Đó là câu hỏi mà bạn bè quốc tế thường hỏi Hồ Thanh Tuấn mỗi khi anh đi hội chợ quốc tế về trang sức để tìm đầu ra cho những viên ngọc trai anh nuôi cấy tại Việt Nam, hay những chuyến đi khảo sát, tìm tòi học hỏi ở các nước có ngành ngọc trai phát triển như Tahiti - Pháp, Australia, Philippines....
“Quả thật khó quá, đúng là ngọc trai cùng loại nhìn bề ngoài thì ngọc được nuôi ở đâu mà chả giống nhau. Họa chỉ khác nhau ở chất lượng. Nhưng chất lượng thì cũng là yếu tố định tính, còn làm sao để người ta nhìn vô một chuỗi ngọc trai, một sản phẩm trang sức ngọc trai người ta biết đó là ngọc trai của Việt Nam?” Anh Tuấn nhớ lại mà trên gương mặt vẫn còn vương nét trăn trở.
Thế rồi anh quyết tâm đi tìm ra nét đặc trưng cho ngọc trai Việt, bằng cách tự đặt ra các câu hỏi, tự trả lời dưới dạng: “Vậy, nét đặc trưng, điểm nhận diện, hình ảnh, giá trị văn hóa nào của Việt Nam được bạn bè thế giới biết tới là gì? Áo dài? Nón lá? Xích lô….hiện lên trong đầu tôi, nhưng tôi thấy vẫn thiếu, có điều đó trong tiềm thức mà tôi vẫn chưa làm sáng tỏ ra được, cho đến một hôm tôi đang ngồi xem tivi thấy cảnh lãnh đạo nhà nước ta tiếp khách quốc tế trong một cuộc gặp cấp nhà nước và phía sau là hình khảm chiếc Trống đồng Đông Sơn uy nghi thì tôi vỡ òa ra. Tôi đã tìm ra, tôi sẽ đưa hoa văn trống đồng Việt Nam lên ngọc trai của mình”.
Ngay sau đó anh Hồ Thanh Tuấn bắt tay vào đề tài nghiên cứu để tìm ra cách đưa hoa văn trống đồng lên những viên ngọc trai. Anh tìm hiểu sâu về các hoa văn và ý nghĩa của mỗi hoa văn, sau đó anh đưa những hoa văn đó lên viên ngọc trai bằng phương pháp điêu khắc. Tuy nhiên, đến đây anh lại vấp phải khó khăn bởi: “Các tế bào của ngọc trai được kết nối với nhau rất chặt chẽ thành khối vững chắc, nay khắc hoa văn lên nghĩa là tôi đang tác động đến cấu trúc đó và những hoa văn khắc nổi như vậy chưa thực sự ấn tượng. Tôi lại tiếp tục mất rất nhiều thời gian để tìm giải pháp. Cái khó ló cái khôn, tôi mang những viên ngọc trai khắc hoa văn ấy cấy vào những con trai đang độ sinh trưởng tốt và đưa về biển nuôi dưỡng tiếp”.
“Sau hơn 01 năm chăm sóc những con trai ấy tôi cùng anh em ở trại nuôi hồi hộp đưa những lồng trai thí nghiệm lên bờ để tiểu phẫu lấy ngọc. Kết quả quá mỹ mãn, viên ngọc mới được bao phủ những lớp xà cừ mới làm nổi lên những hoa văn chìm bên trong một cách tự nhiên tuyệt đẹp”, kể đến đây, nghệ nhân Hồ Thanh Tuấn vẫn còn xúc động nhớ lại những giây phút đầu tiên của thành công.
Anh Hồ Thanh Tuấn đang làm việc với những con trai giống Tahihi
|
Khi thành công mang hoa văn trống đồng Việt lên ngọc trai được truyền thông trong và ngoài nước liên tiếp đưa tin, anh không chỉ tự hào mà còn nghiệm ra một chân lý “Làm kinh doanh không đơn thuần chỉ để kiếm tiền”. Bởi lúc ấy ai cũng biết đến thương hiệu của anh, gia đình, bạn bè khách hàng đều yêu mến tài năng và tâm huyết của anh. Từ lòng đam mê công việc và nghệ thuật của mình đã vô tình khai sáng tư duy của anh rằng anh làm kinh doanh để mang lại những giá trị cho khách hàng, cho xã hội. Ắt hẳn anh sẽ thành công!
Với thành quả ấy, anh Tuấn đã được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng sáng chế độc quyền sở hữu trong vòng 20 năm và góp phần làm nên thương hiệu mà truyền thông lúc ấy đặt cho anh là “Vua ngọc trai Việt”.
Quả thật như vậy, khi một lần nữa tên tuổi của anh lại làm tốn bao giấy bút của truyền thông khi anh cùng nhóm nghệ nhân của công ty mình làm nên chiếc vương miện Hoa hậu Việt Nam 2014. Chiếc vương miện không chỉ được đánh giá là một tuyệt tác nghệ thuật mà còn là chiếc vương miện đầu tiên xác lập kỷ lục Quốc Gia với yếu tố Vương miện đính viên ngọc trai trống đồng lớn nhất và có nhiều viên ngọc trai tự nhiên nhất.
Không dừng lại ở đó, những năm qua anh liên tiếp mở rộng các vùng nuôi mới ở vùng biển Khánh Hòa. Tổng diện tích các trại nuôi mà Công ty Ngọc trai Hoàng Gia của anh đang sở hữu lên đến gần 200ha mặt biển, trở thành công ty nuôi ngọc trai lấy ngọc lớn nhất Việt Nam. Tại buổi hội thảo cấp Nhà nước về ngành ngọc trai tại Hà Nội, ngày 3/10 vừa qua anh cho biết thêm: Với lợi thế bờ biển trải dài dọc đất nước, chúng ta dễ dàng tìm thấy tất cả các giống loài trai trên sinh sống rải rác khắp nơi, trong khi trên thế giới với mỗi vùng lãnh thổ hay mỗi nước chỉ nuôi được một loài trai nào đó. Đây là một tiềm năng to lớn đối với ngành công nghiệp ngọc trai trong nước, chúng ta cần tiếp tục phát triển nghành này vì sẽ là một nghành mang lại doanh thu rất lớn cho đất nước.
Cũng trong hội thảo, anh Tuấn đã chia sẻ về những thành công của anh và các đồng nghiệp đã nuôi thành công hai loại trai quý hiếm và khó nuôi nhất là loài Pinctada maxima Jameson - ngọc trai trắng Nam Hải, hay vẫn gọi là ngọc trai South Sea cho ngọc màu vàng và màu trắng quý hiếm và loài Pinctada margaritifera Linne - ngọc trai đen hay vẫn thường gọi là ngọc trai Tahiti nổi tiếng với màu đen huyền bí. Tất cả đều cho ngọc chất lượng rất đẹp không thua kém bất cứ ngọc trai được nuôi ở nơi nào khác.
Với những thành quả đã đạt được, cùng tâm huyết và lòng yêu nghề, tin rằng anh Hồ Thanh Tuấn sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa để đưa văn hóa Việt Nam tới gần hơn với bạn bè quốc tế qua những viên ngọc trai tuyệt đẹp này./.
(Theo VOV)