Lần theo dấu vết
Theo con đường Trần Hưng Đạo đến ngã ba Trại Hầm rẽ phải, đi trên con đường rợp bóng thông mát rượi, du khách sẽ đặt chân đến Dinh I. Nơi đây, trước kia từng là "Tổng hành dinh" của Cựu hoàng Bảo Đại. Đến năm 1958 thì biến thành Dinh Tổng thống Đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) Ngô Đình Diệm.
Theo các tư liệu lịch sử cho thấy: Năm 1950, sau khi ký ban hành Dụ số 06 và Sắc lệnh số 03 QT/TD biến Đà Lạt thành "Hoàng triều cương thổ", Bảo Đại quyết định bỏ ra 500.000 đồng tiền Đông Dương để mua lại ngôi biệt thự xinh đẹp này của một chủ trang trại người Pháp tên là Paul Dary và cho sửa sang lại toàn bộ nhằm có nơi làm việc tại Đà Lạt.
Trước đó, khi Nhật đảo chính Pháp năm 1945, một đường hầm bí mật đã được lính Nhật đào từ Dinh I thông đến tận Dinh II (Dinh Toàn quyền Decoux) dài hơn 3 km, băng qua Sở Điện, tẻ nhánh vào các biệt thự 11, 16, 18, 26 nằm trên đường Paul Doumer (nay là đường Trần Hưng Đạo) ra đến tận đường Yên Thế, nhằm bắt sống các quan Tây trong dinh và các biệt thự.
Do không biết lính Nhật đào đường hầm bí mật từ bao giờ nên khi biến cố "đảo chính" xảy ra thì các quan chức người Pháp ở đây hoàn toàn bất ngờ, chỉ còn nước "đê đầu thúc thủ"!
|
Cụ Nguyễn Đức Hòa trao đổi cùng tác giả, Ảnh tác giả cung cấp |
Cụ Nguyễn Đức Hòa, một người hầu cận thân tín của Cựu hoàng Bảo Đại và mấy đời "nguyên thủ quốc gia" chế độ cũ (nay đã quá cố) kể với tôi: "khi về Dinh ni tui và một số người đã phát hiện ra đường hầm bí mật. Trong đường hầm có rất nhiều dơi. Buổi trưa tui và ông Nguyễn Hằng thường vào soi đèn pin bắt dơi nướng ăn. Nhưng Cựu hoàng căn dặn tuyệt đối không được hé răng!"
Năm 1956, Ngô Đình Diệm "hất cẳng" Bảo Đại lên làm Tổng thống VNCH, ngay lập tức việc tịch thu tài sản của Bảo Đại và các hoàng thân quốc thích được tiến hành khẩn trương.
Đến cuối năm 1958, việc "thay ngôi đổi chủ" mới xong về cơ bản. Dinh I được dành riêng cho Tổng thống; Dinh II trước đây của Toàn quyền Decoux được giao cho vợ chồng cố vấn Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân dùng làm "Dinh thự mùa hè"; còn Dinh III - Biệt điện Bảo Đại thì dành tiếp các quan khách cấp cao của Tổng thống mỗi khi có dịp viếng thăm và làm việc tại Đà Lạt.
Khi ấy, cụ Hòa vẫn được trọng dụng phục vụ Tổng thống tại Dinh I, nên có điều kiện biết rất rõ việc xây dựng đường hầm bí mật trong ngôi dinh này. Cụ Hòa kể: Sau khi Phạm Phú Quốc ném bom Dinh Độc lập, Ngô Đình Diệm hoảng quá, liền cho gọi nhà thầu Phan Xứng ở Đà Lạt đến ra lệnh đổ bê tông xây lại đường hầm cho thật kiên cố để có thể thoát thân khi chẳng may xảy ra "đảo chính".
|
Dinh thự I, Đà Lạt, Ảnh Phúc Ân |
Đường hầm bí mật được thiết kế từ tầng hai của Dinh, có tam cấp đi xuống phòng làm việc, phòng khách ra đến tận sân sau để đến bãi đáp trực thăng. Để xây dựng đường hầm bí mật, người ta đã huy động hơn 20 thợ hồ, thợ sắt lành nghề đến làm việc và ăn ở tại chỗ, "nội bất xuất, ngoại bất nhập" và việc thi công kéo dài ròng rã gần 2 năm mới xong. Năm 1960, chẳng may một số nơi trong đường hầm bị rạn nứt phải làm lại.
