Nguyễn Thiên Tích, tự là Nguyễn Khê, hiệu là Tiên Sơn, sinh năm 1400, tại thôn Lộ Bao, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, khoa thi Hoành Từ (1431), ông đỗ thứ nhất học vị Tiến sĩ-tức thủ khoa, tương đương Trạng nguyên.
Nguyễn Thiên Tích, trong cuộc đời hoạt động của mình đã có những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước đã được vua Lê Nhân Tông phong chức: “Thượng thư Bộ binh”-một trong lục bộ của triều đình-là bậc Hiền tài, làm rạng rỡ cho quê hương đất nước!
Lăng mộ Nguyễn Thiên Tích
|
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, bằng chiến thắng quyết định ở Chi Lăng, Xương Giang, Cần Trạm, đã buộc giặc Minh trong các thành Đông Quan, Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh phải đầu hàng. Ngày 3/1 năm Mậu Thân (1428) quân Minh đã bị quét sạch ra khỏi bờ cõi nước ta.
Bình Định Vương-Lê Lợi lên ngôi vua Lê Thái Tổ, với niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433).
Những năm 1431-1433, Nguyễn Thiên Tích được vua Lê Thái Tổ giao phụ trách công việc giao thiệp với nước ngoài.
Năm 1434, ông được cử làm cục trưởng ngự tiền học sinh kiêm ngôn quan. Cuối năm ấy, được cử vào đoàn sứ bộ sang nhà Minh, đến tháng 9-1435 trở về nước và được giao chức Thi ngự sử.
Cuối năm 1438, ông lại được cử sang nhà Minh làm sứ thần lần thứ hai.
Trở về nước, năm 1440, ông được thăng chức Hàn lâm viện thị tộc học sĩ kiêm tri ngự tiền học sinh cục.
Năm 1442, vua Lê Thái Tông qua đời, ông được giao soạn thảo văn bia “Hựu Lăng” dựng ở Lam Sơn (Thanh Hóa) và được bổ nhiệm chức: “Hàn Lâm Tri chế cáo”.
Năm 1444, Nguyễn Thiên Tích được vua giao cùng với Nguyễn Thiên Túng và Lý Tử Tấn cẩn soát sách “Dư Địa chí” do Nguyễn Trãi nghiên cứu biên soạn để cho xuất bản.
Năm 1448, triều đình mở khoa thi tiến sĩ, Nguyễn Thiên Tích được cử làm khảo quan và giao trách nhiệm Trung cư khởi xá cư nhân.
Năm 1457, ông lại lần thứ ba được cử đi làm sứ thần tại xứ Bắc.
Nguyễn Thiên Tích, ba lần là sứ thần của Vương triều Lê tại vương triều Minh, với tài năng, trí tuệ và nghệ thuật ngoại giao, ông đã thực hiện thành công nhiệm vụ công tác đối ngoại của nước ta khi ấy là: “Đặt mối bang giao bình thường với nhà Minh, khéo léo giải quyết những sách nhiễu của nhà Minh về việc lập con cháu nhà Trần và vấn đề tù binh chiến tranh” (1).
Trên mặt trận ngoại giao, Nguyễn Thiên Tích là người có công lớn, giữ được sự bang giao, hòa khí, hữu hảo giữa nhà Lê với nhà Minh, đất nước được yên bình, nhân dân và Tổ quốc Việt Nam có điều kiện xây dựng và phát triển kinh tế, tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Dưới triều vua Lê Nhân Tông, Nguyễn Thiên Tích được giao làm “Độc quyền kỳ thi điện các Tiến sĩ”, rồi được phong chức “Thượng Thư Binh Bộ”-Một chức vụ trong lục bộ của triều đình để quản lý và cai trị đất nước.
Nguyễn Thiên Tích rất xứng danh là một bậc hiền tài-nguyên khí quốc gia. Ông không chỉ là nhà ngoại giao, nhà hiền triết, nhà tư tưởng, nhà chính trị lỗi lạc, mà còn là một nhà địa lý, thiên văn, nhà thơ có tài, ông đã để lại cho nền văn học nước ta bốn tập thơ Đường. Dưới đây là ba bài tiêu biểu:
Đó là bài thơ có tiêu đề “Làm trong thuyền”:
Đêm lặng trăng như vẽ,
Trời rét tuyết thành hoa,
Thuyền cô khách ngàn dặm,
Mười mơ chín về nhà.
Bài thơ thứ hai, có tiêu đề:
“Cuối xuân ở Diễn Châu”:
Chỗ đa đa đáy chiều bóng mát
Ngó hết mây bay chẳng thấy nhà
Tù ngục ba năm đã bạc tóc
Cửa khơi muôn dặm vẫn đường xa
Hoan tình chắc giống bông bùn lấm
Thân thể hệt như phấn rồi hoa
Tuổi trẻ đã lầm danh để bụng
Cửa đông đưa thẹn Thiệu Bình xưa!
Bài thơ thứ ba, có tiêu đề: “Lên chùa Hồng Ân”-chùa Lim
Mấy năm lẩn quất đám trần ai
Cảnh đẹp chùa thăm kẻo nữa hoài
Lúa bẹ đời no cao thấp suốt
Phấn son tòa Phật sáng choang ngoài
Thi, dâu gần ngắm sinh lòng cảm
Mây gió xa xôi nức chí trai
Tựa khắp lan can thành đứng mãi
Nam mây kín dấu chốn bồng lai!
Vào khoảng năm 1470, Nguyễn Thiên Tích mất tại quê nhà. Phần mộ của ông ở cuối Hồng Vân Sơn-núi Lim-vùng đất thanh kỳ-địa linh nhân kiệt!
(1) Sách các Triều đại Việt Nam, NXB Thanh niên, tháng 10-2001, trang 173.
(Theo Bắc Ninh Online)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/mot-bac-hien-tai-nguyen-khi-quoc-gia-20150819161250956.htm
|