Thực ra đây không phải là lần đầu tiên tôi đi tát mương bắt cá. Bởi hình ảnh này đã đi suốt tuổi thơ tôi. Cái thời còn nhỏ, cứ hễ mỗi lần nghe trong xóm có nhà tát mương là bọn trẻ con ù té chạy đến để xem và bắt hôi. Trên tay đứa nào cũng cầm một cái rổ và cái thau (hoặc cái xô). Chỉ đến khi tôi lên Sài Gòn trọ học, ra trường đi làm, hình ảnh ấy mới tạm khép lại.
Tát mương bắt cá, người quê chỉ nói gọn thành tát mương là hiểu. Một hình thức bắt cá bằng việc dùng gàu hoặc máy bơm (loại máy dùng đi xuồng, ghe) để tát nước ra khỏi ao, hồ đến khi cạn rồi mò tay bắt tôm cá. Hồ được chọn để tát thường nhỏ, lượng nước trung bình. Ngày trước, ở quê, hầu như nhà nào cũng có một vài cái ao, hồ. Thường ngày, người ta đi làm đồng, bắt được con tôm, con cá bé tí mang về đó thả (hoặc cá, tôm theo dòng nước tự nhiên ra vào). Rồi họ bỏ nhánh cây khô vào hồ (còn gọi là chà) để cá, tôm trú ngụ. Thậm chí những nhánh cây khô ấy còn là nơi cư trú của các loài ốc đắng, ốc bươu. Hồ được “nuôi” trong khoảng 6 tháng đến 1 năm thì tát, lúc ấy lũ cá, tôm trong hồ đã to xác.
Trước khi tát mương bắt cá, người ta đắp một mô đất cao hơn mặt nước chừng vài gang tay ở một đầu (có khi hai đầu cho nhanh) rồi dùng gàu sòng hất nước ra bên ngoài một cái hồ liền kề hoặc một dòng kênh khi nước đang ròng. Những nhà nào khá giả, có sắm máy đuôi tôm thì tát nhanh hơn. Chỉ cần đặt máy bơm có đuôi ngầm trong hồ, đầu nằm trên mô đất cao. Sau đó đổ xăng vào và quay máy chạy.
Khi mương đã cạn, chủ nhà bắt đầu xuống mò trong mớ bùn nhão để bắt cá. Ôi thôi, chỉ trong giây lát mà có biết bao nhiêu là tôm, cá ngập ngụa trong bùn, búng đuôi tành tạch. Khi bị ngộp bùn, các loài cá rô, cá sặc, lòng tong, bóng dừa, bóng cát, cá lóc… trồi đầu lên thở. Thế là gia chủ chỉ việc đưa tay chộp bắt.
Nói bắt cá đơn giản nhưng đối với dân thành thị là cả một vấn đề. Tất nhiên cá không nằm yên một chỗ cho mình bắt, mà cần phải có kỹ thuật. Khi xác định được đối tượng thoi thóp, cần phải ấn tay xuống mạnh để giữ cá, kẻo chúng chuồn đi nơi khác. Khó nhất là bắt lươn. Tuy dễ xác định chỗ trú của bọn chúng (lươn thở tạo thành lỗ tròn nhỏ trên mặt bùn) nhưng vì da lươn rất trơn nên chụp hụt là lẽ thường tình. Để bắt được lươn, cần dùng hai tay hốt sâu một mớ bùn và quăng vào thau. Lươn đã nằm trong đấy. Nhưng hãy cẩn thận, chớ thấy con vật uốn éo bơi trong mớ bùn mà tưởng nhầm là lươn. Có khi là rắn nước, rắn trun hoặc rắn hồ ri. Dù không có nọc, nhưng sự lầm tưởng dễ làm những người yếu tim hết hồn.
Lần về quê theo chân mấy người anh đi tát mương ấy, tôi được một phen vọc bùn hơn là bắt cá. Cái hồ nhà ông anh họ to, chứa rất nhiều tôm cá nhưng tôi chỉ bắt được vài con cá… sặc. Còn lại thì cứ chạm vào là chúng chạy, nên thành ra đều hụt. Ông anh bảo: “Mày sợ cá đau chắc? Hồi nhỏ tao nhớ mày bắt cá tài lắm mà?”.
Ờ thì ngày xưa tôi là một đứa trẻ giỏi bắt cá, mò tôm. Thậm chí mò dặm dấu chân ngoài kênh đê nước ngập tới cổ mà vẫn bắt được cá to. Nhưng theo thời gian, cái thú mò tôm bắt tép này đã rơi vào dĩ vãng. Quả thật, đó là bữa đi tát mương bắt cá ấn tượng và thú vị vô cùng!
Cảnh tát mương bắt cá (Ảnh chụp tại huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre vào tháng 4/2015):
http://danviet.vn/que-nha/thu-vi-ve-que-di-tat-muong-bat-ca-640342.html