Sau năm 1975 Dinh I được giao về cho quân đội quản lý. Năm 1995, ngôi dinh được bàn giao cho Công ty Du lịch Lâm Đồng liên doanh với nước ngoài khai thác kinh doanh du lịch.
Vào thời điểm đó, tôi là một trong những nhà báo may mắn được bước vào đường hầm bí mật của ngôi dinh này chụp ảnh. Trước mắt tôi là một dinh thự cổ kính ẩn chứa nhiều điều bí mật. Đề đảm bảo an toàn. Tổng thống Ngô Đình Diệm đã cho xây lối vào đường hầm ngay cạnh đầu giường trong phòng ngủ của ông ta. Phía trước được ngụy trang bằng một giá sách, chỉ cần đẩy nhẹ sang một bên là có thể bước vào cửa sắt dẫn xuống đường hầm. Nếu đi từ phía toilette thì chỉ cần đẩy êm bức vách là có thể bước ngay vào miệng đường hầm bí mật.
Ngô Đình Diệm thường dặn dò cụ Hòa là người biết rõ nhất về đường hầm bí mật này: "Muốn còn chỗ đội nón thì phải "ba không": Không thấy, không nghe, không biết hỉ!"
Cứ mỗi lần nhận điện từ Sài Gòn: "Cụ sắp lên", thì ông Hòa lại phải hì hục lau chùi đường hầm suốt mấy ngày đêm. Khi nào cũng vậy, vừa đặt chân đến dinh, công việc đầu tiên của Ngô Tổng thống là xuống kiểm tra an toàn của đường hầm bí mật.
Phía dưới đường hầm được xây dựng bê tông cốt thép khá chắc chắn cao 2m rộng 2,5 m, có ngách để làm 3 phòng: Phòng làm việc và nghỉ ngơi của Tổng thống, phòng điện đài cơ yếu và phòng bảo vệ (xem ảnh). Có máy phát điện liên tục 24/24 và toàn bộ được điều khiển tự động.
Việc bảo vệ Dinh Tổng thống được một lực lượng bảo an và mật vụ hùng hậu luân phiên canh gác cẩn mật, đến một con ruồi cũng khó có thể lọt qua.
Bàn mưu định kế
|
Cửa vào đường hầm bí mật, Ảnh Phúc Ân |
Cụ Hòa kể rằng, cứ mỗi dịp xuân hè hoặc khi Sài Gòn có "việc lớn" cần bàn với "ngài cố vấn" thì ông Diệm lại bay lên Đà Lạt. Ông Diệm vốn xuất thân từ quan lại triều Nguyễn nên khá trầm tĩnh, thích dùng người tài nhưng lại hay đa nghi. Do vậy, chỉ một mình cụ Hòa được Tổng thống chỉ định làm "bếp trưởng" lo việc nấu nướng, phục dịch Tổng thống và mang thức ăn, đồ uống lên phòng cho ông ta.
Ngô Đình Diệm thường ăn ít, nhưng thích các món ăn cung đình Huế, mỗi thứ một tí và phải trưng bày sao cho đẹp mắt. Tuy nhiên, trước khi dọn lên cụ Hòa là người đầu tiên phải nếm thử tất cả các món ăn, để rủi xảy ra đầu độc, thì cụ Hòa phải người... "đi" trước!
Cứ mỗi lần lên ngôi Dinh này ông Diệm thường thức khuya, trầm ngâm đi đi lại lại một mình trong phòng ngủ. Những ngày đẹp trời, ông thường đi dạo quanh dinh, thăm hỏi những người phục vụ và hay nhắc cụ Hòa phải cho trồng thật nhiều hoa và cây cảnh, làm sao khu dinh thật tráng lệ và thơ mộng.
