anh và đồng đội, vợ anh – một giáo viên trường dân tộc nội trú đã thông cảm, ủng hộ, thu vén việc nhà để chồng yên tâm công tác. Sau này, thậm chí vợ anh Phật còn nhiều lần hăng hái lên bản cùng chồng tham gia các công tác tình nguyện…
(Theo Công An Nhân Dân)