Ông ít uống rượu, không thích mỹ nhân và hay suy tư. Có điều lạ là ông theo Mỹ, nhưng lại không muốn quân đội Mỹ có mặt tại miền Nam.
Chính tại căn phòng làm việc trong đường hầm bí mật này, những cuộc bàn mưu định kế giữa hai anh em Diệm - Nhu đã diễn ra. Hai anh em họ Ngô đã bàn bạc cách đối phó với Mỹ và triển khai các hoạt động của đảng "Cần lao Nhân vị" do họ sáng lập ra; đồng thời lập kế sách loại trừ những người Cộng sản còn lại ở miền Nam qua các chiến dịch "tố cộng", "diệt cộng", "ấp chiến lựợc", "khu trù mật".
Chính tại nơi đây, Diệm còn bàn với Nhu về kế hoạch bỏ tù một số chính trị gia đối lập và thẳng tay đàn áp đối với những người Phật giáo yêu nước.
Để làm phép thử lòng trung thành của các tướng lĩnh Sài Gòn, anh em nhà họ Ngô đã lên kế hoạch "đảo chính giả " ngày 11 và 12/11/1960 do Đại tá Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh lữ đoàn nhảy dù và Trung tá Dương Văn Đông chỉ huy.
Cũng tại đường hầm này, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu cũng đã bàn kế hoạch đối phó với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam khi Mặt trận tuyên bố thành lập ngày 20/12/1960 bằng nhiều chiến dịch bố ráp, tàn sát "Việt cộng nằm vùng" ở cao nguyên Trung phần và miền Nam.
|
Thiết bị liên lạc trong căn hầm, anh Phúc Ân |
Tuy nhiên, có một nghi vấn đau lòng: Sau khi xây dựng xong đường hầm bí mật nói trên, toàn bộ số công nhân tham gia xây dựng không còn được trở về với gia đình của họ nữa!
Để đảm bảo tuyệt đối bí mật, Ngô Đình Diệm đã bị mật ra lệnh thủ tiêu toàn bộ số công nhân này. Tôi hỏi cụ Nguyễn Đức Hòa: "Cụ có biết việc này không?". Với vẻ mặt thật buồn, cụ bảo:"Tui cũng nghe nói rứa, nhưng thực hư không biết răng mô!"
Sau năm 1975, nhiều đoạn đường hầm bí mật bằng đất chạy từ Dinh I đến Dinh II, qua ngã Yên Thế bị sập, người ta phải lấp lại. Chúng tôi cũng đã đến Dinh II phát hiện cũng có đường hầm bí mật chạy từ hầm rượu trong Dinh chạy ra hướng đông nam quả đồi. Tại đường Yên Thế cũng có một đoạn đường hầm bí mật bằng đất được đào khá công phu.
Năm 2000, Dinh I được mở cửa cho du khách vào tham quan, nhưng đường hầm bí mật thì tuyệt đối không cho ai vào.
Những năm gần đây không hiểu sao Dinh I lại bị đóng cửa. Mới đây, trở lại ngôi dinh tôi tận mắt chứng kiến một cảnh tượng đau lòng: Cánh cửa chính của ngôi Dinh I đã được khóa chặt và niêm phong bằng dấu của "Sở Tài chính Lâm Đồng".
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nên sớm kêu gọi đầu tư chỉnh trang lại Dinh I và khôi phục lại đường hầm bí mật nói trên để cho du khách vào tham quan, nhằm giúp mọi người hiểu biết thêm về một quá khứ đầy máu và nước mắt của nhân dân miền Nam cũng như Đà Lạt đã lùi sâu vào dĩ vãng.
Lời tòa soạn: Sau khi tác giả thực hiện bài viết một thời gian ngắn thì cụ Nguyễn Đức Hòa qua đời, mang đi theo nhiều bí mật về ngôi biệt thự một thời mà ông chưa kịp tiết lộ.
Phúc Ân
Theo Vietnamnet